Cô ruột đứng tên mẹ ruột

Mới đây, TAND TP.HCM mở phiên tòa sơ thẩm vụ tranh chấp xác định mẹ cho con giữa nguyên đơn là anh NHH và bị đơn là bà NTBT.

Vụ án gây chú ý vì dù bà T. là người sinh ra anh H. và sống chung với anh suốt 23 năm nay nhưng trên giấy khai sinh của anh H., tên mẹ lại mang tên của người cô ruột anh H.

Trình bày tại tòa, anh H. nói sau khi anh được sinh ra, cha anh là ông L. đi làm khai sinh và đã để tên em gái ông (tức cô anh) đứng tên làm mẹ của anh. Lúc đó cha mẹ anh chưa làm thủ tục đăng ký kết hôn. Nay anh yêu cầu tòa xác định bà T. là mẹ ruột của anh để anh điều chỉnh lại giấy khai sinh.

Làm thủ tục hộ tịch tại địa phương. Ảnh minh họa: HTD

Bà T., mẹ ruột anh H., cũng đồng tình với yêu cầu của anh H. Theo bà, bà và ông L. cưới nhau (và sống chung) từ năm 1989 nhưng mãi đến năm 1993 mới đăng ký kết hôn. Năm 1991, bà sinh anh H., ông L. đi làm khai sinh cho con và ông đã khai như đã nói. Khi biết việc, bà cũng muốn điều chỉnh nhưng không được. Thực tế, từ khi sinh ra đến giờ anh H. vẫn sống chung với bà và bà vẫn nuôi dưỡng đàng hoàng. Cô của anh H. hiện đang sinh sống tại Mỹ (để bà làm đại diện tại tòa) cũng đồng ý việc điều chỉnh này để anh H. không gặp rắc rối khi làm các giấy tờ. Bà T. trình bày thêm: Kết quả giám định ADN kết luận bà với anh H. là mẹ con ruột.

Có mặt tại tòa với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, ông L. “bật mí” chuyện khai sinh tréo ngoe này: Ban đầu, khi cưới và chung sống với bà T., ông cứ nghĩ tình yêu màu hồng. Sau đó, do vợ chồng phát sinh mâu thuẫn nên khi làm giấy khai sinh ông không để bà T. đứng tên mẹ của con ông mà để tên người cô. Hiện vợ chồng ông đang làm thủ tục ly hôn, chỉ chờ tòa phán quyết mà thôi... Trả lời tòa, ông L. thừa nhận trước đây chỉ vì để thỏa mãn tự ái (?!) nên ông mới làm vậy.

Cuối cùng, HĐXX nhận định căn cứ lời khai các bên, kết quả xác minh tại địa phương và kết quả giám định ADN đã đủ cơ sở để xác định bà T. là mẹ ruột của anh H. Từ đó, tòa tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh H., hai mẹ con anh H. liên hệ với các cơ quan chức năng để điều chỉnh lại giấy tờ.

HOÀNG YẾN

 

Điều chỉnh khai sinh tại UBND xã/phường

Theo Điều 41 Nghị định 158/2005, thẩm quyền điều chỉnh hộ tịch trong trường hợp này thuộc về UBND xã/phường nơi trước đây anh H. đăng ký khai sinh. Vì vậy, anh H. nên liên hệ với UBND xã/phường nơi trước đây đã làm giấy khai sinh cho anh để làm thủ tục điều chỉnh tên mẹ trong giấy khai sinh của anh theo bản án của tòa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm