“Cháu chuẩn bị vào học rồi nha chú bộ đội”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cứ mỗi buổi sáng, tại Trung tâm Huấn luyện cảnh sát cơ động ở quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng (hiện là khu cách ly (KCL) tập trung), Thượng úy Nguyễn Tống Khiêm thuộc Hải đội 2, Bộ đội biên phòng (BĐBP) TP Đà Nẵng, lại mang cơm cho bé Lê Văn Thành Nghĩa ở phòng A214.

Anh Lê Xuân Lộc (cha bé Nghĩa) cho biết cả gia đình anh vào đây cách ly. Sau đó vợ chồng anh và chị gái bé Nghĩa bị dương tính nên được đưa đến bệnh viện điều trị, chỉ còn lại một mình bé Nghĩa ở KCL.

Thượng úy Nguyễn Tống Khiêm (phải) tranh thủ nghỉ ngơi cùng đồng đội 
trong lúc làm nhiệm vụ. Ảnh: NVCC

Nhìn con tự giặt đồ thấy mà thương

Thượng úy Nguyễn Tống Khiêm cho biết hoàn cảnh của bé Nghĩa hết sức đặc biệt trong KCL này. Cha mẹ và chị gái đều là F0 nên chỉ còn một mình bé Nghĩa ở lại tiếp tục cách ly. Những ngày này, bé Nghĩa và các chiến sĩ biên phòng đã trở thành những người bạn. Sau mỗi lần làm nhiệm vụ, thay vì về phòng nghỉ ngơi, anh Khiêm lại tranh thủ đến chỉ bé cách giặt quần áo hoặc đứng từ xa tám chuyện để bé bớt buồn.

Nghĩa mới 10 tuổi nhưng tự giác và rất hiểu chuyện. Không có ai nhắc nhở nhưng mỗi ngày bé đều dậy sớm, vệ sinh cá nhân, tập thể dục rồi ngồi ăn sáng. Biết hoàn cảnh của bé Nghĩa, mọi người trong KCL rất thương và quý bé, người cho sữa, người cho bánh kẹo, nước cam. Mọi người cũng thay nhau trông chừng, sợ bé Nghĩa lên cơn sốt vào mỗi đêm.

“Tuy có kết quả âm tính nhưng nguy cơ Nghĩa mắc COVID-19 là rất cao. Nếu chuyển sang ở cùng những người khác hoặc cho tình nguyện viên vào chăm thì chắc chắn không đảm bảo nên đành để con ở một mình. Có những hôm tôi đứng ngoài cửa nhìn con tự giặt đồ, thấy thương mà không biết phải làm sao” - anh Khiêm cho hay.

Theo anh Khiêm, nếu may mắn không mắc bệnh, khoảng 10 ngày nữa bé Nghĩa sẽ được về nhà. Anh đã liên hệ với cô giáo chủ nhiệm, cài phần mềm và chuẩn bị bút, vở để hỗ trợ bé học trực tuyến trong những ngày này.

Theo lịch thì bé Nghĩa bắt đầu học trực tuyến từ hôm nay (7-9), một tuần ba buổi. Trước ngày khai giảng, bé Nghĩa cũng đã có buổi làm quen với cô giáo và các bạn. Bé Nghĩa vui lắm, cô giáo vừa gửi link lớp học là bé đã gọi điện thoại hí hửng khoe với anh: “Cháu chuẩn bị vào học rồi nha chú bộ đội”.

Trao đổi với PV, cha bé Nghĩa cho biết anh đã rất lo lắng khi ba người trong gia đình bị dương tính với SARS-CoV-2, phải đi điều trị để bé Nghĩa một mình ở KCL.

Biết chuyện, anh Khiêm đã đến phòng chia sẻ, động viên gia đình và hứa những người lính biên phòng đang làm nhiệm vụ tại đây sẽ thay anh quan tâm, chăm sóc bé Nghĩa như con của mình.

“Tôi đã khóc khi nghe lời hứa và thấy được sự chân thành của anh Khiêm cũng như các chiến sĩ bộ đội ở đây. Họ không màng cực khổ, nguy hiểm để chăm lo cho những người trong KCL cũng như bé Nghĩa. Gia đình tôi rất yên tâm khi đi điều trị. Cám ơn mọi người rất nhiều” - cha bé Nghĩa chia sẻ.

Nỗ lực hết mình vì dân

Hiện KCL tập trung tại Trung tâm Huấn luyện cảnh sát cơ động có gần 80 người, chia làm hai khu vực riêng gồm người về từ vùng dịch và các F1 tại Đà Nẵng. Ngoài lực lượng y tế còn có 16 cán bộ, chiến sĩ BĐBP TP Đà Nẵng đang làm nhiệm vụ tại đây từ nhiều tháng qua.

Hằng ngày các chiến sĩ đều đặn chuyển từng hộp cơm nóng hổi đến từng phòng, quét dọn vệ sinh, đi kiểm tra để đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Theo anh Khiêm, người cách ly ở đây chủ yếu cùng gia đình nên mọi người cũng tiện chăm sóc cho nhau. Đối với các phòng có người già, trẻ em hoặc phụ nữ mang thai thì các anh cũng tạo điều kiện và giúp đỡ để người dân yên tâm trong thời gian cách ly.

“Không chỉ mình, mà rất nhiều anh em ở đây đều lâu rồi chưa được về nhà. Ai cũng nhớ gia đình nhưng mọi người đều quyết tâm gác sang một bên, nỗ lực hết sức để phục vụ, hỗ trợ người dân trong lúc dịch bệnh căng thẳng” - anh Khiêm nói.

Đại tá Đỗ Văn Đông, Chính ủy BĐBP TP Đà Nẵng, cho biết từ khi dịch bùng phát tại Đà Nẵng, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã lên đường làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch trên đường, cửa ngõ ra vào TP, cảng cá, phục vụ tại các KCL tập trung. Trong đó, nhiều người có hoàn cảnh đặc biệt như cha mẹ đau ốm, vợ mới sinh, có anh lính trẻ sẵn sàng hoãn cưới để nhận lệnh làm nhiệm vụ với trách nhiệm cao nhất.

“Về hoàn cảnh của bé Nghĩa trong KCL, tôi cũng đã chỉ đạo, động viên anh em trong KCL thường xuyên quan tâm, giúp đỡ bé như con của mình để bé vững tâm trong thời gian xa cha mẹ” - Đại tá Đông nói.•

 

Tấm lòng của những người lính với nhân dân

Trong KCL thì mỗi người một hoàn cảnh. Bởi vậy ngoài chăm lo điều kiện ăn ở, các chiến sĩ cũng luôn chủ động làm công tác tư tưởng để người dân yên tâm. Mỗi khi thấy ai quá khó khăn, những người lính lại cùng nhau góp một chút tiền để hỗ trợ sau khi họ hoàn thành cách ly. Hàng trăm suất quà cũng được các anh gửi đến cho những trường hợp khốn khó trong lúc dịch bệnh.

Có những mảnh đời khó khăn như vợ chồng đều là lao động phổ thông, nhà cửa xập xệ, các chiến sĩ nắm được tình hình đã đến tận nơi chia sẻ, giúp đỡ. Phần quà có khi chỉ là vài cân gạo, một ít nhu yếu phẩm thiết yếu nhưng đó là tấm lòng của những người lính với nhân dân.

Đại tá ĐỖ VĂN ĐÔNG, Chính ủy BĐBP TP Đà Nẵng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm