“Chọc ngoáy” chốn công sở

Có lẽ vì nghĩ “lời nói gió bay” nên nhiều người cứ vô tư đưa chuyện của thiên hạ mà không cần biết những lời thì thầm to nhỏ của họ trong công sở chẳng khác gì mũi tên vô hình làm đau lòng đồng nghiệp.

Khác biệt là một cái “tội”

Nam Giang, nhân viên tư vấn luật cho một công ty bất động sản là người rất điển trai nhưng lại gặp khó khăn trong việc làm thân với các đồng nghiệp nữ chỉ vì “tội” mặc áo chống nắng và đeo khẩu trang khi ra đường. Anh kể: “Mình bị dị ứng với ánh mặt trời, nếu để chỗ da thịt nào hở ra trong cái nắng mùa hè thì tối về nổi mẩn lên ngay. Giải thích bao nhiêu lần là vì dị ứng mà mình buộc phải ăn mặc như ninja chứ không vì sợ da đen như các chị em nhưng vẫn bị đồng nghiệp nhìn như người từ sao Hỏa xuống. Thậm chí còn rộ lên tin đồn mình là “gay”. Có hôm đang ngủ trưa thì giật thót người vì cảm giác như ai đó đang lén kiểm tra “hàng họ”. May mà lấy vợ có con sớm chứ không thì giờ ế vợ như chơi”.

Nếu như Nam Giang mắc tội “chui trong vỏ kén” thì chị Hải, một cán bộ thuộc dự án liên quan đến nông nghiệp, lại mắc “tội” quá xông xáo. Chị rất thích đầu trần chân đất đi xuống cơ sở, ba cùng với bà con. Nông dân yêu mến chị bao nhiêu thì các đồng nghiệp nhìn chị với ánh mắt nghi ngại bấy nhiêu. Chị tâm sự: “Cái gì khác biệt hình như cũng khó được chấp nhận. Hồi mới đi làm mình hăng lắm, toàn xung phong đi vùng sâu, vùng xa. Mấy bà hành chính kháo nhau: “Lương ba cọc ba đồng mà suốt ngày đi công tác, con bé này chắc moi tiền cơ sở giỏi”. Có bác nông dân quý chị quá, chả có gì cảm ơn, vác cả bao khoai nhà trồng được mang lên cơ quan biếu chị. Chị từ chối thì bác ấy tủi thân chảy nước mắt nên chị đành phải nhận. Lúc mang khoai đi chia cho các đồng nghiệp thì bản thân chị chảy nước mắt vào trong vì người ta kháo nhau chị ăn bẩn, bòn cả mấy củ khoai của những người quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.

“Chọc ngoáy” chốn công sở ảnh 1

To nhỏ nơi công sở. Ảnh minh họa: CTV

Không ưa thì dưa… có dòi

Phải làm đơn xin thôi việc hai lần chỉ vì không chịu nổi cảm giác bị cô lập trong công ty, mãi rồi chị Thảo mới hiểu ra mình mắc tội hay phát biểu trong các cuộc họp của công ty. Chị làm mảng marketing, đầu tuần nào cũng phải họp giao ban để rút kinh nghiệm, đề ra phương án tối ưu cho công việc. Nhân viên ở cơ quan chị thường thích tán chuyện ở hàng trà đá vỉa hè nhưng khi vào đến cuộc họp lại im thin thít. Sếp chị bực quá, bảo chả có cơ quan nào như cái cơ quan này, chuyện trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã thông nên ông đặc biệt trân trọng những người dám góp ý cho nhau ngay trong cuộc họp nội bộ.

Chị Thảo cười như mếu kể: “Mình dại lắm. Sếp bảo góp ý để giúp nhau cùng tiến bộ thì cứ hồn nhiên xung phong phát biểu. Trong cuộc họp, mọi người theo sếp vỗ tay rần rần nhưng về đến phòng thì không khí khác hẳn”. Những người bị chị nhắc tên trong cuộc họp quay ra tìm cách cô lập chị. Tưởng mình làm điều hay cho đồng nghiệp không ngờ lại thành ra tạo mũi tên bắn ngược vào tim mình. Làm tốt công việc, lương cao bổng nhiều mà cuối cùng chị Thảo vẫn phải viết đơn xin thôi việc vì chẳng còn chút hứng thú bước chân vào một nơi mà đồng nghiệp nhìn mình như… con bệnh.

Không bị “vạ miệng” như chị Thảo nhưng Vân Anh, nhân viên lễ tân của một công ty tài chính, lại mắc tội “không biết ăn mặc thế nào cho phải”. Cô tâm sự: “Em học hành ít nên tự biết thân biết phận, có được chỗ làm là mừng lắm rồi, chả bao giờ dám mở lời trong các cuộc bàn tán của mọi người. Vậy mà cũng chả yên thân. Hồi mới đi làm, em xin tiền mẹ sắm một loạt váy áo. Nghĩ mình là lễ tân, phải ăn mặc lịch sự cho đẹp mặt công ty, ai ngờ bị mấy chị sồn sồn soi mói khiếp quá. Các chị ấy bảo lương lễ tân ba cọc ba đồng, lấy đâu ra tiền mà thời trang thời treo quá trời thế kia. Đào mỏ của trai thì mới có! Giám đốc động viên em ăn mặc đẹp mà nhân viên lại nhìn em như quả bom sexy khiến cho em mặc đẹp thì có tội với các chị, mà mặc xấu thì có lỗi với sếp. Haizz! Như đứng giữa ngã ba đường!”.

Xem ra để làm vừa lòng “dư luận” thật không dễ chút nào. Với một người từng trải qua khá nhiều cơ quan như chị Thảo, kinh nghiệm để có thể yên vị ở một chỗ là phải học theo bộ khỉ tam không: không nghe (điều xấu), không nhìn (cái xấu), không nói (lời xấu). Có như thế, may ra mới khỏi bị cuốn vào vòng xoáy của những câu chuyện “bà tám” nơi công sở, những câu chuyện tưởng như vô hại nhưng lại làm đau lòng không ít người…

Người bị “dìm hàng” phải nhận thức, phải hiểu được mình ở vị trí bị ganh tị nên chuyện bị ganh tị, ganh đua là điều đương nhiên. Họ phải nhận thức được mình là ai, phải biết những giá trị mà mình đeo đuổi là gì, phải hiểu được giá trị cốt lõi của bản thân, phải hiểu người ta nói xấu mình vì họ không hiểu mình. Khi người ta có được sự tự tin, có giá trị thực thì họ sẽ không bị ảnh hưởng, bị tổn thương hoặc bị kích động vì những lời gièm pha của người khác.

ThS tâm NGUYỄN THỊ TÂM, Giám đốc Công ty Hồn Việt

SONG NHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm