“Đau đầu vì tiền” những ngày giáp Tết

“Đau đầu vì tiền” những ngày giáp Tết ảnh 1

Thưởng Tết bà chủ thấp hơn ôsin

Có hai con nhỏ, việc cơ quan đòi hỏi rất nhiều thời gian trong khi bố mẹ hai bên đều ở xa nên dù thu nhập không cao, vợ chồng Hoa vẫn phải thuê người giúp việc. Tết, ngoài lương và quà cáp, tiền tàu xe cho osin, Hoa còn phải lo tiền thưởng Tết tương đương một tháng lương.

“Osin nhà mình bảo là ai đi làm chả có tháng lương thứ 13, nên chị ta cũng phải có. Thực ra mình đi làm, có năm được trả tháng lương thứ 13, có năm không, năm nay cũng không. Nhưng osin thì dứt khoát là phải có, không thì nguy. Tết là thời điểm hàng loạt gia đình mất osin, nên càng phải nịnh”, Hoa chia sẻ. Vì thế, tiền thưởng Tết của giúp việc nhà chị Hoa là 2,5 triệu đồng, trong khi chị chỉ được cơ quan thưởng 1,8 triệu, trả cho osin còn chả đủ, nói gì đến chuyện chi tiêu ngày Tết.

Tính cả tiền sắm Tết, tiền tàu xe về hai quê (Quảng Ninh và Quảng Trị), quà cáp cho bố mẹ hai bên, tiền mừng tuổi bố mẹ và đàn cháu của chồng, của vợ cũng như con em người quen, bạn bè, đồng nghiệp, tiền cho osin, chị Hoa tính sơ sơ đã mất 20 triệu đồng, gấp 9 lần tổng số tiền thưởng Tết của anh chị. Nghĩ mãi chẳng ra khoản nào để bù vào, cuối cùng Hoa đành đưa ra phương án là tiêu vào số tiền tiết kiệm dự định dùng để trả nợ cuối năm. “Cũng may là chỗ bạn bè nên được thông cảm, dù rằng để nợ sang năm mới thì chẳng hay chút nào”, Hoa nói.

Không thể mong chờ vào khoản thưởng Tết thấp hơn cả osin cũng là hoàn cảnh của nhiều bà nội trợ khác khi vẫn phải phụ thuộc vào người giúp việc. Mai Ly, 26 tuổi, phóng viên một tờ báo ở Hà Nội, chia sẻ: “Em mới vào làm nên chỉ được thưởng chưa đến 1 triệu đồng, phải bù thêm nửa tháng lương mới đủ thưởng Tết cho bà giúp việc, vì không có bà ấy trông con thì em không đi làm được. Em 8-9 giờ tối mới về là chuyện thường, chẳng nhà trẻ nào nhận trông con đến lúc đó cả”.

Cố gắng “cày” để có Tết

Bố mẹ ở quê đều nghèo nên Mai Ly và chồng chỉ trông chờ vào bản thân để có tiền tiêu Tết và quà cáp cho gia đình. “Bình thường em đã rất chăm rồi, nhưng đến tháng Tết thì càng cày ác. Em gửi bài cộng tác cho nhiều báo, cả báo in lẫn báo mạng, nhuận bút chẳng đáng bao nhiêu nhưng năng nhặt chặt bị. Dạo này đêm nào em cũng ngồi gõ bài đến quá nửa đêm”, Mai Ly kể. Cô hy vọng trước khi nghỉ sẽ “nhặt” được gần chục triệu đồng nhuận bút, thế là đủ cho Tết. Còn lương tháng giêng, cô sẽ không đụng đến, kẻo một tháng sau Tết sẽ phải “treo mồm”.

Với Phương Loan, 32 tuổi, văn thư của một công ty ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, tiền Tết của cô nằm trong đám mỹ phẩm, khăn, áo chíp hàng xách tay… mà hằng ngày cô “tha” đến văn phòng. Trên trang Facebook và cả status Yahoo Messenger của cô đều treo thông báo “giá rẻ, hàng chất, phục vụ nhiệt tình”. Loan cổ động bạn bè, đồng nghiệp mua và quảng cáo hộ. “Chẳng lời lãi bao nhiêu, nhưng được vài triệu cũng là góp thêm cho cái Tết đỡ hẻo”, Loan tâm sự.

Cũng mang đồ đến bán ở cơ quan như Loan nhưng thu nhập của Ngọc Vinh, 35 tuổi, giảng viên một trường đại học ở Hà Nội, lại rất khá. Hàng của cô là các loại tất Hàn Quốc, từ dày đến mỏng, ngắn đến dài, nam nữ trẻ em đủ cả. Mỗi ngày Vinh xách theo một túi to đựng mấy trăm đôi tất đến trường. Cô khoe: “Chỉ bán cho đồng nghiệp trong trường thôi mà mỗi ngày tớ cũng đẩy được vài trăm đôi. Vì giá tốt, và vì chị em mua tất chả ai mua một đôi cả, toàn là cả chục, vài chục đôi; mua cho mình rồi mua cho chồng con, mua tặng người thân... Tớ chỉ lãi mỗi đôi 2.000 đồng thôi nhưng mỗi ngày cũng đã được 400.000 đồng rồi. Đến khi các đồng nghiệp đều “no” tất, không mua nổi nữa thì cũng đã đến Tết, hihi”.

Thắt lưng buộc bụng

Trong khi thưởng Tết chỉ là khoản “tượng trưng” và cũng không biết làm thế nào để kiếm thêm, cách dễ nhất mà chị em nghĩ ra được là cắt giảm chi tiêu. Năm nay, khó khăn về kinh tế là tình hình chung nên dù là công nhân, nhân viên văn phòng hay là dân kinh doanh cũng đều coi đó là giải pháp.

“Tết em chỉ có vài triệu mang về, nên hay dở gì cũng chỉ tiêu trong chừng đó. Em chẳng mua sắm gì cho mình, cũng không có kế hoạch vui chơi gì hết, mà đưa hết tiền cho mẹ, chỉ trừ lại tiền xe khách để quay về Hà Nội thôi. Mẹ em mà tiêu thì tiết kiệm hết sức rồi”, Hồng Ngoan, công nhân may, quê Nam Định, nói.

Còn Hoài Thương, nhân viên kinh doanh một tập đoàn ở Hà Nội, kể: “Mấy năm nay, Tết nào gia đình tôi cũng đi du lịch nước ngoài. Năm nay cũng đi du lịch nhưng là đến nhà bà chị lấy chồng ở Quảng Bình”. Với kế hoạch này, gia đình cô vừa được ăn Tết với người thân, vừa tham quan các danh lam thắng cảnh, trải nghiệm, tìm hiểu về cái Tết ở một vùng văn hóa khác, lại tiết kiệm.

“Chắc mình sẽ giảm tiền mừng tuổi đi. Năm ngoái còn biếu được bố mẹ mỗi bên 2 triệu đồng, năm nay giảm một nửa. Những khoản mừng tuổi khác cũng chỉ mang ý nghĩa tinh thần là chính, miễn là đổi được tiền mới, đẹp”, Liên Hoa, 39 tuổi, nhân viên kế toán, nói.

“Còn em thì sẽ cắt vào khoản thực phẩm. Mọi năm cứ đến Tết là em làm hàng chục món, và mua đủ thứ, nhiều quá ăn mất ngon mà lại tốn tiền”, Ngọc Nga, 27 tuổi, tiết lộ, “Tết năm ngoái em đến nhà chị bạn, chị ấy chỉ mang ra một món thịt để nhắm rượu, ăn kèm dưa góp. Món ăn quen thuộc nhưng vì không bày biện ê hề nên đâm ra lại rất ngon. Năm nay em cũng bắt chước, chỉ làm mấy món. Giá thực phẩm rất đắt, nên giảm món như vậy là em cũng tiết kiệm được vài triệu đấy”.

Mặc dù phải đau đầu xoay tiền Tết và cắt giảm nhiều khoản chi nhưng phần lớn các bà nội trợ không cho rằng cái Tết Nhâm Thìn sắp tới sẽ vì thế mà kém vui. Liên Hoa chia sẻ: “Có tiền xông xênh thì thích rồi, nhưng dù sao ngày Tết thì quan trọng nhất là sum họp gia đình, gặp nhau đông đủ, ai nấy đều khỏe mạnh, tình cảm là vui”.

“Tiền thì có nhiều tiêu nhiều, có ít tiêu ít, kiểu gì mà chả có Tết. Đa số mọi người đều khó khăn nên mình cũng chả lăn tăn”, Ngọc Nga vui vẻ, “Năm sau tình hình kinh tế tốt lên, làm ăn được thì lại ăn Tết to thôi”.

Theo Lam Giang (DT/ĐV)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm