Đánh người, đốt xe do tâm lý bất an...

Trước vấn nạn đánh người, đốt xe chỉ vì nghi ngờ bắt cóc, thôi miên, báo Pháp Luật TP.HCM đã có buổi trao đổi với Trung tá, nghiên cứu sinh Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học (Bộ Công an), xung quanh vấn đề này.

Trung tá, nghiên cứu sinh Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học (Bộ Công an). Ảnh: TUYẾN PHAN

. Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về những vụ việc dân vây đốt ô tô ở Hải Dương, đánh người ở Hà Nội chỉ vì nghi ngờ bắt cóc, thôi miên?

+ Trung tá Đào Trung Hiếu: Thứ nhất, nó phản ánh một tâm thế xã hội bất an. Bắt cóc trẻ em là loại tội phạm động đến dây thần kinh nhạy cảm nhất của xã hội. Từ bất an sẽ dẫn tới căm ghét các đối tượng cụ thể. Chỉ cần một người hô “bắt cóc” là người ta sẵn sàng lao vào, trút hết bức xúc và sợ hãi lên đối phương mà không cần biết thực hư.

Thứ hai là chứng “nhờn” luật. Có một số người biết đánh hoặc gây chết người sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nhưng vẫn làm. Điều đó cho thấy một bộ phận người dân dù có nhận thức pháp luật nhưng ý thức chấp hành rất kém.

Thứ ba là chứng vô cảm, sự xuống cấp đạo đức, ác tính của con người ngày càng tăng. Nhìn người ta bị đánh lăn lộn, khóc lóc van xin nhưng không hề thương cảm mà vẫn xông vào hành hung.

Đám đông thường bị dẫn dắt bởi 1-2 người, khi nghe thấy “đánh chết nó đi” thì sự kiểm soát ý chí xuống thấp nhất, có thể thâm tâm biết là sai nhưng vẫn hùa theo.

. Việc đánh người, đốt xe rồi đây có bị xử lý theo pháp luật?

+ Chắc chắn rồi. Pháp luật chỉ cho phép công dân dùng vũ lực trong tình huống phòng vệ chính đáng để bảo vệ lợi ích của mình và xã hội.

Những người tham gia hành hung, nếu xác định phần trăm gây thương tật của nạn nhân trên 11% thì sẽ xem xét xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích. Trường hợp nạn nhân chết, các đối tượng có thể bị xử lý về tội giết người. Ngoài ra, việc bắt giữ để đánh đập còn có dấu hiệu của tội bắt giữ người trái pháp luật.

Còn đốt xe rất có thể phạm tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.

. Những tin đồn thất thiệt cũng là nguyên nhân khiến người dân mất bình tĩnh?

+ Đúng! Các tin đồn thất thiệt về bắt cóc, thôi miên đã gây hoang mang dư luận. Những kẻ sản xuất, đăng tải chúng đều có mục đích như câu view, câu like, bôi xấu… Thực tế cho thấy phần nhiều trong các đối tượng này thường là bán hàng trên mạng, làm thuê cho các trang web, tung tin nhằm thu hút lượt like, theo dõi. Đây là một sự vụ lợi và thiếu trách nhiệm với cộng đồng!

Tại sao tin đồn lại có đất sống? Khi có thông tin thất thiệt, báo chí tìm hiểu thì nhiều cơ quan cho rằng đây là vấn đề “nhạy cảm” nên không cung cấp, vô tình đã nhường sân cho mạng xã hội dễ dàng tung tin hơn. Cách tốt nhất dập một tin đồn là dùng thông tin để bác bỏ thông tin.

. Vậy người dân cần làm gì khi nghi ngờ ai đó bắt cóc, thôi miên?

+ Cần cảnh giác với thông tin trên mạng xã hội. Những nguồn tin này thường không thể truy xuất nguồn gốc, nó có thể là chính thống hoặc bịa đặt, do đó phải có một sức đề kháng khi tham gia mạng xã hội. Cần trang bị cái nền kiến thức để tạo bộ lọc cho mình, không tin điều gì nếu chưa có kiểm chứng.

Khi thấy một đám đông đánh đập, điều đầu tiên là không được tham gia và hãy can ngăn nếu có thể. Nếu nghi ngờ, người dân hoàn toàn có thể gọi điện thoại báo cơ quan chức năng tới xử lý.

. Ngược lại, người dân cần làm gì khi đi vào các khu vực lạ để tránh bị hiểu lầm?

+ Người xưa có câu “đi qua ruộng dưa đừng cúi xuống sửa giày”, nghĩa là đừng tạo cho người ta cái cớ để nghi ngờ.

Như hai bà bán tăm lẽ ra không nên cho kẹo trẻ em ở trong làng vì mình là người lạ từ nơi khác tới. Thậm chí nên gặp trưởng thôn, giới thiệu và chứng minh mình đi bán tăm. Chẳng may dân làng ùa ra, người này sẽ làm chứng cho họ. Cứ tùy tiện xông vào khắp ngõ ngách, người ta cảnh giác là phải.

Khi bị đánh cần có kỹ năng thoát hiểm. Trong cả hai vụ, nạn nhân đều đứng lại cố gắng thanh minh nhưng không ai nghe, điều này là sai lầm. Khi sự việc chưa bùng nổ, hãy tìm cách thoát khỏi hiện trường ngay, chạy vào trụ sở cơ quan, chốt CSGT hoặc nhà dân… để kêu cứu, gọi điện thoại cho công an.

. Xin cám ơn ông. 

 

Lại thêm một vụ hiểu nhầm là bắt cóc trẻ con

(PL)- Khoảng 7 giờ 30 ngày 28-7, Lê Thành Trung (trú thôn Xuân Vinh, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) điều khiển xe máy biển số 47M7-6746 đến xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng thì thấy nhà anh VVT (thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) đang mở cửa và không có người trông coi nên Trung để xe ngoài sân rồi đột nhập vào nhà.

Trung lục lọi ở phòng ngủ của anh T. để tìm tài sản, trong nhà có đứa con của anh T. (năm tuổi) đang nằm ngủ. Khi tìm không có tài sản, Trung quay trở ra thì gặp anh T. đi về phát hiện và bắt giữ.

Tại cơ quan điều tra, Trung khai nhận đầu tháng 7-2017 Trung đến Quảng Trị tìm kiếm các đoàn lô tô, hội chợ để xin vào làm việc, sau đó thực hiện hành vi trộm cắp.

Chuyện là vậy nhưng khoảng 9 giờ 30 sáng 28-7, một tài khoản mạng xã hội Facebook đăng tải những hình ảnh cho rằng một vụ bắt cóc trẻ em xảy ra vào sáng cùng ngày, tại thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, Quảng Trị. Nội dung là trong lúc bé trai ngủ trong nhà một mình, nhà đóng cửa vì người lớn đi vắng thì có một người (trong hình dạng một phụ nữ) mở cửa vào nhà. Người nhà về đã phát hiện và tri hô người dân trong làng vây bắt. Chỉ sau vài giờ đăng tải đã có rất nhiều lượt chia sẻ trên các trang mạng xã hội.

Đại tá Trần Đức Triệu, Trưởng Công an huyện Hải Lăng, Quảng Trị, cho hay: “Hiện thông tin bắt cóc đang rất nhiễu loạn, nhiều người tung tin đồn sai sự thật gây hoang mang dư luận. Trong khi cơ quan chức năng chưa có kết luận và làm rõ bản chất của sự việc thì người dân phải thật tỉnh táo, không nên kích động gây ảnh hưởng đáng tiếc như một số vụ việc người vô tội bị hiểu lầm và đánh đập xảy ra ở một số địa phương khác trong thời gian qua” - Đại tá Triệu nói. 

NGUYỄN DO

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.