Công an TP.HCM trả lời về việc làm căn cước công dân

Vừa qua, Pháp Luật TP.HCM đã nhận được rất nhiều câu hỏi được bạn đọc hỏi liên quan đến thủ tục làm thẻ căn cước công dân (CCCD).

Nay, Pháp Luật TP.HCM tiếp tục gửi đến bạn đọc các giải đáp của Thượng tá Huỳnh Văn Hùng, Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an TP.HCM, về các câu hỏi này.

Có được giữ nguyên số CCCD sau khi cấp đổi?

. Sau khi cấp đổi CCCD thì công dân có được giữ nguyên số CCCD cũ không? - bạn đọc Lê Văn Vũ và nhiều bạn đọc ở các tỉnh, thành khác có thắc mắc tương tự.

+ Thượng tá Huỳnh Văn Hùng: Theo Điều 19 Luật CCCD, số thẻ CCCD là số định danh cá nhân. Như vậy, số thẻ CCCD được in trên thẻ CCCD gồm 12 số tự nhiên được xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân.

Với quy định số thẻ CCCD là số định danh cá nhân nên mỗi công dân Việt Nam sẽ được cấp một số thẻ CCCD. Theo đó, số thẻ CCCD được giữ nguyên từ khi cấp mới, không thay đổi khi đổi, cấp lại thẻ CCCD và không lặp lại ở người khác. Quy định này vừa tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, vừa giảm thủ tục hành chính, không gây phiền hà cho công dân khi công dân thay đổi nơi thường trú, đồng thời giúp cơ quan chức năng thuận tiện quản lý căn cước của công dân.

Người dân đến thực hiện thủ tục cấp thẻ CCCD tại Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP.HCM. Ảnh: TP

39 tuổi được cấp thẻ CCCD thì đến 40 tuổi có phải cấp lại?

. Tôi 39 tuổi, vừa được cấp thẻ CCCD mới, vậy năm sau phải tiếp tục xin cấp đổi không? - bạn đọc Trần Văn Hớn và nhiều bạn đọc ở các tỉnh, thành khác có thắc mắc tương tự.

+ Theo quy định hiện hành (Điều 21 Luật CCCD 2014), thẻ CCCD phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi. Trường hợp thẻ CCCD được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn hai năm trước tuổi quy định như trên thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.

Trường hợp công dân được cấp thẻ CCCD vào thời điểm 39 tuổi thì trên thẻ CCCD sẽ được ghi có giá trị đến thời điểm công dân đủ 60 tuổi. Do vậy, khi anh Hớn đủ 40 tuổi sẽ không phải đổi thẻ CCCD theo quy định về độ tuổi đổi thẻ CCCD.

Làm CCCD ra sao khi giấy CMND thiếu ngày, tháng sinh?

. Giấy chứng minh nhân dân (CMND) cũ của tôi không có ngày, tháng sinh thì có được đổi sang CCCD không, quy trình ra sao? - bạn đọc Nguyễn Xuân Hạnh, Lê Lân, Đoàn Uyên

+ Theo quy định trong công tác cấp, quản lý CMND, CCCD thì việc ghi ngày, tháng sinh trên CMND, thẻ CCCD căn cứ vào thông tin về ngày, tháng sinh ghi trên sổ hộ khẩu. Đối với trường hợp sổ hộ khẩu và giấy khai sinh đều không ghi ngày, tháng sinh thì cơ quan công an nơi tiếp nhận hồ sơ đề nghị đổi, cấp lại CMND, thẻ CCCD hướng dẫn công dân đến UBND xã, phường, thị trấn nơi đăng ký khai sinh đề nghị bổ sung ngày, tháng sinh trong giấy khai sinh; sau khi đã điều chỉnh thông tin về ngày, tháng sinh trong giấy khai sinh thì tiến hành điều chỉnh thông tin trong sổ hộ khẩu theo thông tin trên giấy khai sinh mới.

Sau khi công dân đã điều chỉnh được thông tin về ngày, tháng sinh trong sổ hộ khẩu, cơ quan công an nơi tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp, đổi, cấp lại CMND, thẻ CCCD tiến hành làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại CMND, thẻ CCCD có đầy đủ thông tin về ngày, tháng sinh cho công dân theo quy định.

Các trường hợp bị tạm giữ, thu hồi thẻ CCCD

Điều 28 Luật CCCD quy định thẻ CCCD bị thu hồi trong trường hợp công dân bị tước quốc tịch, thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.

 Thẻ CCCD bị tạm giữ trong trường hợp sau đây:

- Người đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

- Người đang bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù.

Trong thời gian bị tạm giữ thẻ CCCD, công dân được cơ quan tạm giữ thẻ CCCD cho phép sử dụng thẻ CCCD của mình để thực hiện giao dịch theo quy định của pháp luật.

Công dân được trả lại thẻ CCCD khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam, chấp hành xong án phạt tù, chấp hành xong quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm