Cục CSGT: Xử nặng nếu tài xế báo giả mất bằng lái

Trung tá Vũ Anh Điệp, Phó Trưởng phòng Tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT, Bộ Công an, cho biết đang có tình trạng tài xế khai báo gian dối về việc mất giấy phép lái xe (GPLX). Mục đích của việc khai báo gian dối này nhằm không bị tước quyền sử dụng GPLX theo Nghị định 100/2019.

Nhiều lỗi bị tước bằng đến 24 tháng

Theo Trung tá Vũ Anh Điệp, Nghị định 100/2019 quy định hầu hết các lỗi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ đều có mức xử phạt cao hơn so với Nghị định 46/2016 trước đây. Trong đó có nhiều lỗi vi phạm bị tước quyền sử dụng GPLX, thời gian tước GPLX có thể lên tới tối đa 24 tháng.

Để tránh việc bị tước GPLX khi đến xử lý vi phạm, một số tài xế đã giả vờ khai báo mất GPLX hoặc không có GPLX. Mục đích của các tài xế này là sau khi đã chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người vi phạm vẫn có thể sử dụng GPLX để điều khiển xe.

Đại diện Cục CSGT cho biết các cơ quan chức năng đã nắm bắt từ sớm vấn đề này và có các biện pháp để xử lý nghiêm.

Cụ thể, với những trường hợp khai báo gian dối hoặc sử dụng các loại giấy tờ giả, CSGT sẽ dùng các biện pháp nghiệp vụ để xác minh, làm rõ. Đồng thời, giữa Cục CSGT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng như lực lượng CSGT và ngành giao thông các tỉnh, thành phố hiện nay đã có sự chia sẻ dữ liệu về GPLX để thống nhất việc quản lý và xử lý vi phạm.

Do đó, khi tài xế báo mất GPLX, lực lượng CSGT sẽ phối hợp, kiểm tra thông qua hệ thống dữ liệu để xác định thông tin này có chính xác hay không, kịp thời phát hiện những người khai báo gian dối.

CSGT xử lý một trường hợp vi phạm. Ảnh: TP

Khai gian = Phạt + Không cấp bằng năm năm

Ngoài các biện pháp nghiệp vụ, các chế tài đối với hành vi vi phạm này cũng đã được quy định rất nghiêm ngặt.

Ở lần bị xử phạt đầu tiên, nếu tài xế khai báo mất GPLX thì sẽ bị xử phạt về hành vi điều khiển xe mà không có GPLX.

Theo Điều 21 Nghị định 100/2019, hành vi điều khiển xe không có GPLX sẽ bị phạt 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng đối với xe máy, 4-6 triệu đồng đối với ô tô.

Trong quá trình giải quyết thủ tục xử phạt hoặc khi xử phạt lần thứ hai, hoặc cấp đổi GPLX mà cơ quan chức năng phát hiện tài xế gian dối thì sẽ bị xử lý theo Thông tư 12 của Bộ GTVT và Nghị định 100/2019.

Cụ thể, người nào khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được học, kiểm tra, sát hạch mới, cấp lại GPLX… thì bị phạt tiền 3-5 triệu đồng (theo điểm g khoản 3 Điều 37 Nghị định 100/2019).

Bên cạnh đó, theo khoản 14 Điều 33 Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT thì người nào sử dụng GPLX đã khai báo mất để lái xe; có hành vi gian dối khác để được đổi, cấp lại, cấp mới GPLX thì không được cấp GPLX trong thời hạn năm năm.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị thu hồi GPLX, hồ sơ gốc và cập nhật dữ liệu quản lý trên hệ thống GPLX. Nếu người vi phạm có nhu cầu cấp lại GPLX phải học và sát hạch như trường hợp cấp GPLX lần đầu.

“Như vậy, việc khai báo không đúng ngoài bị phạt tiền về hành vi không có GPLX, người vi phạm còn có thể bị phạt tiền về hành vi khai báo không đúng sự thật theo Nghị định 100/2019, đồng thời sẽ bị áp dụng thêm chế tài theo Thông tư 12/2017” - Trung tá Điệp khẳng định.

Bộ GTVT cũng xử nghiêm

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức rà soát, tổng hợp các trường hợp vi phạm bị tạm giữ hoặc tước quyền sử dụng GPLX nhưng cố tình gian dối để xin cấp lại hoặc các trường hợp giả báo mất để xin cấp lại GPLX.

Đối với những trường hợp nghi ngờ như xin cấp lại GPLX nhiều lần, cơ quan chức năng cần kịp thời kiểm tra, xác minh để xử lý theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX trong cả nước. Ngoài ra, Tổng cục cần phối hợp với Cục CSGT kết nối, cập nhật thông tin vi phạm của các tài xế vào hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung trên toàn quốc nhằm xác định nhanh và xử lý kịp thời đối với tài xế bị cơ quan chức năng thu giữ GPLX do vi phạm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm