Chưa khởi tố, sao cấm chuyển nhượng?

Do có quan hệ làm ăn nên trước đây bà Trần Thị Mỹ Hiền (ngụ ấp An Lợi B, xã Định Yên, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) viết giấy mượn nợ của gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Loan 700 triệu đồng. Trong khi hai bên chưa thỏa thuận được về việc trả nợ thì bà Loan có đơn tố giác công an vì cho rằng bà Hiền cố tình không trả.

Tiếp nhận thông tin này, ngày 10-12-2013, Công an huyện Lấp Vò có văn bản gửi Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện và UBND xã Định Yên đề nghị không làm thủ tục chuyển dịch tài sản nào của bà Hiền cho người khác vì bà Hiền vay tiền của bà Loan nhưng không trả. Sau đó Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất UBND huyện đã ra thông báo ngăn chặn theo yêu cầu của công an. Bà Hiền bức xúc: “Đây là việc làm sai luật vì công an chỉ được ngăn chặn tài sản của tôi khi đã khởi tố vụ án, trong khi việc vay mượn của tôi chỉ đơn thuần là quan hệ dân sự. Phía bà Loan cũng đã khởi kiện tôi ra tòa dân sự thì làm sao nói tôi có dấu hiệu lừa đảo để ngăn chặn việc chuyển nhượng đất của tôi…”.

Bà Hiền trưng ra hồ sơ thể hiện ngày 13-1, con gái bà Loan đã đứng đơn khởi kiện bà để đòi số tiền trên. Ngày 24-2, TAND huyện Lấp Vò ra quyết định công nhận sự thỏa thuận thành giữa hai bên ghi nhận việc bà Hiền tự nguyện trả nợ. Cũng theo bà Hiền trong khoảng thời gian này, ngày 16-1, công an huyện đã mời bà Hiền lên trả lời bằng miệng rằng quan hệ vay mượn tiền trên là quan hệ dân sự. Do vậy không có cơ sở để xử lý hình sự bà Hiền.

Tuy nhiên, về công văn ngăn chặn chuyển dịch tài sản nêu trên thì công an không đả động đến khiến tài sản thuộc quyền sử dụng hợp pháp của bà Hiền cho đến nay vẫn bị phong tỏa, không thể chuyển nhượng.

“Rõ ràng công an đã hình sự hóa quan hệ dân sự nhưng họ cố tình không thừa nhận sai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của tôi. Trong lúc khó khăn, gia đình tôi cũng muốn bán đất để trang trải nợ nần và các khoản khác nhưng lại vướng công văn ngăn chặn trên. Tôi đã nhiều lần liên hệ với cơ quan công an nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Các cơ quan chức năng phải trả lại quyền lợi hợp pháp của tôi” - bà Hiền nói.

Phía cơ quan công an cho biết họ đang xem xét xử lý vụ việc của bà Hiền.

THANH TÙNG

 

Công an đã lạm quyền

Việc công an huyện đề nghị cấm chuyển nhượng tài sản của bà Hiền khi chưa (hoặc không) khởi tố vụ án là hoàn toàn sai luật, lạm quyền và có dấu hiệu không bình thường. Bởi Điều 142, 143, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định chỉ khi có đủ căn cứ xác định đó là tội phạm và khởi tố vụ án thì cơ quan điều tra mới được tiến hành các biện pháp như yêu cầu ngăn chặn để đảm bảo không bị tẩu tán. Điều này nhằm tránh việc kê biên sai, thiếu căn cứ thiệt hại cho đương sự. Đằng này mới chỉ tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm mà đã yêu cầu ngăn chặn ngay là vượt quá thẩm quyền luật cho phép. Ngoài ra, khi xác định chỉ là quan hệ dân sự thì phải đề nghị cơ quan đã ngăn chặn hủy ngay quyết định, thậm chí còn phải xin lỗi và nếu có thiệt hại thì phải bồi thường cho bà Hiền. Đằng này công an huyện lại tiếp tục “treo”  việc ngăn chặn là sai chồng sai. Bà Hiền có quyền khởi kiện ra TAND huyện yêu cầu công an cùng cấp hủy bỏ ngăn chặn và bồi thường thiệt hại nếu có.

TS NGUYỄN DUY HƯNG, Trưởng khoa Luật, Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm