Đập tam cấp vào nhà, chính quyền và người dân đều khó

Một số nhà dân trên đường Phạm Văn Đồng (Gò Vấp), Nguyễn Sỹ Sách, Bạch Đằng (Tân Bình), Vạn Kiếp (quận Bình Thạnh) TP.HCM… phải bị đập bỏ bậc tam cấp vào nhà để giải tỏa phần lấn chiếm vỉa hè. Đáng nói là các căn nhà này đang trong tình cảnh nền nhà cao hơn mặt đường từ vài tấc đến hơn cả mét.

Tình huống dở khóc dở cười khiến người dân bức xúc. 

Ai làm mà tôi phải chịu?

Sau bài viết “Đập tam cấp: Lỗi chính quyền, dân lãnh đủ”, nhiều ý kiến bạn đọc gửi về cho thấy thực trạng của nhiều căn nhà quả thật… cười ra nước mắt.

Nhiều người cho rằng cứ cái gì nhô ra cũng đập là rất cứng nhắc. Độc giả có nick Nhà hẻm mỉa mai: “Nhà trong hẻm bên Gò Vấp cũng bắt đập bậc dắt xe, đường hẻm thì đập làm gì, nếu cần thì đập hết mở rộng hẻm đi.”

Người dân rất vất vả khi ra vào nhà. Ảnh: MP

Người dân lý đưa ra những lý do của mình, ví dụ như do đường thay đổi cao độ bất ngờ, thoát nước đô thị quá kém buộc phải xây nhà cao. Tình cảnh nước lên nền nhà phải lên không phải là hiếm.

Vào nhà không dễ. Ảnh: MP

Các bạn đọc Thiện, Minh Dũng gay gắt phản biện “chính quyền phải cung cấp tên người lãnh đạo, cơ quan nào đã ra quyết định hạ độ cao nền đường gây thiệt hại để dân khởi kiện đòi bồi thường. Căn cứ kết quả do Tòa xử ai chịu phần nào rồi hãy đập mới hợp lý.”

Cho tồn tại là bất công

Tuy nhiên, có một luồng ý kiến mạnh mẽ hơn hẳn phản bác lại. Nhóm độc giả này phản đối việc đổ thừa cho cấp quản lý và cho rằng phải làm kiên quyết, công bằng với mọi trường hợp lấn chiếm.

Bạn Phan Minh nói: “Hạ cao độ mặt đường là quy hoạch chung cho toàn tuyến. Trước đây những nhà này trong hẻm nay phóng đường thành mặt tiền nên nhà và đường chênh nhau là đúng không ai sai hết. Giải quyết như vậy là hợp lý.”

Một số bậc thềm vào nhà lấn ra vỉa hè khá nhiều. Ảnh: MP

Đối với những đề xuất xem xét ngoại lệ, cho tồn tại trong từng hoàn cảnh cụ thể, bạn đọc cho rằng “cho tồn tại cũng đồng nghĩa với việc dung dưỡng cái xấu, cái bất công. Bục dắt xe chỉ là một phần nhỏ trong những việc chính quyền cần phải kiên quyết khi giành lại vỉa hè. Cứ đòi cho được phần mình thì phần của người đi bộ, mỹ quan trật tự đô thị ai bảo vệ?” Đây là góp ý chung các bạn Kiên Quyết, Hoàng Nguyễn, Lương Anh Tuấn Trần Minh Thành...nêu ra.

“Theo tôi nên kiên quyết đập bỏ tam cấp, xâm phạm 1 tấc đất của chung cũng là phạm pháp. Không nên chiếm hữu rồi đổ khó cho mọi người, cho chính quyến” bạn Nguyễn Đăng Phú nhấn mạnh.

Đôi bên đều có cái khó của mình. Ảnh: MP

Bạn Lê Minh Thọgóp thêm: “Dân làm bậc tam cấp lấn chiếm vỉa hè thì phải trả lại phần lấn chiếm là hợp lý. Ngoài ra cán bộ công chức để dân xây dựng lấn chiếm vỉa hè cũng cần phải xử lý nghiêm vì không hoàn thành nhiệm vụ”.

Có thể thấy trong việc này dù công nhận người dân có cái khó nhưng đó không phải là lý do để bảo vệ cho cái chưa đúng, chưa đúng chuẩn tồn tại lâu nay.

Hơn nữa, khi chính quyền nỗ lực dẹp bỏ những “ngoại lệ” để cứng rắn, kiên định lập lại trật tự đô thị thì người dân cần ủng hộ, bày tỏ cách hành xử văn minh, vì lợi ích chung mà hi sinh phần lợi ích riêng. Huống hồ cái lợi riêng đó là sai quy định thì càng không có lý do để giữ lại.

Nhiều bạn đọc ủng hộ đập bỏ tam cấp

Tân Vip: “Tôi ủng hộ việc làm này. Cần phải loại bỏ bậc tam cấp”

Trần Minh Thành: “Sao đổ lỗi cho chính quyền. Cái lỗi lớn nhất là do người dân, xem vỉa hè là nhà của mình. Bây giờ phải chịu trách nhiệm với những hành vi này là đương nhiên.”

Hoàng Nguyễn: “Cái sai trước là của người vi phạm. Biết mà vẫn làm, giờ phải cố gắng sửa chữa lại cho đúng quy định... Cái gì của chung thì không tham lam.”

cộng đồng: “Đụng chạm đến lợi ích cá nhân thì than vãn 1001 lý do. Lúc xây nhà sao không xây đúng mà lấn ra làm gì?”

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm