Công an không làm việc qua điện thoại

Các cuộc gọi lừa đảo không chỉ gọi đến gia đình mà cả cơ quan, công ty nơi bị hại làm việc để hăm dọa. Các thủ đoạn mới về chiêu thức lừa đảo qua điện thoại được một cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế (PC46, Công an TP.HCM) vạch rõ.

Bình mới, rượu cũ

Theo cán bộ này, thời gian gần đây nhiều kịch bản lừa qua điện thoại mới đã được dựng lên. Trước đây là báo nợ cước viễn thông, giả công an để hù dọa thì nay kẻ lừa đảo sẽ thông báo nợ tiền thẻ tín dụng, bưu phẩm, liên quan tội phạm… rồi cũng dẫn dắt tới kẻ giả danh công an, viện kiểm sát.

Điều nguy hiểm là sau khi hù dọa cho bị hại sợ hãi cao độ, những kẻ này sẽ yêu cầu người dân mở tài khoản ngân hàng. Dù tài khoản này đứng tên bị hại nhưng các đối tượng lại yêu cầu sử dụng số điện thoại do chúng cung cấp để đăng ký.

Sau đó, bị hại phải khai báo toàn bộ thông tin liên quan, kể cả mã kích hoạt (mã OTP của tài khoản Internet Banking được ngân hàng nhắn tự động vào số điện thoại đã đăng ký) để hỗ trợ điều tra. Từ đó toàn bộ tiền trong tài khoản sẽ được chúng chuyển đi qua Internet Banking hoàn toàn hợp lệ.

“Có trường hợp các đối tượng còn dùng chính tài khoản này để trung chuyển tiền lừa đảo. Có bị hại đã mất tới hơn 2,4 tỉ đồng vì chiêu trò này. Với chiêu thức trên, nhóm lừa đảo khiến bị hại chủ quan, cho rằng tài khoản tên mình và mất cảnh giác. Mặt khác, nhân viên ngân hàng cũng sẽ không có lý do để nghi ngờ” - ông phân tích.

Một băng nhóm giả công an lừa đảo qua điện thoại bị Công an TP.HCM triệt phá. Ảnh: PHẠM DŨNG

Bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân

Có thông tin rằng những người sập bẫy hẳn phải “có tật mới giật mình”. Tuy nhiên, xét trên thực tế, cán bộ PC46 cho biết đây đều là những cuộc gọi quét số ngẫu nhiên, bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân nên đều phải đề cao cảnh giác.

“Công an không bao giờ làm việc qua điện thoại, không bao giờ yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân, tổ chức để xác minh điều tra” - ông khẳng định.

Đối với các lệnh tạm giam bị hại nhận được ông khẳng định đều là giả mạo. “Nếu người dân phạm tội thật, trước khi bắt người cơ quan điều tra sẽ liên hệ bí mật với chính quyền địa phương, lúc bắt có sự chứng kiến của công an khu vực. Không ai gửi lệnh bắt qua Zalo như vậy cả” - ông thông tin thêm.

Để tránh trở thành con mồi của những kẻ lừa đảo qua điện thoại, Phòng Cảnh sát kinh tế TP khuyến cáo người dân ba điều. Một là hạn chế cung cấp thông tin cá nhân với những trường hợp không cần thiết. Hai là nếu nhận được cuộc gọi báo nợ cước, nợ thẻ… mà tự xác định mình không có thì dập máy ngay. Ba là công an khi làm việc sẽ gửi thư mời, ghi rõ thời gian, địa điểm chứ không bao giờ lấy lời khai qua điện thoại.

5 chiêu trò lừa đảo phổ biến

Thông báo nợ cước

Cuộc gọi từ hộp thư thoại hoặc trực tiếp đến số cố định để nhắc nợ cước điện thoại số tiền lớn. Chúng còn dùng cả đầu số 18001166 của VNPT để lừa.

Hăm dọa rửa tiền

Mạo danh công an, VKS đang điều tra, sẵn sàng cho người dân số điện thoại để đối chứng. Các số này đều qua phần mềm giả lập, giống hệt số máy cơ quan chức năng.

Báo tai nạn

Thường cuộc gọi sẽ vào ban đêm, thông báo thân nhân bị tai nạn và yêu cầu gia đình đến gấp. Địa điểm hẹn xa, hẻo lánh, chúng sẽ mai phục để cướp tài sản.

Lừa trúng thưởng

Gửi tin nhắn qua Facebook, điện thoại thông báo trúng thưởng quà khủng. Bị hại chỉ cần nộp tiền thuế hoặc thẻ cào điện thoại để nhận thưởng. Tất nhiên, tiền đi quà không trở lại.

Hải quan chặn quà tặng

Giả danh Việt kiều làm quen rồi gửi quà tặng giá trị lớn. Người giả nhân viên chuyển phát sẽ yêu cầu bị hại đóng tiền để… thông quan. Có nạn nhân đã mất hàng trăm triệu đồng vì chiêu lừa này.

Trong sáu tháng đầu năm 2018, PC46 tiếp nhận 37 đơn tố giác bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại, tổng số tiền bị lừa đảo là hơn 46 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm