Dân chung cư thay đổi lớn sau vụ cháy Carina

Chưa bao giờ vấn đề an toàn cháy nổ tại chung cư được người dân quan tâm như lúc này. Có thể nói 13 nhân mạng và hàng chục người bị thương trong vụ cháy Carina Plaza (quận 8, TP.HCM) hôm 23-3 đã thức tỉnh tất cả.

Không chỉ các ban quản lý (BQL), ban quản trị (BQT) mà tất cả cư dân đang sống trong các cao ốc cùng lao vào tìm hiểu kiến thức, trang bị đồ dùng, trao đổi kinh nghiệm chống lại hỏa hoạn. Việc ý thức người dân được nâng cao là một tín hiệu đáng mừng, bởi thực tế sống ở chung cư đòi hỏi những kỹ năng rất riêng biệt.

Mua mọi thứ có thể, thử mọi thứ cần thiết

Thị trường mặt nạ phòng độc, thiết bị cứu hỏa, thang dây, đèn pin, chăn chống cháy… rất sôi động những ngày qua bởi cư dân chung cư đổ xô đi tìm kiếm, mua về hòng đảm bảo an toàn cho một cuộc tháo chạy nếu có. Theo một nhân viên tại Trung tâm Thiết bị PCCC 4/10 - Cảnh sát PCCC TP.HCM (quận 1), ngay cả các chung cư, trung tâm thương mại cũng đặt hàng nhiều để bổ sung bình chữa cháy ở những vị trí còn thiếu. Số lượng hàng bán ra tăng gấp đôi so với bình thường.

Anh Ngô Thanh Hải (sinh sống tại một chung cư ở quận 2, TP.HCM) cho biết vừa mua bốn chiếc mặt nạ phòng độc cho gia đình với giá 2 triệu đồng. “Mua là mua vậy nhưng cầu mong không bao giờ phải dùng tới. Hàng xóm nhà tôi thì mua thang dây và bình cứu hỏa mini. Bây giờ đi vô tòa nhà nào cũng phải nhìn xem tủ chữa cháy, thang thoát hiểm ở đâu”.

Người dân đi tìm mua mặt nạ phòng độc. Ảnh: TÚ UYÊN

“Mẹ chồng mình thích trồng cây lắm, kín mít cả ban công. Sau vụ cháy bà đã dọn sạch, chỉ để lại vài cây để còn có đường thoát hiểm. Đường ống gas trong nhà dù đã có khóa tự động nhưng mình vẫn mua thêm khóa cơ để gắn vào. Từ nay nhà mình tuyệt đối không thắp nhang, đốt vàng mã nữa. Đồ đạc cũng dọn bỏ bớt cho thông thoáng” - chị Anh Đào (nhà ở chung cư quận 8, TP.HCM) chia sẻ.

Sống tại chung cư ở Hà Nội tám năm, lần đầu tiên anh Trung Nhân mới dẫn cả nhà chạy thử thang bộ thoát hiểm. “Phải thử để biết, trước đây đi ngang qua chứ có bước vào bao giờ đâu. Tôi dẫn cả nhà đi mở thử tất cả cửa thang thoát hiểm, nhớ rõ vị trí từng thang. Phải mua bình foam, bình chữa cháy nữa. Trước cứ nghĩ đồ trưng thôi, giờ mới thấy là cần thiết”.

Mới dọn về sống ở một chung cư mới toanh tại quận Phú Nhuận (TP.HCM), chị Thanh Minh chia sẻ: “Nghe nói chung cư sắp tổ chức tập huấn kỹ năng thoát hiểm cho cư dân. Hôm đó tôi sẽ sắp xếp để cả nhà tham gia, bọn trẻ cũng phải biết về việc này. Lúc đó chắc chắn rất rối, phải làm sao để cả nhà đều biết trả lời câu hỏi: Xảy ra cháy mình sẽ làm gì?”.

Trí tuệ tập thể phát huy tác dụng

Hàng loạt hội nghị nhà chung cư, cuộc họp dân phố đã được gấp rút tổ chức. Nếu trước đây các cuộc họp vắng vẻ, ít người đóng góp thì nay BQT ghi nhận ý kiến mỏi tay.

Cuộc họp ở chung cư Bàu Cát 2 (quận Tân Bình, TP.HCM) mới đây thu thập được rất nhiều đóng góp của cư dân, tập trung chủ yếu vào vấn đề an toàn trong bãi giữ xe. Cư dân kiến nghị bảo vệ, người dân tuyệt đối không được hút thuốc trong hầm xe, phải thường xuyên kiểm tra các xe, những xe đã cũ, rò rỉ xăng không được gửi trong hầm giữ xe, không giữ xe khách vãng lai, ngoài hệ thống báo cháy tự động phải đặt thêm kẻng báo cháy phòng sự cố chuông trục trặc…

Trong khi đó, ở chung cư 8Xplus (quận 12, TP.HCM) người dân tổ chức nhiều diễn đàn online trên Facebook chia sẻ kinh nghiệm, kêu gọi ý thức cộng đồng, dọn dẹp quang đãng không gian sống, hành lang, cầu thang phải tuyệt đối thông thoáng, kiểm tra toàn bộ hệ thống PCCC. Qua đó cư dân đã phát hiện một họng báo khói trong cục gel chuyển rác chưa được mở keo dán. Với đề xuất của cư dân, chính quyền địa phương đang rốt ráo xúc tiến tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ra BQT chính thức nhằm có người quản lý sự vụ tại chung cư.

Chị Nguyễn Thị Thu (chung cư Sài Gòn Town, quận Tân Phú, TP.HCM) tâm sự: “Nói thật là lo lắm nhưng mình không thể đổi chỗ ở thì phải thay đổi thói quen sống sao cho an toàn hơn. Mỗi người tự học cách thoát hiểm, giữ môi trường sống ngăn nắp, sạch sẽ và luôn luôn cẩn trọng thì sẽ giảm được nguy cơ”.

Ghi nhận tại nhiều chung cư, khu vực bãi giữ xe được kiểm tra thường xuyên hơn, có bảo vệ đi tuần liên tục, sắp xếp xe thông thoáng, trật tự, kiểm tra từng xe nhằm phát hiện bất ổn sớm nhất có thể. BQL, BQT của các chung cư cho biết cư dân đến hỏi, đốc thúc việc mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc rất nhiều và ai cũng sẵn sàng tham gia.

Ông Trần An Minh, trưởng BQT chung cư Phố Đông (quận 9, TP.HCM), cho biết sau vụ cháy ý thức người dân đã thay đổi hẳn. “Trước đây, khi BQT nhắc nhở về cách để đồ đạc nhiều người còn phản ứng, giờ thì nhắc một lần là họ nghe ngay. Đồ đạc trước cư dân hay để ngoài hành lang như xe đạp, xe đẩy trẻ em, kệ giày, đồ đạc đều đã được dọn sạch. BQT cũng đã làm nhiều biện pháp, dán thông báo nhắc nhở, hướng dẫn ở mọi cầu thang, hành lang…, kiểm tra tổng thể hệ thống trụ nước cứu hỏa, báo cháy, PCCC… và sẽ liên tục duy trì việc này” - ông Minh nói.

Còn ông Trần Văn Công, Trưởng BQT cụm 1234 chung cư Ehome 3 (quận Bình Tân, TP.HCM), thì thông tin: “Chủ nhật này chúng tôi sẽ mời đơn vị PCCC đến tập huấn cho cư dân về cách thoát hiểm, đồng thời yêu cầu lực lượng này đến kiểm tra từng căn hộ hệ thống van, đầu báo cháy, vòi phun nước khi có khói hoạt động như thế nào, còi báo cháy còn hoạt động không… Họ sẽ làm trực tiếp để cư dân chứng kiến, ghi nhớ”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm