Chế tài người nhận quà biếu sai luật

Lần đầu tiên báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội có nói đến việc hơn 200 cán bộ, công chức nộp lại quà biếu. Mặc dù chưa rõ động cơ của người tặng quà biếu nhưng cử tri vẫn xem đây là nỗ lực lớn của cơ quan thẩm quyền để đưa Luật Phòng, chống tham nhũng đi vào cuộc sống.

Tặng quà là một hành vi văn hóa tốt đẹp nhưng thường bị lợi dụng, biến tướng bởi những kẻ có tâm địa đen tối. Thời xưa, Lã Bất Vi ở bên Tàu bắt đầu từ việc tặng quà mà sau này “được cả thiên hạ”. Những Lã Bất Vi thời hiện đại như Năm Cam, Lã Thị Kim Oanh... cũng bắt đầu từ chuyện quà cáp thân tình để làm những chuyện động trời, rắp tâm lũng đoạn bộ máy công quyền nhằm trục lợi. Để đề phòng, ngăn chặn từ xa, quy chế đạo đức công vụ của hầu hết các nước đều có những quy định chi tiết về việc tặng quà, nhận quà biếu.

Thí dụ, “Những điều không cho phép đối với cán bộ Đảng, chính quyền cấp huyện, cấp phòng trở lên ở Trung Quốc” có quy định: “Không cho phép trong hoạt động việc công mà nhận lại những tặng vật (tiền, vàng) và các loại ngân phiếu, không cho phép nhận của đơn vị trực tiếp thuộc cấp dưới các loại thẻ tín dụng, không cho phép nhận tham dự các buổi tiệc có khả năng ảnh hưởng đến việc chấp hành công vụ khi quan hệ với cá nhân và các đơn vị”.

Ở Malaysia, quy định về “tư cách đạo đức và chế độ kỷ luật của công chức” nêu rõ: “Khi có những tình huống gây khó xử cho công chức để từ chối nhận một món quà hoặc vật kỷ niệm có giá trị mà việc nhận đó đã bị quy định này cấm, công chức được tiếp nhận nhưng phải trình một báo cáo, một văn bản lên thủ trưởng ngành trong thời gian sớm nhất. Văn bản phải miêu tả đầy đủ, ước lượng giá trị của món quà cũng như tình huống nhận quà và thủ trưởng ngành sẽ chuyển tiếp văn bản cùng với ý kiến của mình cho cơ quan thẩm quyền. Trong khi chờ quyết định của cơ quan thẩm quyền, công chức có trách nhiệm bảo quản an toàn món quà đó. Phần cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét, cho phép công chức giữ lại quà; hoặc chỉ thị rằng món quà đó phải được trả lại cho người tặng”.

Ở nước ta, Luật Phòng, chống tham nhũng nói rõ: Người có chức vụ, quyền hạn không được nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến công việc mà mình giải quyết; không được chi tiền công quỹ cho việc tặng quà hoặc chia cho cán bộ, công chức.

Thực ra, những hạn chế này vẫn còn có khoảng cách so với thực tế cuộc sống muôn hình vạn trạng, phong phú và cực kỳ tinh vi. Lúc đầu tôi tặng quà cho anh nhân những dịp rất hợp lý, không hề “liên quan đến công việc anh đang xử lý, giải quyết”. Nhưng dần dần “mưa dầm thấm lâu”, các món quà trên kể cả “dưới mức tình cảm” đã thắt chặt tình thân giữa hai bên và đến lúc đó thì đối tượng ra tay! Những kẻ này đánh trúng tâm lý nguời Việt ta rất nặng tình nghĩa, ân tình, duy tình hơn duy lý; quan chức thường đem tình nghĩa, ơn nghĩa vào xử lý công vụ.

Mấy năm gần đây, mỗi độ năm hết Tết đến, Thủ tướng đều có chỉ thị cấm tặng nhận quà. Có ý kiến cho rằng trong chuyện biếu xén, nhận quà biếu, tiệc tùng lãng phí... cán bộ, công chức phải có ý thức chấp hành thường xuyên, không đợi Thủ tướng phải nhắc nhở bằng chỉ thị. Ngoài ra, những việc như vậy cần được quy chế hóa, luật hóa rõ ràng, cụ thể, có biện pháp chế tài để mọi người phải chấp hành.

DIỆP VĂN SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm