Gây mất an toàn xã hội: Cần chế tài mới! - Bài 1

Đã có dữ liệu dân cư, hết trốn nghĩa vụ cấp dưỡng

LTS: Bộ Công an đang cho lấy ý kiến góp ý dự thảo nghị định để thay thế Nghị định 167/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình.

Chúng tôi xin chuyển tải ý kiến góp ý của các chuyên gia về một số vấn đề được nhiều người quan tâm. 

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ đang hướng dẫn một trường hợp sau ly hôn,
người cha không thực hiện cấp dưỡng cho con như bản án tuyên. Ảnh: NN

Sau những bản án ly hôn, dù không còn là vợ, chồng nhưng hai người vẫn phải có trách nhiệm cùng nhau chăm sóc và nuôi dưỡng những đứa con cho đến khi chúng đủ 18 tuổi.

Để tránh cho trẻ không bị thiệt thòi thì tại Điều 110 Luật Hôn nhân và Gia đình có quy định việc cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn là trách nhiệm và nghĩa vụ của cha, mẹ đối với con mình.

Ngoài ra, tại Điều 54 Nghị định 167/2013 có quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000-300.000 đồng đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau ly hôn.

Thế nhưng, trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp cha hoặc mẹ tìm cách trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cho con cái. Từ những thực tế ấy, dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 167/2013 đã nâng mức phạt dành cho hành vi trốn cấp dưỡng lên 5-10 triệu đồng để tăng tính răn đe.

Ly hôn nhiều năm vẫn chưa cấp dưỡng cho con

Trên thực tế, tại TAND ở một số địa phương cũng từng xét xử những vụ kiện yêu cầu cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn. Và câu chuyện đòi tiền cấp dưỡng quả thật là món “nợ” khó đòi của những người đang trực tiếp nuôi con.

TAND huyện Ba Tri (Bến Tre) đã từng xét xử vụ kiện yêu cầu cấp dưỡng nuôi con giữa nguyên đơn là chị O. và bị đơn là người chồng cũ.

Theo chị O., do cuộc sống vợ chồng không còn hợp nhau nên chị và anh D. đã thỏa thuận ly hôn. Theo đó, chị O. là người trực tiếp nuôi con chung (sinh năm 2013). Bản án ly hôn có hiệu lực được hơn ba năm nhưng anh D. vẫn chưa cấp dưỡng nuôi con dù nhiều lần chị O. yêu cầu. Để đảm bảo cuộc sống cho đứa nhỏ, chị O. yêu cầu tòa án giải quyết, buộc anh D. phải cấp dưỡng mỗi tháng 800.000 đồng đến khi cháu bé 18 tuổi.

Anh D. phân trần không phải anh không muốn cấp dưỡng nuôi con mà do anh không có khả năng tài chính.

Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX cho rằng yêu cầu của chị O. là phù hợp và theo biên bản xác minh của tòa, anh D. vẫn đủ điều kiện để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Vì thế, tòa đã chấp nhận yêu cầu của chị O.

Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, thực tế hiện nay có rất nhiều người cha trốn nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau ly hôn. Nhiều người mẹ đã từng tìm đến hội nhờ hỗ trợ để bảo vệ quyền lợi cho đứa nhỏ. Thậm chí, có những trường hợp người vợ chật vật nuôi con một mình hơn 10 năm mà cha đứa nhỏ cũng không phụ đồng nào với lý do không có tiền.

Tuy nhiên, việc đi đòi cấp dưỡng thì rất khó. Bởi sau khi ly hôn, không tìm được người cấp dưỡng ở đâu. Trong khi đó, để đòi cấp dưỡng thì phải xác định được chỗ ở hiện tại. Hoặc có những trường hợp xác định được địa chỉ nhưng lại không chứng minh được nguồn thu nhập thì cũng chịu thua.

“Dù trong bản án ly hôn có quy định rõ ràng nhưng thực tế rất khó để thực hiện. Vấn đề này trong những cuộc hội thảo gần đây cũng đã nói nhiều nhưng chưa có giải pháp hiệu quả. Tôi cho rằng việc tăng mức phạt đối với người trốn cấp dưỡng là phù hợp bởi mức phạt hiện nay là rất thấp, chỉ 100.000-300.000 đồng thì chưa đủ sức răn đe” - luật sư Nữ chia sẻ.

Cần làm rõ như thế nào là từ chối, trốn cấp dưỡng

TS Nguyễn Văn Tiến, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, nhận định: Với việc nâng mức phạt dành cho hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn, dự thảo tăng tính răn đe với người vi phạm. Tuy nhiên, để chứng minh được người đó vi phạm hành vi trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng thì phải quản được nguồn thu nhập của người cấp dưỡng.

TS Nguyễn Văn Tiến phân tích: “Trên thực tế, hành vi trốn nghĩa vụ cấp dưỡng rất khó phạt bởi hai lý do là khó xác định được nơi ở của người cấp dưỡng và không quản được nguồn thu nhập.

Cụ thể, việc xác định nơi cư trú của người cấp dưỡng thì hiện nay có trường hợp người cấp dưỡng chuyển nơi cư trú và chính những người đang nuôi dưỡng con cũng không biết người cấp dưỡng đang ở đâu. Tuy nhiên, khó khăn về xác định nơi cư trú của người cấp dưỡng có thể được khắc phục khi dữ liệu quốc gia về dân cư được đưa vào khai thác sau ngày 1-7. Việc khai thác dữ liệu này ra sao thì Bộ Công an đã có hướng dẫn.

Một khó khăn khác là hiện nay khó chứng minh nguồn thu nhập của người cấp dưỡng, nhất là đối với những lao động tự do. Chưa kể, có những trường hợp người cấp dưỡng né bằng cách mượn nợ giả hoặc chuyển tài sản cho người khác để chứng minh mình không còn khả năng tài chính”.

“Cấp dưỡng nuôi con là nghĩa vụ chung của các bậc làm cha, làm mẹ nên rất cần sự tự nguyện. Việc xử phạt với hành vi từ chối, trốn tránh cấp dưỡng chỉ là một bước cuối cùng không ai mong muốn. Tuy nhiên, để việc thực thi những bản án cấp dưỡng sau ly hôn có hiệu quả thì pháp luật nên đồng bộ và có những quy định cụ thể để xác định những hành vi từ chối, trốn cấp dưỡng là những hành vi nào” - TS Nguyễn Văn Tiến nhận định.•

Nâng mức phạt với hành vi từ chối, trốn cấp dưỡng

Dự thảo mới đã nâng mức phạt đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau ly hôn từ 100.000-300.000 đồng lên 5-10 triệu đồng. Bên cạnh đó, so với quy định hiện hành, dự thảo còn có thêm biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo quy định. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm