Cưỡng bách giáo dục để phát triển đất nước

Đất nước này quy định phạt nặng phụ huynh cố tình cản trở con em đi học. Ở Úc, trẻ không được phép rời bỏ mái trường cho đến khi được 15 tuổi. Đối phó với nạn bỏ học, chính phủ Úc áp dụng biện pháp cắt tiền trợ cấp nếu cha mẹ không buộc con cái đi học. Pháp luật của tiểu bang Oregon (Hoa Kỳ) bắt buộc cha mẹ hoặc người giám hộ phải ghi danh và đảm bảo trẻ được đến trường thường xuyên. Phụ huynh không duy trì việc đến trường thường xuyên của trẻ được xem là phạm luật cấp C, bị phạt 180 USD cộng thêm phí tổn giấy tờ, đồng thời bị điệu ra Tòa Giáo dục.

Cưỡng bách giáo dục để phát triển đất nước ảnh 1

Lẽ ra được đến trường, nhiều trẻ em phải đi theo cha mẹ kiếm sống. Ảnh: HTD

Ở Việt Nam thì sao? Điều 59 Hiến pháp năm 1992 quy định “bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí”. Trên thực tế, phụ huynh học sinh tiểu học phải đóng đủ các khoản phí (không phải là học phí) không tên cho nhà trường. Tiền học, chi phí sinh hoạt tăng trở thành gánh nặng cho nhiều gia đình nghèo. Không hiếm cha mẹ đã cho trẻ nghỉ học, buộc trẻ sớm cùng với mình nhào vô vòng xoáy của cơm - áo - gạo - tiền.

Cha mẹ giàu có, con cái có nhiều cơ hội vào học ở trường chuyên lớp chọn. Nhà nghèo, con khó mơ được đến lớp. Em nào siêng năng thì viết tiếp giấc mơ học chữ tại các lớp phổ cập ban đêm. Ở đó, trẻ học hai năm ba lớp, chỉ học môn chính, bỏ các môn tuy phụ nhưng lại cần thiết trong việc bồi dưỡng nhân cách cho các em. Chất lượng đào tạo đương nhiên không thể sánh bằng các lớp học chính quy. Tệ hơn phổ cập, trẻ được đến các lớp học tình thương. Trẻ làm biếng thì coi như thất học.

Tại sao có chuyện trẻ bỏ học? Chính vì nhà nước ta chưa có quy định nào về việc cưỡng bách giáo dục. Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Giáo dục... không có điều luật nào ràng buộc cha mẹ hoặc người giám hộ phải có trách nhiệm đưa trẻ tới trường. Chưa có nghị định, thông tư nào quy định xử phạt cha mẹ hoặc người giám hộ khi họ không đưa trẻ đến lớp. Học thì học, không học thì thôi. Dù “bậc tiểu học là bắt buộc”, nhiều trẻ em tuổi tiểu học vẫn ngày ngày rảo bộ trên phố với xấp vé số, thùng đánh giày và... mù chữ. Quy định không gắn kèm chế tài thì chỉ nằm trên giấy.

“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Sự phồn thịnh của quốc gia trong tương lai nằm ở lớp trẻ hôm nay. Nhà nước ta cũng đã khẳng định ngay trong Hiến pháp giáo dục là quốc sách hàng đầu. Giáo dục giúp “hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân; đào tạo những người lao động có nghề, năng động và sáng tạo, có niềm tự hào dân tộc, có đạo đức, có ý chí vươn lên góp phần làm cho dân giàu nước mạnh...” (Điều 35). Trước hiện tượng trẻ em bỏ học đang gây nhức nhối, chúng ta còn ngần ngại gì mà không cưỡng bách giáo dục?

Cưỡng bách giáo dục buộc cha mẹ phải có trách nhiệm với con cái. Sinh con, cha mẹ phải cho chúng được bồi dưỡng kiến thức để đủ sức hội nhập cộng đồng như một công dân có ích. Cưỡng bách giáo dục thể hiện trách nhiệm của nhà nước đối với từng cá nhân công dân. Khi cưỡng bách giáo dục, nhà nước cần hỗ trợ các gia đình nghèo. Chúng ta có thể học tập Nhật Bản trong việc cung cấp sách giáo khoa cùng buổi ăn trưa theo chế độ dưỡng chất phù hợp cho học sinh. Đừng ngại việc này làm thâm hụt ngân sách. Khi được đào tạo tốt, trẻ ra trường có thu nhập cao, nhà nước sẽ thu lại thuế thu nhập. Ban đầu, cưỡng bách giáo dục có thể áp dụng ở bậc tiểu học. Dần dà, việc cưỡng bách giáo dục sẽ được nâng lên bậc cao hơn, có thể là lớp 9, rồi lớp 12.

HOÀNG GIA KHANG (64/9A Phạm Văn Chiêu, phường 9, quận Gò Vấp)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm