Dân không hiến đất, cưỡng chế là sai

Ông Nguyễn Văn Nghĩa (2/153 Phan Chu Trinh, phường Hiệp Phú, quận 9, TP.HCM) cho biết khoảng năm 2002, quận có chủ trương cải tạo đường Phan Chu Trinh với phương châm người dân hiến đất để cùng với Nhà nước làm đường. Đầu tiên ông đồng ý hiến tặng đất nhưng về sau, do không đồng tình với một số phương án của địa phương nên ông thay đổi quan điểm. Tuy nhiên, trong thời gian này, địa phương đã đến cưỡng chế tháo dỡ hàng rào, cây cảnh của ông để lấy đất làm đường.

“Từ đó đến nay, tôi nhiều lần khiếu nại, đề nghị cơ quan chức năng trả lại công bằng, trả lại quyền lợi chính đáng cho tôi nhưng vẫn không được giải quyết thấu đáo. Quan điểm của tôi là Nhà nước thực hiện dự án thì tôi sẵn sàng hiến đất, bao nhiêu cũng được. Tuy nhiên, khi tôi chưa đồng ý thì không thể cưỡng chế lấy đất của tôi. Giờ tôi chỉ yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ đúng, sai trong sự việc này. Nếu tôi sai thì hãy xử lý tôi nhưng nếu tôi đúng thì phải xử lý các cán bộ làm sai chứ các cơ quan đừng đẩy đưa cho nhau, làm sự việc kéo dài đến bây giờ, gây nhiều thiệt hại cho tôi…” - ông Nghĩa bày tỏ.

Ông Nghĩa mong muốn cơ quan chức năng sớm trả lại quyền lợi chính đáng cho mình. Ảnh: MQ

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Hồ Minh Long, Phó ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình quận 9, cho biết trước đây do kinh phí làm đường không có nên UBND quận thực hiện chủ trương người dân hiến đất còn quận sẽ thực hiện việc còn lại. Đây là dự án Nhà nước và nhân dân cùng làm, chủ yếu vận động người dân hiến đất nên không lập thủ tục và ban hành quyết định thu hồi đất giống như các dự án khác. Tuy nhiên, sau khi tất cả hộ dân trên tuyến đường này đã tự nguyện giao đất, chỉ có ông Nghĩa không đồng ý nên lãnh đạo quận đã ban hành quyết định cưỡng chế bờ rào của gia đình ông Nghĩa. Việc cưỡng chế trong trường hợp này là do UBND quận thực hiện, ban chỉ là chủ đầu tư khi có mặt bằng thì thực hiện thôi.

Bà Đặng Thị Hồng Liên, Chủ tịch UBND quận 9, cho biết thêm trước đây đã có văn bản trả lời rất rõ những nội dung ông khiếu nại (nội dung là địa phương đã làm đúng trình tự, thủ tục - PV) nhưng ông không chịu. Trong thời gian tới, bà sẽ mời ông Nghĩa lên để giải thích nội dung khiếu nại của ông. Để sự việc kéo dài quá lâu sẽ khiến người dân hiểu lầm chính quyền bao che, không chịu giải quyết khiếu nại của người dân.

Tuy nhiên, về vấn đề này lãnh đạo UBND một quận ở TP.HCM cho biết đường Nhà nước và nhân dân cùng làm thì không thể cưỡng chế. Đối với những trường hợp chưa hiến đất, lãnh đạo địa phương tiếp tục vận động đến khi nào người dân tự nguyện hiến. Trong trường hợp những nhà gặp khó khăn mà không chịu hiến thì phường sẽ lập dự toán hỗ trợ một phần đất hiến từ nguồn ngân sách của phường, quận hoặc từ vận động. Người dân không chịu hiến mà đi cưỡng chế là sai quy định. Còn trường hợp người dân không chịu hiến (mà cũng không có kinh phí bồi thường) thì khi thực hiện dự án sẽ chừa khu vực chưa hiến đó ra. Sau này sẽ tiến hành lập một dự án khác và tiến hành bồi thường phần đất này theo quy định. Đến lúc này nếu người dân không chịu giao đất thì mới cưỡng chế.

Phải bồi thường để thực hiện dự án

Đối với hộ dân không đồng ý hiến đất để thực hiện dự án theo chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm thì UBND cấp có thẩm quyền cần tiến hành thủ tục thu hồi đất, bồi thường đất, tài sản gắn liền với đất cho các hộ dân này theo quy định của Luật Đất đai. Sau khi có quyết định thu hồi đất và tiến hành tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, vận động bàn giao. Nếu người có đất thu hồi không bàn giao thì chủ tịch UBND cấp huyện mới ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế.

Dự án theo chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm thì không thể tự tiện ra quyết định cưỡng chế người ta được.

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU,
Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm