Dân thành thị ‘giam mình’ vì nỗi lo cướp giật

Người dân cả nước mới đây đã bị chấn động vì vụ việc hai hiệp sĩ Tân Bình thiệt mạng khi cố gắng chặn bắt những kẻ trộm xe máy. Vụ việc không phải xảy ra ở vùng ven, nơi vắng vẻ, tối tăm mà ngay giữa con đường trung tâm, đông đúc, sầm uất. Những vụ việc này cho thấy rõ sự mất an toàn của người dân thành phố, sự leo thang của bạo lực và những nhóm tội phạm manh động. Đáng lo hơn, các lực lượng có thể chống trả dường như đang rất thiếu hụt.

Ẩn mình vì hai chữ “bình an”

Tám năm trước, giữa ban ngày, trên đường Đinh Bộ Lĩnh (Bình Thạnh), tôi bị một thanh niên xăm trổ vô cớ tông thẳng vào xe. Trong lúc còn chới với, tôi bị người đó cầm mũ bảo hiểm quất thẳng vào đầu, giằng lấy chiếc túi xách nhưng tôi giật mạnh lại và bật ngửa ra đường. Lúc ấy đường đông, trong nước mắt, tôi thấy nhiều người chạy vụt qua. Hôm ấy nước mắt rơi có lẽ không chỉ vì tên cướp liều lĩnh mà vì ngơ ngác trước lòng người nguội lạnh.

Nhìn ngắm đường phố Sài Gòn hoa lệ, chúng ta còn thấy gì ngoài những người dân che chắn kín mít từ đầu đến chân, chẳng phân biệt được ai với ai. Chẳng thấy đâu hình ảnh nam nữ thành thị ăn mặc đẹp đẽ, phục sức sành điệu, ung dung xách cặp táp, đeo túi xách đi bộ trên đường phố. Các chị em có liều làm đẹp với dây chuyền, nữ trang thì cũng lại quấn khăn che đậy, có điện thoại không dám nghe, bước qua đường mà dáo dác nhìn trước ngó sau, đánh lô tô trong bụng. Không thế sao được khi kẻ cướp có thể ngang nhiên lôi người ta đi hàng chục mét trên đường mà không thể ngăn cản.

Thú vui chưng diện, hưởng thụ chút sắc màu cuộc sống rất đặc trưng của người thành thị bắt buộc phải kiềm chế bởi an toàn là trên hết. Nỗi bất an này không ai xa lạ, chẳng cần và cũng không thể đo đếm, thống kê hết được trong các báo cáo của ngành công an. Thử hỏi quanh ta còn có ai chưa trực tiếp là nạn nhân hoặc chứng kiến người thân quen bị cướp giật, hành hung.

Nhìn gương mặt đau đớn của mẹ “hiệp sĩ” Nam, con trai “hiệp sĩ” Thôi mà đau đáu câu hỏi: Sống ở nơi hiện đại, giàu có bậc nhất rồi nhưng đến bao giờ chúng ta mới có thể an tâm tận hưởng cuộc sống?

Thời gian gần đây nhiều vụ trộm cướp ở TP.HCM rất manh động, táo tợn đã khiến người dân hoang mang, lo lắng. Ảnh: Internet

Đòi hỏi một sự thay đổi

Tôi có những người bạn hàng chục năm làm cảnh sát săn bắt cướp (SBC). Suốt từng ấy năm họ phải đổ bao mồ hôi, nước mắt và cả máu trên đường đua với tội phạm. Họ chưa bao giờ hết lửa nghề nhưng đôi khi phải lực bất tòng tâm bởi cơ chế, bởi thủ tục hành chính trói tay họ trong công việc ngăn chặn cái ác.

Không thể phủ nhận lực lượng cảnh sát SBC đến nay luôn là những người phải làm công việc vất vả nhất, nguy hiểm nhất nhưng đáng tiếc, họ cũng “nghèo khổ” nhất. Phương tiện thiếu thốn, tiền xăng cấp theo chỉ tiêu, thế nên mới hay nói vui rằng nếu đuổi theo cướp qua địa bàn khác thì phải tự bỏ tiền túi ra đổ xăng để truy đuổi tiếp.

Thiết nghĩ ngành công an phải tuyển chọn lực lượng cho đội SBC hoặc lực lượng cảnh sát tinh nhuệ, chuyên phòng chống trộm cướp thật kỹ lưỡng. Phải tuyển công khai trong toàn ngành, thậm chí có thể tuyển người ngoài nếu họ thực sự phù hợp. 

Nhiệt huyết thôi chưa đủ. Tội phạm đã biến tướng, đặc điểm đường phố, dân cư, mật độ lưu thông gấp nhiều lần trước đây nên SBC phải được hỗ trợ tối đa bởi kỹ thuật, máy móc. Nhiều trinh sát vẫn còn bắt cướp khi trên người chỉ có mỗi khẩu súng, thậm chí phải đấu tay đôi với tội phạm. Lấy câu chuyện hơn một năm nay lực lượng cảnh sát hình sự hướng Nam được Công an TP.HCM thành lập tăng cường, từng được kỳ vọng sẽ là quả đấm thép. Họ đã làm được nhiều việc nhưng để là nỗi khiếp sợ của tội phạm thì chưa. 

Các cấp lãnh đạo không thể chỉ áp những chỉ tiêu, con số đẹp đẽ cho lực lượng phòng, chống tội phạm nếu cơ chế, trang thiết bị và lực lượng không được nâng lên về chất. Nếu chỉ nhìn vào các con số rồi tự huyễn hoặc thì chúng ta sẽ lại sớm giật mình vì những cái chết oan ức như hai “hiệp sĩ” vừa qua.

Tăng cường trách nhiệm của công an

Ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quốc hội khóa 14, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhận định: “TP.HCM là trọng điểm nóng nhất cả nước về an ninh, trật tự xã hội; là nơi tập trung nhiều loại hình tội phạm, cướp giật điện thoại, túi xách, dây chuyền trên phố. Người dân không thể vui lòng đóng thuế để công an bảo vệ cho họ trong khi họ lại luôn phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ. Điều đó là không chấp nhận được”.

Theo ông, để phòng, chống tội phạm hiệu quả, làm tốt công tác giữ gìn an ninh trật tự thì vấn đề mấu chốt phải là tăng cường trách nhiệm của công an chứ không chỉ đơn thuần là gia tăng quân số.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.