Công chứng qua mạng

Từ ngày 1-7, Phòng Công chứng số 2 tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp nhận việc đăng ký công chứng qua mạng Internet tại địa chỉ http://pccs2-tthue.vn hoặc http://www.thuathienhue.gov.vn (cổng thông tin tỉnh Thừa Thiên-Huế). Đây là dịch vụ công chứng trực tuyến đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên-Huế và của cả nước.

Theo đó, các cá nhân, tổ chức có thể điền và gửi trực tuyến các mẫu đơn, hồ sơ công chứng tới Phòng Công chứng số 2, bao gồm 30 dịch vụ như hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất; hợp đồng thuê quyền sử dụng đất; thuê nhà; các loại hợp đồng về thế chấp tài sản; công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản… Hằng ngày, phòng này nhận hồ sơ đăng ký qua mạng vào lúc 10 giờ 30 và 16 giờ. Nếu khách hàng đăng ký buổi sáng thì 14 giờ cùng ngày có thể truy cập lại để nhận phản hồi của phòng. Còn đăng ký buổi chiều thì đầu giờ sáng hôm sau nhận được phản hồi. Phản hồi này có thể là ngày, giờ hẹn công chứng hoặc phiếu hướng dẫn bổ sung hồ sơ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Trưởng phòng Công chứng số 2 tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết: Thời gian giải quyết các hồ sơ công chứng (không phân biệt hình thức đăng ký là trực tiếp hay trực tuyến) tối đa là hai ngày. Tuy nhiên, với việc trực tiếp đến phòng để yêu cầu công chứng như lâu nay, người dân có thể phải đi lại nhiều lần do không nắm rõ thành phần hồ sơ nên phải bổ sung chứ không được tiếp nhận ngay. Nay với việc công chứng trực tuyến thì họ chỉ phải đi một lần vì trước đó đã được phòng công chứng hướng dẫn cặn kẽ những giấy tờ cần có.

Công chứng qua mạng ảnh 1

Khi được hướng dẫn kỹ thủ tục công chứng, khách hàng sẽ không phải đi lại nhiều lần. Ảnh minh họa: HTD

“Một điểm quan trọng mà đăng ký trực tuyến này làm được là người dân và doanh nghiệp được chủ động thông qua việc được bố trí ngày công chứng theo yêu cầu. Trong bản đăng ký, người yêu cầu có thể đề nghị ngày, giờ cụ thể và phòng sẽ căn cứ vào đó mà sắp xếp. Trường hợp trúng vào những ngày họp hành không thể công chứng thì phòng sẽ hẹn sang ngày khác” - bà Hà nói.

Theo ông Dương Quang Tương, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên-Huế, tỉnh này chỉ có hai phòng công chứng. “Cách làm nêu trên của Phòng Công chứng số 2 là một cách làm hay. Tỉnh sẽ xem xét để tính đến việc nhân rộng trên địa bàn tỉnh” - ông Tương nói.

Cách làm của Phòng Công chứng số 2 tỉnh Thừa Thiên-Huế rất đáng biểu dương vì đã hướng đến việc tăng cường tiện ích cho người dân. TP.HCM e rằng chưa thể triển khai sớm việc này vì vướng kinh phí. Nhưng trước mắt TP.HCM có thể xem xét đến việc thí điểm để rồi từ đó làm đại trà bởi tương lai có thể sử dụng cả chữ ký điện tử.

Ông NGUYỄN QUANG THẮNG, Trưởng phòng Công chứng số 1 TP.HCM

Việc đăng ký công chứng qua mạng Internet ở Phòng Công chứng số 2 tỉnh Thừa Thiên-Huế có ưu điểm ở chỗ người yêu cầu công chứng nếu biết sử dụng công nghệ để liên hệ “đặt hàng” trước thì sẽ bớt được thời gian đi lại. Thế nhưng cũng có nhiều vấn đề cần đặt ra từ cách làm này do chi phí mở mạng cao, hiệu quả chưa rõ thế nào vì còn phụ thuộc vào trình độ tin học của người dân.

Thực tế triển khai lâu nay cho thấy các tổ chức hành nghề công chứng vẫn có thể triển khai nhiều cách làm khác để người dân không phải đi lại hai ba lần. Chẳng hạn, người dân có thể gửi thông tin qua hộp thư điện tử, qua bưu điện, qua điện thoại, qua fax để các cơ quan công chứng chuẩn bị bản thảo văn bản công chứng.

Bà LÝ THỊ NHƯ HÒA, Văn phòng Công chứng Lý Thị Như Hòa

THÀNH NHÂN ghi

MAI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm