Đặt tên ngắn vừa gọn, vừa tiện lợi

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường ngày 12-5 đã báo cáo kết quả góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), trong đó đáng chú ý là ý kiến đề xuất họ, tên và chữ đệm của công dân Việt Nam không được vượt quá 25 chữ cái. Nhiều ý kiến cho rằng nên quy định như vậy nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng cần xem xét lại…

Tên dài sẽ gây bất lợi

Về việc đặt tên, tôi ủng hộ cách đặt tên ngắn. Thứ nhất, việc đặt tên của mỗi công dân là quyền con người, ai cũng được tự do chọn tên cho con cái nhưng phải gắn với điều kiện thực tế ở Việt Nam. Xét về họ thì chúng ta thường có một từ dài nhất tương đương với khoảng 4-5 chữ cái (ví dụ Nguyễn, Hoàng...) vì thế việc chọn tên lót và tên thật cũng nên ngắn ngọn (không quá năm từ) để dễ dàng xưng gọi...

Thứ hai, chúng ta đang cải cách hành chính nên các biểu mẫu, hồ sơ ngày càng được thu gọn, nhỏ, việc đặt tên họ dài sẽ gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước và bản thân công dân. Vì dài quá thì có khiphải viết tắt, mà viết tắt thì sẽ gây hiểu lầm rồi nhầm lẫn giữa người nọ với người kia, lúc đó lại phải chứng minh họ là họ. Trong khi chứng minh tên viết tắt tiếng Việt ở trong nước thì dễ chứ khi xuất cảnh ra nước ngoài hoặc liên quan đến yếu tố nước ngoài trong hồ sơ sẽ rất khó khăn.

Thứ ba, người có họ tên quá dài, quá độc sẽ bất lợi trong các giao dịch dân sự và đời sống, từ giấy khai sinh, CMND, giấy phép lái xe, thẻ BHXH… đều không đủ chỗ để viết tên. Vì vậy tôi cho rằng hạn chế, khống chế số lượng chữ cái trong đặt tên là cần thiết.

Có người lo ngại hạn chế trong việc đặt tên sẽ xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân được quy định trong Hiến pháp (chỉ bị hạn chế trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng). Theo tôi, quyền con người phải gắn với các điều kiện để đảm bảo thực hiện quyền đó trên thực tế, nếu không thì sẽ không thực hiện được.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, giảng viên khoa Luật dân sự ĐH Luật TP.HCM

Ngắn gọn sẽ tránh được sai sót

Tôi ủng hộ quy định đặt tên cho con không quá 25 chữ cái. Nếu đặt tên quá dài sẽ gặp khó khăn khi làm thủ tục.

Nếu đặt tên quá dài, khi làm thủ tục, cán bộ nghe không hết hoặc không rõ sẽ dẫn đến sai sót và xảy ra nhiều hệ lụy. Tôi ví dụ như trong quá trình làm hồ sơ, không đủ chỗ để ghi trên các giấy tờ chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe, giấy tờ bảo hiểm… có thể cán bộ phải viết tắt, lần sau đi làm thủ tục gì cán bộ không để ý viết sai như thế phải mất thời gian để đi sửa lại. Như vậy sẽ gây khó khăn cho chính bản thân người đó và dễ dẫn đến hiểu lầm của người đọc.

Ông NGUYỄN THANH SƠN, chung cư Nguyễn Ngọc Phương,
quận Bình Thạnh, TP.HCM

Sao không cho đặt tên dài?

Thời nay đặt tên cho con rất nhiều người thường ghép cả họ cha đứng trước, họ mẹ đứng sau để sau này con cái biết được cả họ nội lẫn họ ngoại. Con gái thường được lót tên đệm là Thị để mọi người hiểu mình là nữ nên họ, tên đệm và tên rất nhiều người vượt qua 25 chữ cái như Nguyễn Trương Thị Phương Nguyên (là 27 chữ cái). Tôi thấy cũng đâu có gì phức tạp.

Khu vực Tây Nguyên hiện tại có nhiều người Kinh lấy người các dân tộc, khi đặt tên con người ta cũng thường lấy hai họ của cha và mẹ. Đơn cử ở quê tôi có người đặt tên con mang cả hai bản sắc dân tộc là Niê K’đăm Nguyễn Thị Thanh Chương. Được biết phong tục người Ê Đê họ mẹ phải đứng trước, Nguyễn là họ cha, Thị là con gái, Thanh Chương là tên đặt theo tên quê quán của cha, 26 chữ cái.

Ở Huế có một họ mà được cho là họ của con cháu vua ngày xưa, đó là họ Công Tằng Tôn Nữ, nếu như có người lấy tên đệm và tên mình là Thị Phương Nguyên nữa thì nó cũng tới 28 chữ cái.

Họ Việt, tên đệm Việt, tên tiếng Việt rất hay, rất đẹp không hề có chút ngoại lai chả lẽ lại cấm người ta đặt sao?

PHẠM HOÀNG NINH, giáo viên nghỉ hưu, số 200, xã Đắk Drông, huyện Cư Jut, Đắk Nông

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm