Đất đang bị kê biên có được bán?

Năm 2005, ông Nguyễn Văn Dễ (số 99, khu Bình Phó A, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) mắc nợ hơn 500 triệu đồng và án tòa buộc ông phải trả nợ. Hết thời hạn tự nguyện thi hành án, ông Dễ vẫn không có tiền trả nợ. Ngày 13-6-2007, Thi hành án quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) đã ra quyết định kê biên của ông Dễ hơn 4.000 m2 đất. Kết quả định giá ghi nhận miếng đất này trị giá hơn 400 triệu đồng.

Theo cơ quan thi hành án, dù đã bị kê biên nhưng ông Dễ vẫn có thể “bán” đất để thi hành án với điều kiện “bán bằng hoặc cao hơn mức giá đã định nêu trên”. Sau đó, ông Dễ cũng tìm được người đồng ý mua đất với giá hơn một tỷ đồng (cao hơn phân nửa giá được định). Ngày 13-8-2007, sau khi nhận của người mua 50 triệu đồng tiền cọc, ông Dễ đã đem nộp 40 triệu đồng cho cơ quan thi hành án, kèm theo cái hẹn “khi nào UBND phường chứng thực hợp đồng chuyển nhượng đất, ông sẽ nộp đủ số tiền phải thi hành án”.

Tuy nhiên, mọi việc đã không suôn sẻ như suy nghĩ của ông Dễ. UBND phường đã từ chối chứng thực ký hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông với người mua. Ngoài ra, ông Dễ còn bị lập biên bản về hành vi mua bán đất đã có quyết định kê biên và thông báo bán đấu giá.

Theo ông Nguyễn Văn Năm, Chủ tịch UBND phường Long Tuyền, đất đã có quyết định kê biên và thông báo bán đấu giá thì không thể chuyển nhượng. Hôm đó, tuy cán bộ thi hành án quận cùng đi với ông Dễ nhưng vì không có quyết định giải tỏa kê biên nên phường không thể chứng nhận hợp đồng chuyển nhượng đất.

Ông Lê Tuấn Kiệt, Trưởng thi hành án quận Bình Thủy, cũng cho biết chấp hành viên chỉ đến nhận tiền theo đề nghị của ông Dễ và không có ý kiến gì về việc mua bán đất. Các bên đương sự có thể tự thỏa thuận việc mua bán đất, phía Thi hành án quận sẽ giải tỏa việc kê biên khi nào nhận đủ tiền thi hành án.

Thấy hai cơ quan cứ chờ qua chờ lại và UBND phường thì không chịu chứng nhận hợp đồng mua bán đất, người mua đã... rút lui. Không còn cách nào khác, ông Dễ đề nghị cơ quan thi hành án ngưng việc đấu giá để ông tìm người mua mới. Song Thi hành án quận đã không chấp nhận đề nghị này, viện lẽ đã đến ngày bán đấu giá. Sau cùng, miếng đất đã được đấu giá thành với giá cao hơn giá khởi điểm 10 triệu đồng. Tính ra, ông Dễ bị thiệt hơn 500 triệu đồng.

Một trưởng thi hành án dân sự cấp quận ở TP.HCM nhận định: Theo luật định, nhà, đất đang bị kê biên thì không thể chuyển nhượng nên cách xử lý nêu trên của UBND phường Long Tuyền là đúng quy định. Riêng Thi hành án quận Bình Thủy thì lại quá máy móc, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người phải thi hành án.

Thay vì bỏ mặc người phải thi hành án tự xoay xở với yêu cầu “phải giao đủ tiền thì mới được giải tỏa việc kê biên”, Thi hành án quận Bình Thủy có thể hỗ trợ ông Dễ và người mua đất làm thủ tục mua bán diện tích đất đang bị kê biên. Cơ quan thi hành án có thể đề nghị người mua nộp trước cho mình một khoản tiền bằng với số tiền thi hành án. Ngay sau đó, họ có thể giải tỏa lệnh kê biên để tạo thuận lợi cho người mua thực hiện những thủ tục hành chính liên quan. Đến khi đã hoàn tất những thủ tục cuối cùng, người mua có thể giao hết số tiền còn lại cho người bán. Cách xử lý này vừa không trái luật, vừa giúp việc thi hành án được nhanh gọn, đảm bảo được quyền lợi của bên được thi hành án và cả bên phải thi hành án.

Pháp lệnh Thi hành án dân sự luôn khuyến khích các đương sự tự nguyện thi hành án. Với việc tạo thuận tiện cho người phải thi hành án tự bán tài sản để thi hành án, cơ quan thi hành án sẽ đỡ nhọc nhằn với việc cưỡng chế thi hành án, đỡ hao tốn các chi phí bán đấu giá, cưỡng chế giao tài sản. Mong rằng sẽ không còn những “nạn nhân” tương tự như ông Dễ.

NGUYỄN QUỲNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm