‘Chặt chém du khách’: Một đi không trở lại

Ngày 3-8, vụ việc ông cụ Oki Toshiyuki (83 tuổi, du khách Nhật Bản) đã phải chi trả 2,9 triệu đồng cho một cuốc xích lô 5 phút dạo quanh TP.HCM đã gây nên làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng.

Chuyện này không mới nhưng nếu không quyết liệt ngăn chặn thì đây chính là mối nguy lớn cho nền du lịch nước nhà.

Biết giá trước vẫn bị “chặt chém”

Anh Võ Hoàng Tâm, giảng viên khoa Luật Trường ĐH Cần Thơ, kể lại với chúng tôi một kinh nghiệm rút ra từ chuyến du lịch mới đây của mình.

“10 người chúng tôi vào ăn lẩu, cửa hàng không niêm yết giá, vì vậy chúng tôi hỏi giá trước khi ăn, chủ cửa hàng bảo 200.000 đồng/người, như vậy nồi lẩu có giá là 2 triệu đồng. Chúng tôi bỏ đi ra, chủ cửa hàng kêu lại và tính giá 100.000 đồng/người, chúng tôi tiếp tục đi, chủ cửa hàng tiếp tục kêu lại và tính giá 50.000 đồng/người, chúng tôi vẫn đi. Kinh nghiệm được rút ra là nếu không có giá rõ ràng thì tốt nhất bạn đừng bao giờ mua hàng hóa hoặc sử dụng dịch vụ” - anh Tâm nói.

Thế nhưng cho dù biết giá rồi thì việc “chặt chém” vẫn diễn ra. Chia sẻ với PV báoPháp Luật TP.HCM, chị Jimny Thúy Hạnh (31 tuổi, Việt kiều Canada) cùng chồng là anh David Francis (35 tuổi, quốc tịch Canada) vẫn chưa hết những bực dọc trong chuyến du lịch đến Việt Nam (VN) lần này.

“Tuần rồi hai vợ chồng tôi đi ăn ở một tiệm nhỏ trên đường Võ Văn Tần (quận 3, TP.HCM), chúng tôi chỉ gọi hai phần cơm gà nhưng phải trả đến gần 400.000 đồng dù giá để trên menu chỉ 75.000 đồng/đĩa. Chúng tôi không dùng gì thêm ngoài hai món đã ghi sẵn và chụp ảnh trên thực đơn” - chị Hạnh kể lại.

Theo chị Hạnh, trong quá trình đi lại, mua sắm, vợ chồng chị đã phải trả số tiền cao hơn mức giá được bán cho người dân địa phương. Sự đắt đỏ có lẽ từ cái mác Việt kiều, ngoại quốc.

“Khi chúng tôi đi dạo xung quanh TP, có rất nhiều người bán hàng rong níu kéo chúng tôi mua hàng của họ. Nếu chúng tôi không mua thì cứ bị làm phiền, nếu mua thì họ lại bán với giá cao hơn rất nhiều khi họ bán cho người Việt khác. Tại sao người nước ngoài thì phải trả giá cao hơn, điều này là không công bằng” - anh David Francis bày tỏ bức xúc.

Thành phố cần tuyên truyền cho đội ngũ xích lô, người bán hàng rong, tiểu thương… để không còn nạn “chặt chém” khách du lịch. Ảnh: HTD

Cần có cơ chế bảo vệ du khách

Trước tình trạng nhiều du khách bị “chặt chém”, hét giá khi tham quan, du lịch, TS Trương Hoàng Phương, thành viên Ban nghiên cứu sản phẩm du lịch, Hiệp hội Du lịch TP.HCM, bày tỏ cảm thấy vô cùng phẫn nộ về cách hành xử của một bộ phận người bán hàng thiếu văn minh.

1087 là số điện thoại của tổng đài thông tin du lịch để tiếp nhận và chuyển xử lý thông tin, cung cấp các số hotline của các đơn vị hành chính cho khách du lịch. Đường dây nóng 028.38234056 của Thanh tra Sở Du lịch tiếp nhận các thông tin phản ánh về công tác thanh tra, an ninh trật tự trong du lịch. 

“Việc “chặt chém”, hét giá, chửi bới du khách khiến ngành du lịch VN trở nên xấu xí trong mắt bạn bè quốc tế. Điều này luôn mang lại tâm lý bất an cho du khách” - TS Trương Hoàng Phương nói.

Vấn nạn trên xuất phát từ chính sự thiếu ý thức và đạo đức của người bán. Lợi dụng tâm lý chủ quan, không thông thạo về giá cả, sản phẩm bản địa của du khách, người bán dễ dàng thổi phồng mức giá. Khi người mua có thắc mắc sẽ nhận lại sự thiếu thiện cảm, đe dọa, thách thức. Những du khách quốc tế thường là đối tượng dễ bị “chặt chém” nhiều nhất.

Trước tình trạng này, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, các công ty du lịch cần có sự tư vấn, hướng dẫn cho du khách về cách tránh bị “chặt chém”. 

 “Khách quốc tế tìm đến VN không phải chỉ vì phong cảnh, ẩm thực mà còn vì văn hóa, con người VN. Những hình ảnh xấu xí về con người VN là một trong những lý do khiến nhiều du khách nước ngoài một đi không trở lại” - TS Trương Hoàng Phương bày tỏ.

Tạm giữ hình sự người chạy xích lô “chặt chém” khách Nhật

‘Chặt chém du khách’: Một đi không trở lại ảnh 2
Ông Phạm Văn Dũng

Công an quận 1, TP.HCM đã ra quyết định tạm giữ hình sự với ông Phạm Văn Dũng (49 tuổi, quận 4), nghi can trong vụ chạy xích lô “chặt chém” du khách Nhật 2,9 triệu đồng, để điều tra về hành vi cướp giật tài sản. “Chúng tôi đang củng cố hồ sơ để xử lý. Quan điểm của chúng tôi là phải xử lý nghiêm tình trạng “chặt chém” du khách” - nguồn tin cho hay. Tối 6-8, nguồn tin cho biết như trên.

Trước đó Công an quận 1 cho biết dù chưa nhận được đơn trình báo của bị hại nhưng ngay khi tiếp nhận thông tin, lãnh đạo quận đã chỉ đạo Đội Cảnh sát hình sự Công an quận 1 nhanh chóng rà soát, xác minh làm rõ vụ việc. Chỉ trong thời gian ngắn, trinh sát hình sự quận 1 đã nhanh chóng xác định được người này và vận động Dũng ra trình diện vào tối 5-8.

Ông Dũng khai sáng 3-8 đang đạp xích lô tại Công trường Mê Linh (quận 1) thì thấy một du khách cao tuổi người nước ngoài vẫy xích lô yêu cầu về khách sạn Riverside (đường Tôn Đức Thắng, quận 1).

Ông Dũng chở khách tới khách sạn, lấy tiền công 500.000 đồng rồi xin thêm. Lúc ông này mở ví, thấy vị du khách đã già, chậm chạp, trong ví nhiều tiền nên ông Dũng tự cầm lấy bóp lấy thêm 2,4 triệu đồng. Tổng cộng Dũng đã lấy của vị du khách 2,9 triệu đồng cho cuốc xích lô 5 phút.

NGUYỄN TRÀ

Đủ kiểu cướp tiền du khách

- Cuốc xe 200.000 đồng, lấy 800.000 đồng. Đầu tháng 7 vừa qua, một tài xế ô tô chạy dịch vụ taxi công nghệ ở TP.HCM đã thỏa thuận giá chặng đi với một du khách quốc tế vừa đến TP.HCM là 200.000 đồng. Tuy nhiên, khi đến nơi thì tài xế đã lấy của khách 800.000đồng. Tiếp nhận thông tin, Trung tâm thông tin và hỗ trợ khách du lịch thuộc Trung tâm Xúc tiến du lịch TP.HCM vào cuộc xác minh, phối hợp với các cơ quan chức năng truy tìm và thu hồi toàn bộ tiền trả lại cho khách.

- Lái xe xích lô trả tiền âm phủ cho khách nước ngoài. Tháng 7-2018, hai du khách người Pháp thuê người lái xích lô chở đi dạo Hà Nội trong vòng 1 giờ với giá 600.000 đồng. Kết thúc chuyến đi, hai du khách người Pháp đưa cho người đạp xích lô 1,5 triệu đồng. Sau đó, người lái xích lô thối lại cho họ 900.000 đồng (một tờ 500.000 đồng và hai tờ 200.000 đồng).

Sáng hôm sau, hai du khách nước ngoài đã sử dụng ba tờ tiền trên để trả phí đi taxi thì tài xế taxi mới cho biết đó là tiền âm phủ.

- Túi bánh rán trị giá 700.000 đồng. Câu chuyện này diễn ra ở phố cổ Hà Nội cách đây hai năm, do tài khoản T.A chia sẻ trên mạng xã hội khi chứng kiến một nữ du khách nước ngoài bị “móc túi” bằng cách ép mua một túi bánh rán với giá 700.000 đồng. Theo tài khoản T.A, người bán đã liên tục chìa túi bánh vào mặt nữ du khách này để ép mua. Đợi đến khi nữ du khách mở ví để trả tiền, họ đã cho tay thật nhanh vào ví của nữ du khách móc lấy một tờ 500.000 đồng và một tờ 200.000 đồng rồi bỏ đi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm