Chó cắn nhau, mèo gào đêm cũng kêu phường

Có những chuyện tưởng chừng như nhỏ nhặt, đơn giản, hai bên có thể tự giải quyết nhưng khi không thích thì anh em, hàng xóm vẫn kéo nhau ra phường. Điều này khiến phường đã bận trăm công ngàn việc lại càng thêm bù đầu bù cổ.

Lo xa hóa ra hại nhau

Năm trước, tại hẻm 160  đường Nguyễn Duy Dương (phường 3, quận 10, TP.HCM) có một hộ hay dẫn chó ra trước cửa nhà hóng mát. Chuyện chỉ vậy nhưng nhiều người xung quanh lại phản ánh với phường, yêu cầu hộ này phải chấm dứt việc đưa chó ra vì họ sợ rằng một ngày nào đó chó sẽ cắn người xung quanh. Câu chuyện làm cho cán bộ phường dở khóc dở cười, chủ con chó cũng hỡi ơi vì sự khắt khe của những hàng xóm.

Còn ông Q. ở đường Nguyễn Chí Thanh (phường 3, quận 10, TP.HCM) cũng vì lo xa mà khiến cho tình xóm giềng sứt mẻ ít nhiều. Chuyện là ông thấy người thuê nhà bên cạnh nấu đồ ăn trong nhà. Ông lo người này lỡ mà bất cẩn sẽ gây cháy nổ, ảnh hưởng đến khu vực nên đưa chuyện lên phường. Ông đề nghị phường làm việc với nhà bên cạnh để có phương án giải quyết. Mặt khác, phường phải có văn bản cho ông biết kết quả xử lý về trách nhiệm và mức đền bù cho các hộ nếu xảy ra sự cố.

Lãnh đạo phường 3, quận 10, TP.HCM đang tiếp xúc, hòa giải một mâu thuẫn của người dân trong phường. Ảnh: NH

Ông Huỳnh Ngọc Thông (Chủ tịch UBND phường 3, quận 10) thở dài: Phường rất đau đầu bởi những mối lo xa hơi quá của người dân. Những chuyện đó muốn xử lý cũng không biết tính sao cho vẹn. Nếu như mọi người ý thức hơn, coi trọng văn hóa cộng đồng thì chỉ cần nhắc nhở, động viên nhau là đủ. Kéo ra phường chi cho rườm rà.

Quả bấc ném đi…

Căn nhà hai tầng ở hẻm 80 đường Bà Huyện Thanh Quan (phường 9, quận 3, TP.HCM) là nơi cư trú của hộ bà P. và hộ bà H. Hộ bà P. ở tầng dưới, hộ nhà H. ở tầng trên. Cách đây không lâu, hộ bà P. sửa chữa nhà nên bà H. gửi đơn lên phường. Bà bảo hộ nhà kia làm gì việc dù nhỏ hay lớn đều phải hỏi ý kiến bà, nếu không bà thưa ngay.

Ngược lại, một thời gian sau, hộ bà H. thay đường dây cáp tivi mới tại vị trí dây cáp cũ. Sẵn ức chuyện cũ, bà P. liền đến phường yêu cầu xử lý bà H. với lý do đường dây cáp mới ảnh hưởng đến khoảng không nhà bà.

Còn ở đường Quang Trung (quận Gò Vấp, TP.HCM) có một con hẻm nhỏ là lối đi chung của ba nhà có quan hệ bà con. Nhà người cháu xây thêm bậc ngay cửa để dẫn xe ra vào. Người bác không đồng ý nên báo tổ trưởng tổ dân phố yêu cầu phá bỏ. Ít lâu sau, nhà người bác gắn máy lạnh, đặt cục nóng trồi ra ngoài hẻm. Thấy vậy, người cháu lại qua phường báo, yêu cầu người bác không được đặt tại vị trí đó vì sợ cục nóng rơi xuống ảnh hưởng người khác.

Vị hòa giải viên trong vụ này cho biết chuyện trong nhà nếu các bên khéo xử lý thì cần gì đến phường. Chỉ vì một chút không vừa lòng nhau họ lại muốn chuyện bé xé ra to khiến địa phương phải đuổi theo mướt mồ hôi.

Tức vợ vì cái quần đùi

Chuyện xảy ra ở quận Tân Phú (TP.HCM). Chồng chị A. có tính gia trưởng hay bắt vợ con làm theo ý mình. Hôm nọ, khi chị chuẩn bị đi đón con, chồng chị bảo thay quần dài, không được mặc quần đùi đi ra ngoài. Chị tức tính gia trưởng của chồng, kiên quyết không thay nên bị chồng la rầy và cho vài bạt tai.

Vị cán bộ phụ nữ phường cho biết: Dĩ nhiên là sau khi tìm hiểu, mọi chuyện được địa phương hòa giải xong. Tuy nhiên, chỉ vì cái quần, cái áo mà vợ chồng cãi vã, đánh nhau rồi đến phường là không đáng. Nếu cả hai chịu chia sẻ nói rõ quan điểm của mình thì không đến nỗi.

“Còn gia đình anh em ông T. (quận 10, TP.HCM) thì lại có mâu thuẫn khác. Hai gia đình ở chung với bố mẹ khiến hai chị em dâu cứ đụng mặt nhau rồi sinh ra tị nạnh. Cô này bảo cô kia làm việc nhà ít, mình làm nhiều khiến gia đình lục đục, hay cãi nhau. Phường đã phải chỉ đạo tổ trưởng trong khu vực tổ chức hòa giải, khuyên răn để gắn kết tình cảm anh em lại với nhau.

Những vụ như thế này, khi khu phố tổ chức hòa giải cũng đạt kết quả nhưng ít lâu sau lại tái diễn và lại tiếp tục hòa giải rất mất thời gian” - tổ trưởng khu phố ở khu vực trên cho biết.

NGUYỄN HIỀN

Cự nự nhau vì những chuyện không đâu

Phường chúng tôi cũng xuất hiện những mâu thuẫn giữa các người dân do họ nhận thức chưa tới và không có ý thức trong cuộc sống đời thường. Phường cũng rất khổ sở khi phải tiếp nhận cũng vụ khiếu kiện không đâu vào đâu. Có khi nhà người bên cạnh có đám tiệc để cái ghế lấn ra ngoài hẻm một tí, người cùng hẻm cũng gọi báo phường. Hay nhà bên này có nuôi con chó, con mèo ảnh hưởng đến họ cũng chạy lên phản ánh. Chưa hết, có khi hộ bên này đóng cây đinh xê dịch một chút thì nhà bên kia cũng làm đơn tố cáo vì sợ ảnh hưởng sau này.

Nếu xét về mọi mặt thì chỉ cần các bên tự ngồi lại nói chuyện là ổn nhưng họ lại không làm thế mà cứ kéo lên phường. Dù những khiếu nại của người dân nhỏ hay lớn phường cũng phải hòa giải, giải quyết để giữ ôn hòa giữa những người dân. Điều này khiến cho công việc của phường đã nhiều càng thêm nhiều, cán bộ phường quá tải…

Ông HOÀNG VĂN SINH, Chủ tịch UBND phường 1,
quận 10, TP.HCM

Hãy đồng cảm, chia sẻ

Trong cuộc sống, mọi người thường hay có thói xấu là soi mói, tìm tòi những điểm khác nhau giữa mình với người khác rồi sinh ra đố kỵ, ghen ghét. Thay vì tìm điểm khác nhau, mọi người hãy thử tìm những điểm mà người khác giống mình để đồng cảm, chia sẻ với nhau. Mỗi người nên học cách sống từ bi để rộng lượng bỏ qua những lỗi lầm của người khác. Lấy niềm vui của người khác làm niềm vui của chính mình. Lấy nỗi đau của người khác làm nỗi đau của mình để thấu hiểu và có cách ứng xử tốt hơn.

ThS, chuyên gia tâm lý  TRẦN HỮU ĐỨC

Chó cắn nhau mà ra phường là không đáng

Chuyện nhà người này vứt rác nhà bên cạnh hay chó nhà này cắn chó bên kia rồi cũng chạy đến phường là không đáng. Nếu cứ xử lý hoài sẽ dẫn đến tiền lệ xấu. Nếu mọi người nêu cao văn hóa cộng đồng và thực hiện theo phương châm hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau thì tôi tin mâu thuẫn xóm giềng sẽ giảm. Đã sống chung trong một cộng đồng thì mọi người nên gắn bó với nhau, một khi có tình cảm tốt thì mọi chuyện nhỏ như vậy có thể dễ dàng bỏ qua cho nhau.

Ông HUỲNH NGỌC THÔNG, Chủ tịch UBND phường 3,
quận 10, TP.HCM

Giải quyết nhanh sẽ có hiệu quả

Thường thì khi xảy ra mâu thuẫn người dân chạy ngay đến ủy ban, công an phường để nhờ giải quyết vì họ nghĩ nơi đây mới có đủ thẩm quyền. Phường cần tiến hành ngay việc xác minh từ tổ trưởng, trưởng khu phố để nắm được tình hình và sau đó giao cho các cán bộ chuyên trách xử lý.  Việc xử lý ngay những phản ánh của người dân rất quan trọng vì nếu kéo dài càng lâu thì mâu thuẫn trong dân càng nhiều hơn, việc hòa giải sẽ không được kết quả cao.

Ông TRẦN KHÁNH LINH, Chủ tịch UBND phường 5, 
quận 3, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm