"Chiếc xe máy ấy đã đụng chết anh tôi..."

Ngày 23-6-2015, một ngày đen tối, đau thương, tang tóc bao trùm lên gia đình tôi. Anh tôi là Trương Mạnh Hùng, sinh năm 1966 đột ngột qua đời sau một tai nạn giao thông (TNGT).

Đã hơn một năm trôi qua, tôi vẫn chưa lúc nào nguôi thương nhớ người anh tội nghiệp của mình. Anh là người thiệt thòi nhất trong năm anh em. Bị sốt bại liệt lúc chín tháng tuổi, anh mãi mãi phải gắn cuộc đời mình với đôi chân tật nguyền.

Tôi vẫn nhớ như in buổi tối hôm đó. Khoảng 19 giờ 30, tôi đang hướng dẫn học viên lái xe thì anh cả gọi điện thoại hốt hoảng: “Thằng Hùng chết rồi”. Tôi thảng thốt: “Hùng nào…?”. “Hùng nhà mình chứ Hùng nào. Bị tông xe”.

Tôi như bị sét đánh vào giữa đầu, trong tâm trạng nửa mê nửa tỉnh. Sáng hôm sau, rất đông người đứng ngồi từ ngoài sân vào nhà. Anh tôi nằm đó, bên cạnh là chị dâu và hai đứa con anh đang vật vã kêu khóc gọi: “Bố ơi, dậy đi mà!”. Mẹ tôi ngồi rũ rượi một mình trong góc bếp, “Thằng Hùng nó chết thật rồi con. Hồi nhỏ nó đã từng hai lần tưởng chết trên tay mẹ thế mà nó vẫn sống, nhưng lần này nó bỏ mẹ đi thật rồi, con ơi!”.

Nhóm thanh niên chạy xe với tốc độ cao gây tai nạn trên đường Võ Văn Kiệt (quận 6, TP.HCM). Ảnh: HOÀNG GIANG

Gia đình chúng tôi quyết định đưa anh ra đồng ngay chiều hôm đó. Bởi không thể kéo dài thêm do hai đứa con anh cứ vừa khóc vừa gọi bố, không ai cầm lòng được.

Anh tôi là người khuyết tật. Anh đã vượt lên số phận học đến trung cấp tài chính ở Quảng Ngãi. Sau anh làm chủ một doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn. Anh tự mày mò lắp ráp chiếc xe ba bánh để tiện đi lại, giao dịch. Trời thương, duyên đến, anh lấy vợ và sinh được hai đứa con gái. Đứa lớn đang học lớp 7, đứa nhỏ học lớp 1.

Chiều hôm đó anh tôi đi đón hai đứa con đi học về thì bị một thanh niên chạy xe tốc độ cao lao thẳng vào xe mình. Anh bị gãy cổ, gãy sườn, gãy tay, gãy chân và chết tại chỗ. Lúc đó anh chưa đón con chứ nếu đã gặp con và chở hai đứa nhỏ trên xe thì không biết hậu quả còn thảm thiết thế nào. Thanh niên gây tai nạn được xác định mới 17 tuổi, đã uống rượu và mượn xe máy để lao đi mua rượu về uống tiếp.

Anh tôi mất đã hơn một năm rồi, vậy mà cả gia đình tôi vẫn đau đớn, nhớ thương anh chưa lúc nào nguôi. Tôi đã từng nhiều năm lái xe, từng chứng kiến, từng viết phân tích cho nhiều vụ TNGT. Có những lúc tôi tưởng mình đã thấm tận cùng mọi nỗi đau khổ trên đời nhưng không phải thế. Chỉ khi người anh thân yêu của tôi mất đi, tôi mới cảm nhận hết tột cùng của nỗi đau đớn ấy. Mẹ tôi 87 tuổi rồi, phải chứng kiến con trai của mình mất đi nên hơn một năm nay cứ vật vã liêu xiêu. Chị dâu tôi và cả hai đứa con gái nhỏ đột ngột mất chồng, mất cha. Tôi nhiều đêm dài nằm suy nghĩ, không bao giờ hiểu hết nỗi đau, nỗi mất mát lớn lao ấy trong chị, trong hai đứa cháu. Đau thương biết bao giờ mới vơi đây?

Bao nhiêu cuộc đời đã thay đổi, phải gánh chịu nỗi đau từ vụ tai nạn ấy?

Cục CSGT vừa công bố số liệu TNGT và số người chết do TNGT năm 2016. Tôi viết bài viết này với mong ước rằng mọi người ơi hãy lái xe chậm, biết quan sát và biết nhường nhịn nhau. Đừng để vì mình mà những người khác phải bị thương hay mất mạng, tệ hơn là chính mình phải nằm xuống. Đó như một lời cầu xin của tôi và gia đình tôi - đã và đang hứng chịu hậu quả của TNGT.

Năm 2016 có hơn 21.500 vụ TNGT làm chết gần 8.700 người. Trong đó, tai nạn do xe máy chiếm hơn 65%.

(Theo Cục CSGT đường bộ - đường sắt)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm