Dân sẽ khổ vì nghị định vượt luật

Như báo Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, hiện nay có thực trạng là một số nghị định hướng dẫn luật đã đưa ra các quy định trái với luật, đặt thêm nhiều quy định mà trong luật không có (xem thêm bài “Nghị định “vượt” luật”, Pháp Luật TP.HCM ngày 17-9). Điều này khiến việc áp dụng luật vào cuộc sống gặp khó và làm ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống người dân. Nhiều bạn đọc đã có ý kiến.

Cơ quan gác cổng phải chặt chẽ

Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan soạn thảo phải soạn thảo nghị định trên cơ sở phù hợp với luật. Nếu nghị định trái với văn bản luật, đó là trách nhiệm của cơ quan soạn thảo. Tuy nhiên, trong trường hợp này, Bộ Tư pháp phải liên đới chịu trách nhiệm. Bởi theo quy định, trước khi trình dự thảo nghị định cho Chính phủ, bắt buộc phải qua giai đoạn thẩm định của Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, hiện nay gần như không có một chế tài rõ ràng đối với cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra nên việc nghị định vượt rào không có gì là khó hiểu.

Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp mà cụ thể là Cục Kiểm tra văn bản pháp luật có nghĩa vụ kiểm tra tính hợp pháp qua đó kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ các nghị định trái luật nhưng thực chất cơ quan này không có thực quyền, do đó việc yêu cầu bãi bỏ các văn bản không hề đơn giản. Để hạn chế việc nghị định vượt luật thì cách tốt nhất là ban hành luật có thể trực tiếp áp dụng vào đời sống mà không cần thiết phải ban hành nghị định hướng dẫn. Để làm được việc này, Quốc hội phải dần chuyển qua chuyên trách. Trong điều kiện hiện nay, Quốc hội có thể tăng thêm thời gian họp thay vì hai kỳ thường xuyên trong một năm chủ yếu để ban hành các đạo luật. Tôi cho rằng chuyện này phải được làm một cách kỹ lưỡng bởi nếu không người dân sẽ gánh chịu hậu quả, kéo theo sự trì trệ trong phát triển kinh tế-xã hội.

ThS Nguyễn Việt Khoa, khoa Luật kinh tế, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM

Dân sẽ khổ vì nghị định vượt luật ảnh 1

Đừng để thông tư “to” hơn luật

Theo tôi, nghị định “vượt” luật là do những vấn đề mà bản thân dự thảo luật còn thấy vướng nhưng vì nhiều lý do vẫn phải được thông qua và đẩy phần vướng cho nghị định hướng dẫn. Tình trạng tương tự cũng xảy ra giữa nghị định và thông tư, thông tư và công văn dẫn đến việc có khi thông tư hoặc công văn lại “to” hơn luật.

Một nguyên tắc là luật phải có tính khái quát cao để có hiệu lực trong thời gian dài, không thể buộc luật phải cụ thể đến mức tình huống thực tế nào cũng được nêu rõ trong luật. Để không còn tình trạng văn bản dưới luật “vượt” luật, cơ quan có trách nhiệm và thẩm quyền phải làm tốt việc rà soát, kiểm tra, hủy bỏ văn bản trái pháp luật, phải quy định việc bồi thường thiệt hại do việc áp dụng văn bản trái luật gây ra.

Ngô Minh Hồng (ngominhong@...)

Ma trận pháp luật

Thực tế, luật - nghị định - thông tư - quyết định - công văn... là một ma trận! Chẳng hạn Luật Cư trú quy định thành phần hồ sơ xin tạm trú rất đơn giản nhưng thực tế văn bản dưới luật như đang giỡn. Họ đòi thêm rất nhiều giấy tờ như giấy kết hôn, các hợp đồng giao dịch về nhà đất... Điều này là không thể chấp nhận.

Nguyễn Tấn Khoa (nguyenkhoa445@...)

Cần phát hiện nhiều chuyện tréo ngoe

Đọc bài “Nghị định “vượt” luật”, tôi cho rằng việc nghị định đặt ra thêm điều kiện không riêng gì trong lĩnh vực thuế mà nhiều lĩnh vực khác cũng tương tự. Với cách ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện nay thì có cải cách hành chính mấy đi chăng nữa dân vẫn không thoát khỏi cái khổ. Báo chí phải có tiếng nói mạnh mẽ, đưa nhiều tin, phân tích rõ để cơ quan kiểm tra văn bản thấy và điều chỉnh các văn bản tréo ngoeo.

Phhung (Phhung3508@...)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm