Đau đớn học sinh bỏng cồn trong phòng thí nghiệm

Mới đây, bà Nguyễn Thị Hồng Điểm, phụ huynh em Lê Thành Nhựt, học sinh (HS) lớp 8 Trường THCS Thuận Hưng (Thuận Hưng, Thốt Nốt, TP Cần Thơ), phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM việc con bà và ba bạn học đã bị bỏng khi học thí nghiệm ở trường. Em Nhựt đang phải điều trị ở BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) trong tình trạng khá nặng.

Trường hợp trên một lần nữa cảnh báo về mối nguy trong phòng thí nghiệm nếu không có các biện pháp an toàn phù hợp.

Giáo viên không kèm sát, học sinh bất cẩn

Trong lớp băng trắng quấn quanh đầu, cổ, hai tay, phần thân chi chít vết bỏng đỏ, em Nhựt kể với chúng tôi về vụ tai nạn.

Theo lời Nhựt, hôm đó khi nhóm em thực hành môn sinh học thì hết cồn đốt. Thầy quản lý phòng thí nghiệm đi lấy bình cồn và em Thuận - thành viên nhóm tự châm cồn vào cốc đang cháy nên lửa phụt lên. “Cả bốn bạn nhóm em đều bỏng, em và Lộc bị nặng nhất. Khi vào phòng thí nghiệm, thực hiện đốt cồn, thầy cô không có căn dặn, lưu ý gì” - Nhựt nói.

Ngồi gần đó, bà Điểm sụt sùi: “Hôm đó thầy quản lý và thầy hiệu trưởng có đưa Nhựt lên TP.HCM nhưng từ ngày 6-1 đến nay chỉ có cô Nhi (giáo viên môn sinh học) gọi điện thoại hỏi tình hình chứ không ai đến động viên tinh thần Nhựt và gia đình cả. Nhìn con mỗi lần thay băng đau đớn, máu chảy tùm lum tôi chỉ biết khóc. Sinh con ra lành lặn, giờ thì sẹo đầy người. Lỗ tai của cháu bị cháy nặng, bác sĩ nói có thể phải cắt vành tai”.

Theo ThS-BS Diệp Quế Trinh, Phó khoa Bỏng, BV Nhi đồng 1, trường hợp nạn nhân bỏng khi châm cồn khá nhiều nhưng xảy ra ở trường học là chuyện hiếm thấy.

“Nhựt vào bệnh viện trong tình trạng nặng, bị sốc bỏng, bỏng 34% cơ thể, vùng cổ bỏng nặng độ 3, có nguy cơ mặt, cổ bị sẹo co rút cao, ảnh hưởng chức năng cơ thể. Sắp tới Nhựt phải mang mặt nạ hạn chế sẹo và nẹp cố định cổ ít nhất hai năm” - BS Trinh thông tin.

Hiện cha mẹ Nhựt đều phải nghỉ việc để theo chăm sóc con. “Nhựt hay lên cơn sốt, tôi không thể bỏ con ở đây được. Con còn phải tập vật lý trị liệu đến hai, ba năm, nếu không hai tay, cổ, ngực sẽ bị co rút, tôi không biết công việc sẽ tính sao nữa” - bà Điểm lo lắng.

Em Lê Thành Nhựt đang được mẹ chăm sóc tại BV Nhi đồng 1. Ảnh: H.LAN

Đặt lại trách nhiệm nhà trường

Theo bà Điểm, nhà trường phải có trách nhiệm hơn để xoa xịu nỗi đau thể xác, tinh thần cho HS bởi tai nạn xảy ra ngay trong trường. Hơn nữa, nếu giáo viên đứng lớp có sự cảnh báo ban đầu kỹ lưỡng khi HS tiếp xúc với nguồn nguy hiểm là cồn và lửa, biết đâu sự việc đã khác…

Trong các hoạt động thí nghiệm có hóa chất, nhà trường cần đặt ra nguyên tắc người hướng dẫn phải có biện pháp nhắc nhở, kèm sát HS, có trang bị dụng cụ bảo hộ cần thiết để đảm bảo an toàn cho cả thầy và trò. Nếu không cẩn trọng ngăn ngừa, những sự cố xảy ra trong phòng thí nghiệm trường học có thể gây hậu quả rất lớn trên số đông.

“Sự việc đã xảy ra rồi, chúng tôi chỉ cần sự quan tâm, động viên từ nhà trường. Nếu thầy hiệu trưởng bận thì cũng nên cử người lên chia sẻ, hỏi thăm con chứ, nhà trường không nên vắng mặt như vậy. Tôi có nhận được 8 triệu đồng tiền hỗ trợ nhưng không biết là của một mình cô bộ môn hay của nhà trường nữa” - bà Điểm bức xúc.

Cùng bị bỏng nặng trong tai nạn này là em Đồng Tấn Lộc. Bà Nguyễn Thị Kim Xoàn, mẹ em Lộc, cho biết Lộc cũng phải nhập viện ở BV Nhi đồng 1 nhưng được xuất viện sau 10 ngày. “Trường có hỗ trợ 9 triệu đồng, cô bộ môn, thầy hiệu trưởng có gọi điện thoại một lần, hứa lên thăm nhưng không thấy. Bây giờ hằng tuần Lộc vẫn phải lên TP.HCM tái khám rất tốn kém và còn phải vật lý trị liệu trong hai năm nữa” - bà Xoàn buồn bã nói.

Đối với giáo viên phụ trách, nhà trường đã yêu cầu làm bản tường trình, về chuyên môn nếu có sai phạm thì Phòng GD&ĐT sẽ xem xét.

Ông PHẠM VĂN TÂM,
Hiệu trưởng Trường THCS Thuận Hưng 

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Văn Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS Thuận Hưng, cho biết khi xảy ra sự cố, giáo viên phụ trách và người quản lý phòng thí nghiệm đã sơ cứu các em.

“Sau đó, hiệu trưởng và giáo viên đã đưa các em đến bệnh viện ở Cần Thơ rồi TP.HCM cấp cứu. Nói như vậy để thấy nhà trường cũng rất lo lắng, quan tâm đến sức khỏe của học sinh. Vì tôi phải tham gia ban tổ chức Hội khỏe Phù Đổng nên đã cử hiệu phó và công đoàn gọi điện thoại hỏi thăm tình hình học sinh. Phía nhà trường rất muốn chia sẻ cùng gia đình học sinh trong khả năng của mình. Đây là rủi ro không ai muốn, chúng tôi rất hiểu và chia sẻ cảm xúc của cha mẹ học sinh” - ông Tâm bày tỏ.

Cũng theo ông Tâm, đến thời điểm này nhà trường, giáo viên và lớp đã hỗ trợ em Nhựt 10 triệu, một học sinh khác 10,2 triệu đồng và đang tính toán để hỗ trợ thêm.

Chúng tôi đã liên hệ với cô Nhi nhưng cô cho biết do sự việc xảy ra tại trường nên cô không thể cung cấp thông tin khi chưa có sự đồng ý của ban giám hiệu.

Liên hệ qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng GD&ĐT quận Thốt Nốt, nhận định đây là sự cố không mong muốn và nhà trường cũng đã cố gắng hỗ trợ gia đình HS.

“Sơ sót của cô giáo là thiếu nhắc nhở học sinh, các em lại bất cẩn dẫn đến sự cố đáng tiếc. Sau khi nhận tin báo, Phòng GD&ĐT quận đã cử cán bộ xuống hiện trường nắm thông tin, chấn chỉnh tình hình. Chúng tôi đang cho Thanh tra Phòng GD&ĐT phối hợp với chính quyền địa phương, nhà trường và công an phường xác minh làm rõ trách nhiệm của cô giáo” - ông Tâm thông tin. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm