Dân tự giác, cán bộ phải uy nghiêm

1. Trước đây, trong việc thực hiện luật giao thông, tuy mức phạt không quá cao nhưng số đông chấp hành răm rắp. Nếu xe đạp không có đèn để đi ban đêm thì khổ chủ chỉ còn nước… dắt bộ. Tương tự, với chiếc xe gắn máy bị hư đèn, không ai dám chạy. Mọi người đều ý thức được việc điều khiển xe trong tình trạng có thể gây mất an toàn cho người khác là sai luật, là có thể bị xử phạt, là không nên làm.

Thời trước cũng cấm ra đường mặc áo thun ba lỗ hoặc quần đùi. Thế là không ai mặc như thế đi ra đường! Nói cấm khạc nhổ trong quán ăn thì mọi người không dám khạc nhổ. Nói không hút thuốc nơi công cộng thì đa số đều y lệnh, ngoại trừ số ít người từ nông thôn lên do không biết nên vi phạm. Thế nhưng khi bị phát hiện, nhắc nhở thì người vi phạm rất sợ và hợp tác ngay.

Bên cạnh đó, ý thức thực hiện của các cơ quan liên quan cũng rất cao. Vô rạp chiếu bóng mà môi ngậm điếu thuốc, lập tức đèn pin của nhân viên bảo vệ sẽ xịt đến, nếu không dụi thì chỉ còn cách bỏ vé ra ngoài.

Dân tự giác, cán bộ phải uy nghiêm ảnh 1

Do ý thức của người dân và việc châm chế trong xử phạt nên tình trạng bất chấp luật lệ vẫn thường xảy. (Ảnh: chụp trên đường Trần Quốc Toản, quận 3, TP.HCM) Ảnh: HTD 

2. Có thể ai đó nghĩ rằng thời trước dân ít nên quản lý không khó. Đúng là số dân còn thưa thớt nhưng bộ máy hành chính cũng gọn nhẹ tương ứng. Ở một phường như bây giờ thì chỉ có khoảng bốn người: phường trưởng, cảnh sát, thư ký, nhân viên. Do đều học trường quốc gia hành chính nên giải quyết công việc rất chuyên nghiệp, nhanh gọn.

Đáng lưu ý là tất cả công chức đều nhận thức được rằng khi mình đang hưởng lương bằng tiền đóng thuế của nhân dân thì mình phải có trách nhiệm phục vụ nhân dân. Lại nữa, với mức lương đủ sống, gần như các cán bộ không phải bận tâm đến việc kiếm thêm thu nhập nên họ cũng không có ý định sách nhiễu người dân để được này được nọ.

Về phía người dân, với việc đã đóng đầy đủ thuế để nuôi bộ máy chính quyền, mọi người cũng hiểu rằng việc được cán bộ phục vụ là điều đương nhiên. Từ chỗ đó, rất ít có chuyện bồi dưỡng hay đút lót để được giải quyết sớm hay có sự du di, trừ những trường hợp vi phạm pháp luật nhưng muốn được cho qua.

Thêm một chuyện nhỏ trong cách phục vụ của công chức mà đến giờ tôi vẫn không quên. Với việc được cấp bản sao khai sinh và tư pháp lý lịch (giờ gọi ngược lại là lý lịch tư pháp) qua bưu điện, nhiều người hay gửi dư một ít tiền lệ phí (như thay vì 9 đồng thì gửi 10 đồng). Không ai nghĩ sẽ được thối lại nhưng thực tế thì ai cũng được gửi lại khoản tiền thừa bằng các con tem có giá trị tương ứng.

So với thời trước thì tôi thấy thời nay còn nhiều người không sợ pháp luật, không sợ người đại diện chính quyền và đó là lý do mà nhiều quy định được ban hành cho có hoặc để ngó. Cạnh đó, còn một uy nghiêm của thời trước cần được nhân rộng, đó là cấp trên có thể "hét ra lửa" với cấp dưới; cùng nằm trong quân đội thì không kể quân chủng nào anh thiếu úy cũng luôn nể trọng anh đại úy… Chính từ chỗ trên nói dưới nghe, cách quản lý đồng bộ, không có sự cát cứ mà việc điều hành của bộ máy đâu ra đó, anh nào muốn làm bậy cũng ngán!

NGUYỄN VĂN THỨC (Huyện Bình Chánh, TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm