Cớ mất giấy đỏ rồi ‘tẩu tán’ tài sản

Bà Lê Kim Loan, ngụ phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, trình bày năm 2011 bà cho bà MT vay gần 1,4 tỉ đồng trong thời hạn ba tháng. Để tạo lòng tin, bà T. đã giao cho bà Loan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy đỏ) tại quận 8, TP.HCM do bà T. đứng tên. Đến hạn, bà T. không trả tiền nên bà Loan khởi kiện tại TAND quận 8.

Hơn hai năm chưa được thi hành án

Ngày 19-8-2013, TAND quận 8 xét xử sơ thẩm, quyết định bà T. phải trả tiền cho bà Loan và bà Loan có trách nhiệm trả lại giấy đỏ cho bà T. Sau đó, bà T. kháng cáo vì cho rằng mình chỉ vay của bà Loan 1,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, tháng 1-2014, TAND TP.HCM ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vì hai lần tòa triệu tập nhưng bà T. không đến tham gia phiên tòa . Tháng 2-2014, bà Loan làm đơn yêu cầu thi hành án (THA). Chi cục THA dân sự quận 8 đã ra quyết định thi hành nhưng đến nay vụ việc vẫn rơi vào im lặng.

“Bản án có hiệu lực hơn hai năm nay, rất nhiều lần tôi yêu cầu nhưng cơ quan THA cứ bảo đang xử lý. Nhà tôi ở tận Cần Thơ, mỗi lần lên TP.HCM rất bất tiện và tốn kém vô cùng” - bà Loan nói.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự quận 8, cho biết: “Khi ra quyết định thi hành đối với bản án của TAND quận 8, chúng tôi đã gửi nhiều công văn xác minh đến Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM (VPĐKĐĐ) và Chi nhánh VPĐKĐĐ quận 8 nhưng không được đáp ứng đầy đủ thông tin. Đến tháng 10-2014, Chi nhánh VPĐKĐĐ quận 8 mới có công văn xác nhận giấy đỏ mà bà Loan cung cấp là của bà T. Sau đó, THA đã lập kế hoạch cưỡng chế kê biên để THA cho bà Loan. Giai đoạn kê biên, bà T. không hợp tác nên việc kê biên lại bị kéo dài. Đến tháng 4-2016 thì THA nhận được đơn của bà NKX với nội dung tài sản trên bà T. đã bán cho bà X. và tài sản này đang được thế chấp tại ngân hàng. Tháng 5-2016, THA gửi công văn đến Chi nhánh VPĐKĐĐ quận 8 hỏi vì sao một tài sản lại tồn tại hai giấy chứng nhận nhưng đến nay cơ quan này vẫn chưa phản hồi”.

Bà T. đã cớ mất giấy chứng nhận đầu tiên (ảnh trên) để được cấp giấy chứng nhận mới (ảnh dưới), sau đó thì bán tài sản.  Ảnh: N.HIỀN

Có dấu hiệu hình sự?

Giải thích vì sao một tài sản có hai giấy chứng nhận, ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ quận 8, nói theo hồ sơ lưu tại chi nhánh thì nguồn gốc thửa đất trong giấy chứng nhận mà Chi cục THA quận 8 cung cấp, giấy đỏ liên quan tài sản trên trước đó được cấp cho một công ty. Tháng 9-2009, tên bà T. được cập nhật trên giấy đỏ. Đầu năm 2013, Chi nhánh VPĐKĐĐ quận 8 nhận được đơn yêu cầu cấp lại giấy đỏ của bà T. với lý do bị mất. Nhận được đơn của bà T., cán bộ tiếp nhận hướng dẫn bà làm theo đúng quy định tại Điều 77 Nghị định 43/2014 về việc cấp lại giấy chứng nhận. Ngày 10-10-2013, Chi nhánh VPĐKĐĐ quận 8 ra quyết định thu hồi, hủy bỏ giấy đỏ cũ đã cấp cho bà T. Thời gian này bà T. làm thủ tục hoàn công căn nhà đã có trên đất từ lâu (nhưng chưa được hợp thức hóa). Sau đó, Chi nhánh VPĐKĐĐ quận 8 đã cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (giấy hồng) cho bà T. Tháng 11-2013, bà T. chuyển nhượng căn nhà trên cho bà X. và hiện nay bà X. đang thế chấp nhà cho ngân hàng. “Một tài sản tồn tại hai giấy chứng nhận là do bà T. khai không đúng sự thật, chúng tôi sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan công an” - ông Thanh nói.

PV hỏi: “Ngày 29-10-2014, Chi nhánh VPĐKĐĐ quận 8 có công văn khẳng định thửa đất vẫn đứng tên bà T. Trong khi đó, năm 2013, bà T. đã hoàn tất thủ tục chuyển nhượng cho bà X.?”. Ông Thanh trả lời do cán bộ thụ lý chưa cập nhật đầy đủ.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự quận 8, trong biên bản làm việc với Chi cục THA quận 8, bà X. khẳng định căn nhà trên bà nhận chuyển nhượng từ bà T. nhưng thực chất việc chuyển nhượng này là do bà T. nhờ đứng tên giùm chứ không có việc giao nhận tiền. Sau đó, bà T. yêu cầu bà X. làm thủ tục thế chấp căn nhà trên cho ngân hàng để vay 1,5 tỉ đồng và toàn bộ số tiền trên do bà T. nhận. “Vụ việc này có khả năng có dấu hiệu hình sự, chúng tôi đang cân nhắc việc xử lý” - ông Sơn cho biết.

Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Văn Hồng (Đoàn Luật sư TP.HCM), vụ việc trên là không thể xử lý hình sự vì việc chuyển nhượng được thực hiện trước khi bản án có hiệu lực. Nếu lúc nộp đơn khởi kiện ra tòa mà bà Loan có đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời - kê biên tài sản thì bà Loan mới có thể đảm bảo việc THA, tự bảo vệ quyền lợi cho mình. “Rõ ràng hành vi của bà T. là hành vi tẩu tán tài sản nhưng về cơ sở pháp lý thì không thể xử lý được. Đây cũng là kinh nghiệm cho các nguyên đơn khi khởi kiện đòi nợ” - luật sư Hồng nói.

Phải hủy giấy chứng nhận cấp sau

Việc bà T. đã khai không đúng, cớ mất giấy đỏ cũ để được cấp lại giấy mới nên việc cấp giấy chứng nhận mới là không hợp lệ. Đồng thời theo như bà X. khai thì căn nhà trên bà chỉ đứng tên giùm. Như vậy, bà Loan có quyền làm đơn yêu cầu tòa án giải quyết việc dân sự là xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản để THA theo khoản 9 Điều 27 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Trên cơ sở giải quyết của tòa án thì cơ quan THA sẽ tiến hành các thủ tục THA theo quy định.

Điều 304 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào cố ý không chấp hành bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Tuy nhiên, đối với trường hợp này thì bà T. đã chuyển nhượng tài sản cho người khác trước khi bản án có hiệu lực, vì thế không thể xử lý hình sự được.

Luật sư NGUYỄN ĐỨC CHÁNH (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm