Chữ hiếu khi nào cũng cần

Một số người có thể nghĩ rằng người già chỉ cần có nơi để ở và có đủ cơm ăn ngày ba buổi là được. Hoặc đơn giản hơn một số người có thể mơ hồ cho rằng người già chẳng có nhu cầu bao nhiêu về điều này hay điều khác. Tất cả những suy nghĩ kiểu như trên đều là không đúng.

Đừng đổ lỗi cho thời gian

Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy con người có thể giảm tuổi thọ, hoặc có thể dễ mắc các loại bệnh tật khác nhau cả về thể trạng lẫn tâm lý/tâm thần nếu thiếu vắng sự yêu thương, quan tâm của người khác, nhất là những người thân thuộc và có ý nghĩa với mình.

Đôi lúc, với một số người già, rất có thể họ đã “chọn” giải pháp ít bộc lộ các nhu cầu của mình do tự thấy hoặc do thực tế cho thấy họ không còn khả năng “kiểm soát tình hình” hoặc không còn sự ảnh hưởng trên con cái. Điều đó có thể đã kéo theo việc họ bị đẩy vào trong tình trạng cô đơn và bị lãng quên.

Chữ hiếu khi nào cũng cần ảnh 1

Người già luôn cần sự chăm sóc về tinh thần với thái độ ân cần của con cháu. Ảnh: HTD

Thường người già chẳng quan trọng mấy chuyện ăn uống mà điều họ cần là sự chăm sóc, là những mối liên hệ, là những cuộc trò chuyện, là thái độ ân cần…

Một số người vì mải mê làm ăn, hoặc đôi khi chỉ vì không có thói quen nói chuyện, bày tỏ sự quan tâm đến cha mẹ nên có thể gặp khó khăn trong việc dành thời gian và sự yêu thương khi cha mẹ đến tuổi già. Sự thật, chẳng có gì có thể biện minh được cho việc không dành đủ thời gian và sự quan tâm cho những người thân yêu của mình.

Thay vì thuê và khoán toàn bộ việc chăm sóc cha mẹ già cho người giúp việc, con cái hoàn toàn có thể tranh thủ chút thời gian để ngồi bên cạnh, hỏi han đôi điều, nghe cha mẹ già kể về chuyện gia đình tổ tiên, mang đến một ly nước… Chính những điều rất nhỏ và đơn giản này có thể bù đắp được sự thiếu hụt trống vắng tình cảm nơi cha mẹ già.

Chữ hiếu không thay đổi

Nếu một người làm một công việc vì sự yêu thích và say mê, hay cảm thấy có ý nghĩa, có giá trị thì họ sẽ đạt được thành quả cao nhất cùng với sự thỏa mãn và hài lòng nhất. Ngược lại, nếu chỉ thực hiện một công việc “cho xong trách nhiệm” thì thành quả sẽ không đạt được tối đa, mà cảm xúc hài lòng cũng khó có thể đạt được trong việc chăm sóc cha mẹ già nói riêng hoặc chăm sóc những người thân trong gia đình nói chung.

Chẳng có thời đại nào hoặc chẳng có sự phát triển và tiến bộ nào của xã hội mà lại đi đến việc xem thường hoặc lãng quên những bậc đã sinh thành và dưỡng dục chúng ta. Hẳn nhiên, mỗi thời đại, mỗi hoàn cảnh của từng cá nhân sẽ khác nhau trong việc báo hiếu nhưng cái cốt lõi vẫn là đáp ứng những nhu cầu của cha mẹ già bằng tình yêu thương và quan tâm vô điều kiện.

Giá trị của con người không đơn giản là làm ra tiền, mà chính yếu là sự liên hệ và sống với nhau. Cha mẹ già có thể không còn tiền, còn quyền để lo cho con cái, nhưng nếu tính một cách sòng phẳng thì họ là người đã bỏ tiền và bỏ quyền… để dưỡng dục chúng ta thành người.

Phải biết “xóa nợ”

Trong một số gia đình, con cái có thể đã không có được một sự giáo dưỡng hoặc chăm sóc tốt từ cha mẹ của mình. Những bậc cha mẹ ấy khi về già thường phải nhận lại “hậu quả” từ sự thiếu quan tâm và thiếu yêu thương con cái khi còn nhỏ. Điều khó khăn cho con người là ở đây.

Có thể có cách lập luận khi cha mẹ không dành đủ sự yêu thương và quan tâm đến con cái khi chúng còn nhỏ, thì cha mẹ đã tạo ra một “món nợ” đối với đứa con. Đổi lại là đến khi già họ phải trả lại món nợ ấy. Thế nhưng cuộc đời nhân bản của con người không thể tính toán lạnh lùng như thế được, vì dù sao chúng ta vẫn luôn được điều tiết bởi một cuộc sống đạo lý và luân lý. Trong trường hợp này, đứa con đôi lúc phải nhìn nhận lại  và ý thức rằng con người luôn cần đến sự tha thứ, nôm na là con cái cần phải xem xét để “xóa nợ” cho cha mẹ.

NGÔ MINH UY, Giám đốc Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Sông Phố

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm