Con thoát chết nhờ cách hành xử của cha mẹ

Cha mẹ cư xử đẹp, con thoát chết
 
Bà Trần Hồng Điệp, Giám đốc điều hành Trung tâm Phòng chống khủng hoảng về tâm lý kể về một trường hợp tự tử liên quan đến người khuyết tật:

"Một cô bé khuyết tật về hình thể có ý định tự tử vì bị bất lực trong vòng nhiều năm mà không thể chia sẻ được cùng ai. Ý định tự tử đã được cô bé nung nấu từ rất lâu, trước đó cũng có một vài lần cô bé mua thuốc ngủ về nhà, nhưng cái ý nghĩ níu giữ cô bé lại là vẫn có một gia đình hạnh phúc, bố mẹ yêu thương.

Thế rồi nảy sinh một vấn đề là bố mẹ cô bé chia tay. Cô bé rất sốc, cô cảm thấy là lý do níu giữ cô lại trên cuộc đời này không còn nữa, không còn gia đình nữa. Và cô nghĩ rằng mình là điểm mấu chốt khiến bố mẹ chia tay, quá mệt mỏi vì nuôi dưỡng và chăm sóc cô. Cô bé nghĩ là hai người không cần chia tay đâu, tại sao không để tôi biến mất khỏi cuộc sống này".

Con thoát chết nhờ cách hành xử của cha mẹ ảnh 1
Nhiều em tìm đến cái chết vì nghĩ không còn lý do gì níu giữ mình trên đời này nữa ( Ảnh minh họa)
Bà Điệp cho biết, khi được tư vấn và nói chuyện thẳng thắn với bố mẹ, cô bé khuyết tật này đã trở lại với cuộc sống bình thường. Các nhân viên tư vấn giúp cô bé tìm ra những lý do níu giữ cô bé với cuộc sống. "Khi mà cô bé nói rất nhiều những vấn đề khiến cô bi quan như thế nào, không thể làm gì, chỉ ngồi trên xe lăn... Nhưng khi trao đổi, chúng tôi đã tìm ra được điểm mạnh đó là cô bé rất khéo tay. Cô bé có thể làm nhiều đồ thủ công có thể bán được, thực tế là cô cũng đã làm công việc ấy rồi. Nhà tư vấn đã giúp cô bé nhận ra giá trị của bạn, rằng cô vẫn có thể lao động và làm việc có ích. Khuyến khích bạn tham gia vào nhóm những bạn khuyết tật để thấy được sức sống, niềm hi vọng ở chính cộng đồng người khuyết tật thì cô bé thấy được rằng thì ra được có mặt ở trên cuộc đời này đã là một may mắn. Cô bé đã tìm ra lý do để sống ở chính bản thân mình", bà Điệp nói thêm. Bà Điệp cũng cho biết, một trong những lý do quan trọng đem lại niềm tin sống cho cô bé chính là "hành động đẹp" của bố mẹ cô bé. Họ đã ngồi lại nói chuyện với con, cho con biết lý do bố mẹ chia tay là vì không còn yêu nhau nữa chứ không phải vì mệt mỏi chăm sóc cô bé. "Tôi thấy có một may mắn là bố mẹ cô bé đã cư xử rất đẹp trong tình huống chia tay này. Cái việc họ nói chuyện thẳng thắn cho cô bé biết lý do, khẳng định với cô hiểu là bố mẹ yêu cô như thế nào hoặc thống nhất việc cô bé ở với mẹ và bố cô bé chăm sóc và thường xuyên đến chơi với hai mẹ con. Điều này khiến cho cô bé cảm thấy là cô không phải là nguyên nhân phá vỡ hạnh phúc, ngay cả khi cô bé không được ở gần cả bố cả mẹ", bà Điệp chia sẻ. Hãy là nhà tâm lý cho con!Bà Điệp cho biết, ở Việt Nam vẫn còn thiếu những dịch vụ hỗ trợ tư vấn tâm lý chống tự tử miễn phí. Nhiều đối tượng học sinh, sinh viên biết là mình đang gặp vấn đề, cần tư vấn nhưng lại không có kinh phí để chi trả nên họ không có cơ hội tiếp cận dịch vụ. Điều này gây khó khăn cho việc phòng chống vấn nạn tự tử. "Chúng tôi cũng không thể theo dài được các vụ việc mà phụ thuộc vào sự tự nguyện của thân chủ. Ở nước ngoài họ thành công ở việc lưu trữ hồ sơ rất tốt, mỗi gia đình có một bác sĩ tâm lý, họ nắm được tiểu sử của gia đình ấy thành một hồ sơ rất dài thế nên dù trải qua rất nhiều năm họ vẫn có những hỗ trợ tiếp theo được. Còn ở Việt Nam thì chỉ lưu được hồ sơ theo từng sự việc thôi", bà Điệp nói. Theo bà Điệp, dù có hay không sự hỗ trợ của cộng đồng thì cha mẹ vẫn là nơi hỗ trợ tốt nhất cho con. Trước hết cha mẹ phải ý thức được vấn đề con đang gặp phải, tìm cách nói chuyện với con và cùng con giải quyết vấn đề. Nhà tư vấn chỉ là người hỗ trợ, còn gia đình mới là mấu chốt. Bà Điệp kể một câu chuyện minh chứng cho quan điểm này: "Có cô bé sống trong một gia đình giàu có, mọi thứ hoàn hảo nhưng cô lại cảm thấy mình bị cô lập trong gia đình ấy. Sự tương tác giữa bố mẹ và con cái rất thấp. Những bài học đạo đức mà bố mẹ dạy, yêu thương nhau, chia sẻ với nhau, khi cô bé nhìn vào sự thật, cách ứng xử của bố mẹ không giống như giá trị mà cô được dạy nên thất vọng. Cô bé thù ghét những cái mà cô đang được hưởng. Suốt một quá trình dài cô bé rơi vào trầm cảm, thậm chí là mất ăn, mất ngủ, ám ảnh về cái chết tuy nhiên cô chưa hình thành rõ ý định tự tử. Cô bé chỉ có hành vi là tự rạch tay để cảm thấy nỗi đau giảm xuống. Nhưng gia đình không để ý. Biết là cô bé rạch tay nhưng không phải với ý định tự tử mà tự hại thì gia đình chỉ nghĩ đơn thuần là đây chỉ là sự phát triển nhất thời ở cái tuổi dậy thì. Gia đình không ý thức được là ranh giới giữa tự tử và tự hại rất mong manh và thực tế sau đó cô bé đã chuyển sang ý định tự tử. Bố mẹ đưa cô bé đi tư vấn với một tâm thế là con tôi đang như thế nên nhà tư vấn hãy giúp con tôi đi. Họ vẫn không ý thức được họ mới là mắt xích quan trọng bởi vì không có nhà tư vấn nào theo suốt được mãi. Thêm nữa bố mẹ cô bé đang là nguyên nhân cộng hưởng vào ý định tự tử, buồn chán trầm cảm của cô bé". Chuyên gia tư vấn tâm lý độc lập Vũ Thu Hà – Công ty Ứng dụng tâm lý Hoa Mặt Trời đưa lời khuyên: “Sự quan tâm đúng lúc của bố mẹ, hay thay đổi chút ít trong ứng xử hằng ngày có thể giúp trẻ rất nhiều. Bố mẹ nên chủ động tạo những buổi đi chơi cả gia đình, đi du lịch cùng nhau... và ngày thường bố mẹ chịu lắng nghe các con sẽ là động lực để trẻ vững vàng hơn”. "Khi có những vụ tự tử xảy ra, cha mẹ cũng nên nói rõ đây là việc làm dại dột và chỉ rõ hậu quả của nó, từ đó định hướng tâm lý để các em không đánh giá tự tử là một hành động đáng khen, dám thể hiện mình và dám hy sinh vì một điều gì đó hay coi đó như là một "tấm gương", một cách giải quyết hiệu quả nhất khi gặp bế tắc trong cuộc sống" - bà Đặng Thị Lệ Thủy – GĐ Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng Smile's House (Hội viên hội Khoa học tâm lý - Giáo dục Việt Nam) chia sẻ.
Theo VietnamNet

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm