Cho mượn xe công, bị phạt tới 60 triệu đồng

Từ 1-9, Nghị định 63/2019 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công chính thức có hiệu lực.

Mức phạt đối với mỗi hành vi vi phạm sẽ cao hơn nhiều so với quy định cũ.

Sử dụng lãng phí tài sản công, phạt tới 200 triệu đồng

Theo đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

Cho mượn tài sản công phạt tới 60 triệu đồng

Nếu như theo quy định cũ hành vi cho mượn tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô (không phân biệt có hợp đồng cho mượn hay không có hợp đồng cho mượn, không phân biệt thời hạn cho mượn) sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng.

Theo quy định mới thì mức phạt cho hành vi này sẽ là từ 50-60 đồng.

Tổ chức vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc hoàn trả lại tài sản cho mượn. Trường hợp tài sản đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra thì phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản. Nếu trường hợp tổ chức đó không khôi phục lại được tình trạng ban đầu của tài sản thì phải trả lại bằng tiền hoặc tài sản có công năng và giá trị sử dụng tương đương với tài sản ban đầu.

Tổ chức sử dụng xe công sai mục đích, phạt tới 20 triệu đồng

Nghị định 63/2019 nêu rõ: Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng với tổ chức giao, sử dụng ô tô công vào mục đích cá nhân, đưa đón người có chức danh không có tiêu chuẩn từ nơi ở đến nơi làm việc, phục vụ công tác cho các chức danh không có tiêu chuẩn sử dụng xe mà không được cấp có thẩm quyền phê duyệt…

Với cùng hành vi nêu trên tổ chức bị phạt từ 5-10 triệu đồng nếu giao, sử dụng tài sản là máy móc, thiết bị, tài sản khác (trừ trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô) có nguyên giá theo sổ kế toán từ 100 triệu đồng trở lên; Tài sản dưới 100 triệu mức phạt từ 1-5 triệu.

Cùng một hành vi vi phạm mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức

Không bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công phạt tới 50 triệu 

Tổ chức đã được cấp có thẩm quyền giao dự toán bảo dưỡng, sửa chữa tài sản theo quy định của pháp luật nhưng không thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tài sản dẫn đến tài sản bị hư hỏng thì sẽ bị xử phạt.

Theo đó, mức phạt cao nhất cho hành vi trên là từ 30-50 triệu đồng trong trường hợp tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên và tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cố ý làm hỏng xe công phạt tới 20 triệu

Ngoài ra, Nghị định 63/2019 còn quy định mức phạt hành chính với vi phạm trong giao, sử dụng tài sản công hoặc cố ý hủy hoại, làm hư hỏng tài sản.

Cụ thể, phạt tiền từ 1-5 triệu đồng đối với hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản là máy móc, thiết bị, tài sản khác có nguyên giá theo sổ kế toán dưới một trăm triệu đồng/một đơn vị tài sản. Nếu giá trị thiệt hại trên 100 triệu, mức phạt từ 5-10 triệu.

Trường hợp cố ý làm hư hỏng tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ôtô, mức phạt sẽ từ 10-20 triệu đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm