Chuyện mang tiếng nhà báo ‘đánh trống bỏ dùi’

Khoảng vào cuối năm 2016, có hai người phụ nữ cùng tìm đến báo Pháp luật TP.HCM để gửi đơn kêu oan cho chồng và anh trai của họ. Hai bị cáo này bị truy tố đồng phạm về tội giết người và đã bị tạm giam hơn hai năm. TAND tỉnh Bình Dương xử sơ thẩm tuyên phạt một người 14 năm tù, người kia 12 năm tù. Tháng 9-2016, TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm đã tuyên hủy án, hồ sơ được chuyển về cho Công an tỉnh Bình Dương thụ lý điều tra lại. Phần hai bị cáo vẫn tiếp tục chịu cảnh lao lý.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ và tham khảo ý kiến chuyên gia, ngày 2-12-2016, Báo PL TP.HCM đăng bài phản ánh về nghi án oan này. Hai mươi ngày sau, hai bị cáo cùng được trả tự do. Vợ bị cáo gọi điện thoại thông báo cho phóng viên mà vẫn chưa tin đây là sự thật: “ Gia đình vô cùng biết ơn báo vô cùng!”

Tôi chia vui với chị và giải thích vì trước đó tòa phúc thẩm đã hủy án và chỉ ra nhiều chi tiết quan trọng cho thấy chứng cứ buộc tội chưa thuyết phục. Có thể khi CQĐT thụ lý lại đã có những kết luận khác, trong khi thời hạn tạm giam đã quá hạn quy định.

Chưa kể hai bị cáo còn được một vị luật sư nhận bào chữa miễn phí, đã luôn đồng hành bên họ trên khắp nẻo đường kêu oan. Chính hai luật sư này đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong việc phân tích pháp lý khi tôi viết bài. Và điều quan trọng nhất là chồng chị không phạm tội. Sự tác động của bài báo có khi chỉ là một sự trùng hợp, hoặc nếu có cũng chỉ là rất nhỏ.

Chị mừng mừng tủi tủi: “Mong báo tiếp tục đồng hành để chúng tôi vững thêm tinh thần, vì con đường còn dài lắm!”.

Sau đó, mỗi lần CQĐT gọi triệu tập đến làm việc chị hoặc chồng chị đều gọi điện thông báo, tường trình lại cho tôi nắm đến chi tiết nhỏ nhất. Bẵng đi một thời gian, từ một nguồn tin riêng của báo, tôi biết được tin CQĐT đã đình chỉ điều tra vụ án.

Liên lạc lại anh chị ấy để xác thực thông tin, đồng thời bày tỏ cảm xúc hơi buồn vì sao không báo tin vui cho tôi biết thì nhận được câu trả lời: “Nghe nói đình chỉ gì đó rồi mà tôi bận quá không đến nhận được, cũng lu bu quá nên không nhắn cho chị biết. Tôi phải đi buôn bán không biết khi nào mới đến nhận quyết định được. Xin lỗi chị!”. Bỏ qua cảm xúc cá nhân, tôi khuyên anh phải đến nhận quyết định sớm còn đến gặp luật sư, tìm hiểu về việc yêu cầu bồi thường oan sai.

Ảnh vẽ minh họa

Một thời gian sau, tôi cố liên lạc lại vẫn chỉ nhận được câu trả lời: “Xin lỗi chị, tôi bận quá…”

Tôi hoàn toàn có thể tự liên hệ với CQĐT hoặc VKS để tìm hiểu tiếp lý do đình chỉ nhưng tôi đã không làm. Không phải vì ngại xa, ngại khó mà vì tôi nhận ra các nhân vật của tôi, họ đã không cần và không muốn tôi can thiệp nữa.

Tôi báo cáo với sếp về kết quả vụ án và đề nghị xếp lại hồ sơ. Sếp phê bình tôi là “đánh trống bỏ dùi”, nợ bạn đọc một bản tin về cái kết có hậu của vụ án.

Thực lòng, tôi vẫn luôn tin rằng không phải nhân vật của tôi bỏ tôi, chỉ là họ đã quá mệt mỏi và bỏ cuộc trong hành trình đòi lẽ phải cho chính mình. “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, hai năm đó có lẽ là quãng đời kinh hoàng nhất của hai người đàn ông và người thân của họ và khi đã thoát khỏi chuỗi ngày đó, họ không muốn nhìn lại hay gợi lại bất kỳ điều gì.

Tôi không cho phép mình trách họ và không có quyền ép họ phải đấu tranh khi chính tôi không cũng không lường được phía trước là những chông gai gì. Hơn một năm rồi, đến giờ tôi vẫn chờ tin từ anh chị ấy… Tôi không cần giải thích lý do, chỉ cần một dòng thông báo “chúng tôi sẽ yêu cầu bồi thường oan sai”. Chắc chắn, tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng họ - nếu tôi còn làm báo!

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.