Dân mạng ích kỷ thật, 'ngứa miệng' là chửi

Sáng nay, tôi đọc trên Báo Pháp luật Tp.HCM bài viết: “Cái chết ở tuổi 15 vì bị làm nhục trên Facebook”. Tôi nghĩ trách người đánh, người quay clip phát tán lên mạng xã hội đã đành nhưng còn đáng trách hơn là những người like, share clip vô ý thức, đùa cợt trên nỗi đau của người khác.

Mạng xã hội là con dao vô hình

Cách đây 3 năm, N.T.T (cựu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên Truyền) từng trở thành người nổi tiếng bất đắc dĩ. Một ngày đẹp trời, cô gái thấy ảnh mình xuất hiện trên facebook của người khá nổi tiếng kèm câu chuyện chẳng mấy tốt đẹp. Đại ý T bị chê vì đặt quá nhiều câu hỏi nhàm chán và "tại sao" cho cho anh này. Facebook của anh có hàng trăm ngàn người theo dõi vì vậy T bỗng trở thành một hiện tượng.

Bức ảnh chụp T từ phía sau nhưng vẫn đủ để người quen nhận ra là ai. Khi T biết chuyện thì thông tin đã tràn lan khắp mạng xã hội với hàng ngàn lượt lượt chia sẻ. Họ nhảy vào ném đá, chê trách dù không biết T là ai, cũng không hề biết đầu đuôi câu chuyện.

T gửi lại anh đoạn băng ghi âm làm bằng chứng, khẳng định T chỉ kịp hỏi anh ba câu, không hề có câu hỏi tại sao. T trả lời trực tiếp trên facebook của anh. Anh xoá post, anh bảo đó là một việc anh chưa từng làm.

“Anh nói cuộc sống thì nên đơn giản mà sao stt của anh lại không đơn giản được như anh nói”!, T cười buồn.
Với anh, với mọi người là xong nhưng với cô gái ấy, đó luôn là vết sẹo. Vết thương của T chắc chỉ là hạt muối bỏ bể so với cô gái 15 tuổi ở Đồng Nai 15 tuổi uống thuốc diệt cỏ tự tử khi clip nhạy cảm của em với bạn trai bị tung lên mạng, chẳng thấm là gì so với em trai phải treo cổ tự tử vì bị người nhà bạn học đánh, bắt quỳ gối xin tha giữa chốn đông người và cũng...tung clip lên mạng.

Cười người hôm trước hôm sau người cười

Trên mạng từng dậy sóng trước hiện tượng tác giả Mèo xù, người viết cuốn sách “Đừng chết vì yêu”. Cô gái bị gắn với với những mỹ từ như "xấu như ma cấu” “xấu thế ai thèm” …

Chưa bao giờ người ta dễ dàng xúc phạm, lăng mạ nhau đến thế

Người ta bình luận về quan điểm bài viết của chị thì ít mà soi mói về nhan sắc của chị thì nhiều. Lý do là số người đọc kỹ nội dung bài phỏng vấn thì ít nhưng số người chỉ lướt qua tiêu đề và ảnh của chị để mỉa mai châm chọc thì nhiều.

Điều mà lần ấy tác giả Mèo xù muốn nói chỉ là phụ nữ chỉ nên sex có chọn lọc, với người đàn ông xứng đáng và tin tưởng. Thậm chí quan điểm này còn có ý nghĩa thời sự khi không ít bạn trẻ sống vội như hiện nay. Thế nhưng chỉ vì ngoại hình của chị mà nhiều người không tiếc lời bóp méo, mỉa mai vấn đề theo một hướng rất lệch lạc. Chỉ cần gõ một dòng bình luận và bấm nút "gửi" vậy là người ta đã hoàn thành việc nhận xét người khác. Còn hậu quả, ai quan tâm?

Là người làm việc trong ngành truyền thông, đã quen với thị phi nhưng khi đứng trước búa rìu dư luận chính tác giả Mèo Xù cũng đã từng rơi vào khủng hoảng.

Tôi nhớ chị từng tâm sự trên trang cá nhân của mình rằng: “Một dòng comment vui mồm của các bạn thôi, có làm các bạn "giá trị" hơn tí nào không? Nhưng thật sự nó đã làm tổn thương tôi rất nhiều, tôi nghĩ rằng các bạn không nên và không có quyền đối xử với tôi như thế..."

Bạn sẽ cảm thấy như thế nào khi bản thân mình hay những người thân của mình bị đưa ra làm trò cười, mua vui cho hàng triệu người xa lạ?

Hãy đặt mình vào vị trí của người trong cuộc để cảm nhận, không ai muốn mình sinh ra với một đôi chân ngắn, đôi môi hở, kém thông minh. Không phải ai mới ra đời  trên thông thiên văn, dưới tường địa lý. Ai dám chắc mình có thể nắm tay từ sáng tới tối, ai dám khẳng định tôi không bao giờ phạm sai lầm?

Ở đời chưa ai nói trước được điều gì cả bạn ạ, nên nhớ ngạn ngữ có câu "Cười người hôm trước hôm sau người cười"!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm