Công nghệ giáo dục và nỗi khổ hiệu trưởng

“Chưa có con mà đọc bài viết này tôi muốn khóc luôn...”, đó là comment của bạn đọc Hung Nguyen sau khi đọc bài “Con em chúng tôi không phải hòn đất sét để thí nghiệm!” (báo Pháp Luật TP.HCM ngày 9-11).

Chương trình công nghệ giáo dục (CNGD) được ứng dụng riêng với lớp 1 ở các trường tiểu học trên 48 tỉnh, thành. Trao đổi với PV của báo Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, khẳng định: “Chương trình CNGD rất tốt nên mới được triển khai ở các trường tiểu học trên cả nước. Người dân đánh giá chương trình tốt thì Bộ GD&ĐT mới đồng bộ hóa”. Theo ông Hào thì các trường tự nguyện đăng ký. Nhưng thực tế không hẳn vậy.

Cô LT, hiệu trưởng một trường tiểu học phía Bắc, rất bức xúc về chương trình CNGD, rằng “có đăng ký không dạy chương trình CNGD thì vẫn bị ép dạy”. Chúng tôi xin trích đăng ý kiến của cô giáo này:

“Đã là giáo dục thì phải hết sức cẩn trọng, trau chuốt. Chương trình CNGD biên soạn rất ẩu. Nó có những ưu việt, như luật chính tả, học sinh học CNGD xong thì luật chính tả rất tốt. Mặt khác, chương trình tập trung khả năng phát triển ngôn ngữ đáp ứng nhu cầu lấy học sinh là trung tâm. Tuy nhiên, tính nhân văn và yếu tố coi trọng tiếng Việt lại rất hạn chế.

Sự hồn nhiên đáng yêu của  các em học sinh của một trường tiểu học. Ảnh:  HOÀNG GIANG

Cách biên soạn và cách chọn từ ngữ có nhiều vấn đề. Người soạn sách không chọn lọc kiến thức đối với học sinh lớp 1: Chọn từ ngữ không phù hợp lứa tuổi các bé lớp 1, đưa các từ vay mượn nước ngoài làm từ khóa cho bài học trong khi đó không phải tiếng Việt... Ban đầu giở sách ra đọc, tôi không biết mình đang cười hay khóc. Cứ có thời gian là ngồi đọc, tìm hiểu mà cả năm nay vẫn cảm thấy khó lĩnh hội được phương pháp CNGD.

Điều đặc biệt vô lý nữa là học sinh lớp 1 học CNGD, sang lớp 2 lại học chương trình hiện hành. Hầu như giáo viên của tôi phải dạy lại sao cho “hợp cạ” với chương trình hiện tại.

Hiện có nhiều chương trình, Bộ GD&ĐT có nói rõ là các đơn vị có quyền lựa chọn chương trình phù hợp. Nhưng địa phương tôi công tác triển khai 100%, sở yêu cầu phòng, phòng yêu cầu xuống thì các trường phải thực hiện chương trình dạy CNGD. Đầu năm học chúng tôi nhận “trát” quy định chuyên môn chỉ rõ học gì, SGK nào… thì làm sao mà ý kiến gì nữa. Hiệu trưởng và giáo viên ở cơ sở như cái ao, cấp trên “quăng” cái gì xuống ao thì phải hứng cái đó.

Thứ nữa, kinh phí để mua bộ sách học theo chương trình CNGD đắt gấp năm lần chương trình hiện hành. Để học được chương trình này cần 13 quyển với giá tổng là 172.000 đồng, trong khi SGK hiện hành giá sách chỉ có 35.000 đồng/bộ.

Thật tình tôi không thích CNGD nhưng chúng tôi phải chấp nhận. Đây là chương trình triển khai đồng bộ, bắt buộc phải làm”.

Bạn đọc phản hồi

Các giáo viên trường tôi chả bao giờ được hưởng cảm giác nghỉ giữa giờ, cứ tận dụng thời gian tra sách, nghiên cứu mà có khi không nắm hết được vấn đề. Giờ nghỉ trưa, ăn vội bát cơm lại ngồi vào chấm bài, chuẩn bị giáo án…, ngán ngẩm lắm. Các bậc phụ huynh hay chạy đua cho con đi học chữ trước khi vào lớp 1. Nhưng khốn khổ là mầm non làm quen với chữ cái, âm, chữ viết không theo CNGD nên khi vô năm học, học sinh và giáo viên đồng chới với khi dạy-học chương trình CNGD.

Cô giáo NQ, giáo viên tiểu học ở quận Lê Chân, TP Hải Phòng

Bé nhà tôi năm nay vào lớp 1 theo CNGD. Thấy bé đọc rất tốt nhưng tuần vừa rồi tôi giật mình phát hiện bé đọc tiếng Việt mà như tiếng Anh thuộc lòng chứ không phải biết ghép vần. Thôi thì đành tạm dừng tất cả chương trình ngoại khóa, tiến hành “huấn luyện đặc biệt” cho con.

Bạn đọc CAO TRONG

Sách giáo khoa phải có nền tảng kiến thức cơ bản, sử dụng ít nhất 5-10 năm không lỗi thời, chứ cứ thay đổi liên tục thì nền giáo dục sẽ không ổn định, xáo trộn việc học của hàng triệu học sinh cả nước. Không nước nào trên thế giới cứ thay đổi liên tục sách giáo khoa như thế. 

Bạn đọc LƯƠNG ANH TUẤN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm