Đất cho thuê thành... đất bán

Ông Lê Văn Dũng, ngụ ấp Lộc Thạnh, xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh khiếu nại Phòng TN&MT huyện Trảng Bàng về việc huyện lấy đất của gia đình ông cập nhật vào giấy đỏ của người thuê đất.

Bốn ngày làm việc là xong thủ tục

Theo trình bày của ông Dũng, thời bao cấp do chính sách nhường cơm sẻ áo của Nhà nước nên gia đình ông giao khoảng 2.000 m2 đất tại ấp Bàu Mây, xã An Tịnh cho bà Nguyễn Thị Hè để sản xuất. Cạnh đó là phần đất có diện tích tương đương gia đình ông sử dụng. Đến năm 1997, bà Hè đề nghị mua lại phần đất bà đang sản xuất, gia đình ông đồng ý. Đồng thời, gia đình ông cũng cho bà Hè thuê luôn phần đất kế cận. Do không đo đạc cụ thể nên cả hai bên ước lượng là mỗi mảnh đất có diện tích khoảng 1.700 m2. Hai bên lập hai giấy tay, một là giấy mua bán 1.700 m2 và một là giấy cho thuê 1.700 m2.

Năm 2011 hết hạn hợp đồng, ông Dũng đòi lại đất thì bà Hè không trả với lý do là đã mua phần đất này và cũng đã được cấp giấy chứng nhận. Tìm hiểu thông tin ông Dũng mới hay bà Hè được cấp giấy đỏ cho phần đất đã mua với diện tích 2.000 m2 và năm 2011 bà được cập nhật luôn phần đất thuê vào giấy đỏ. Hiện toàn bộ diện tích đất của bà Hè là 4.239,6 m2. Ngoài việc khiếu nại về việc lấy đất của mình cấp cho người khác, ông Dũng đặt vấn đề về quá trình giải quyết của Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Trảng Bàng khi làm thủ tục quá dễ, chỉ trong bốn ngày làm việc kể từ ngày có đơn và một ngày sau khi có tờ trình của xã là xong. Ngoài ra, cán bộ không xem xét sự mâu thuẫn giữa hộ khẩu trong đơn và sổ hộ khẩu.

 
Giấy mua bán và giấy cho thuê đất của ông Lê Văn Dũng. Ảnh: CT

Đất của dân, huyện tự phán xét

Trả lời báo Pháp Luật TP.HCM, Trưởng phòng TN&MT huyện Trảng Bàng, ông Nguyễn Văn Lam, nhìn nhận có một số sai sót như hộ khẩu cư trú nhưng các nội dung cơ bản thì “không có sai sót”. Ông Lam cho rằng bà Hè có giấy tờ chứng minh là giấy tay mua bán đất. Khi được hỏi tại sao văn phòng đăng ký căn cứ vào giấy mua bán đất mà không dựa vào giấy cho thuê đất, ông Lam cho rằng hai giấy này tuy hai mà một và giao dịch mua bán có hiệu lực cuối cùng. “Trước là hai bên cho thuê nhưng có lẽ tính toán sao đó nên họ quyết định mua bán luôn. Bằng chứng là hai giấy này chung một ngày, cùng một thửa đất nên trong hai giấy đều ghi là thửa đất có diện tích là 1.700 m2” - ông Lam nhận định.

Hỏi ông Lam căn cứ nào để cho rằng giữa hai bên thuê trước rồi mua bán sau mà không phải tách biệt hoặc ngược lại, ông Lam cho rằng: “Vì nếu đã bán thì không thể cho thuê nữa. Do đó chúng tôi dựa vào giấy mua bán để cập nhật biến động cho bà Hè”. Về thời gian giải quyết quá nhanh, ông Lam cho hay Thông tư 17/2009 của Bộ TN&MT quy định thời gian giải quyết cho thủ tục cập nhật biến động là không quá 15 ngày. Do đó, việc văn phòng đăng ký giải quyết cho trường hợp bà Hè chỉ trong bốn ngày là “công khai, minh bạch, đúng trình tự, thẩm quyền, thời gian” - ông trả lời.

CẨM TÚ

 

Trước lập luận của lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Trảng Bàng ông Dũng vẫn khẳng định phía huyện đang bị nhầm lẫn. Ông cho rằng hai giấy tay áp dụng cho hai mảnh đất khác nhau. Việc trùng ngày và trùng diện tích không có nghĩa là cùng một mảnh đất và giao dịch mua bán là kết quả chính thức sau cùng. "Huyện đã tự suy diễn để làm bất lợi cho gia đình tôi" - ông Dũng bức xúc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm