Chặn đánh xe gây tai nạn, coi chừng bị tội

Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ việc người dân truy đuổi ô tô gây tai nạn được đăng tải lên mạng xã hội Facebook. Đáng chú ý, trong nhiều vụ khi đuổi kịp chiếc xe, người dân đã lao vào đập phá xe, lôi tài xế ra bên ngoài để hành hung. Câu hỏi đặt ra là người dân có quyền truy đuổi như vậy hay không và hành vi đập phá có bị xem là vi phạm pháp luật?

Từ nghĩa hiệp đến đánh người tùy tiện

Mới đây, ngày 2-8-2017, một cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội đi xe máy đuổi theo ô tô có dấu hiệu vi phạm biển số 30Y-1297. Tài xế xe này liên tục nhấn ga, vượt ẩu, va quẹt với nhiều phương tiện, làm nhiều người bị thương. Ngay cả khi CSGT làm nhiệm vụ ở nút giao thông ra hiệu lệnh dừng, chiếc xe vẫn lao đi.

Bức xúc trước hành vi của tài xế, nhiều người dân hô hoán cùng nhau truy đuổi. Chỉ khi chạy đến khu vực đông người, chiếc ô tô mới chịu dừng lại. Lúc này, nhiều người lao tới mở cửa xe, lôi tài xế ra ngoài đánh. Tài xế phải nhảy lên nóc xe, định chạy trốn nhưng bị CSGT khống chế. Dù đã có cảnh sát, nhiều người dân vẫn “hăng hái” quá đà, đánh thêm vài phát.

Trước đó từng xảy ra vài vụ tương tự như lần một ô tô biển xanh lưu thông trên đường Trường Thi (TP Thanh Hóa) tông vào một xe máy khiến hai cha con văng ra đường. Ngay lập tức, người đi đường chặn xe, đập vỡ kính ô tô và đánh tài xế trọng thương. Một số nhân chứng cho biết trước đó chiếc xe này cũng gây tai nạn nhưng bỏ chạy. Vụ việc tương tự xảy ra trên đường Trần Khánh Dư-Lãng Yên (Hà Nội) với một chiếc taxi Mai Linh có biểu hiện vi phạm luật giao thông. Tài xế cuối cùng phải đi cấp cứu còn chiếc xe vỡ nát kính vì gạch đá.

Cách đây mấy ngày, một đoạn clip ghi hình chiếc xe Mazda biển số 15A-355.13 ở TP.HCM bị nhóm người truy đuổi, chặn đánh. Đám đông đã vặt kính, đập phá xe vì cho rằng tài xế gây tai nạn rồi bỏ chạy.

Một trường hợp đập phá xe gây tai nạn. Ảnh cắt từ clip

Có dấu hiệu hình sự

Trao đổi về vấn đề trên, một đội phó thuộc Phòng CSGT Hà Nội (PC67) cho biết việc truy đuổi, đánh đập tài xế gây tai nạn là do tâm lý đám đông và một phần không giữ được bình tĩnh.

“Thông thường, người thân của nạn nhân sẽ rất dễ mất bình tĩnh, dẫn tới hành hung tài xế. Người đi đường khi chứng kiến tài xế gây tai nạn bỏ chạy thì muốn truy đuổi, đuổi được lại xông vào đánh” - vị này nói.

Vị đội phó cho biết với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành, tình huống như trên diễn ra rất nhiều. Phần lớn những người tham gia hành hung, đập phá xe đều do tâm lý đám đông. Tuy nhiên, cũng có những đối tượng cố tình phá hoại, thỏa mãn ý muốn bản thân dù không liên quan đến vụ việc.

“Tâm lý đám đông rất nguy hiểm, đôi khi không thể dừng lại. Không ít vụ dù CSGT đã can ngăn nhưng đám đông vẫn ra tay, thậm chí vô tình đánh cả cảnh sát” - vị này chia sẻ.

Ông phân tích thêm: “Ở đây có hai vấn đề: Nếu không truy đuổi thì tài xế bỏ chạy, có thể thoát trách nhiệm nhưng nếu truy đuổi mà đánh người thì chính người dân có thể phạm luật. Chưa kể như vậy càng khiến tài xế không dám dừng lại”.

Do đó, theo đội phó PC67 Hà Nội, đối với các vụ tai nạn giao thông mà tài xế bỏ chạy, người dân nên báo công an, đồng thời có thể đuổi theo để ngăn chặn. Tuy nhiên, quá trình truy đuổi bắt buộc phải đảm bảo an toàn cho bản thân và người đi đường. Khi đã đuổi kịp, người dân tuyệt đối không được đập phá xe hoặc đánh người trong xe bởi như vậy là trái pháp luật và có thể bị xử lý theo quy định.

Nhiều trách nhiệm phát sinh

Tài xế gây tai nạn nhưng không cứu giúp người bị nạn mà bỏ chạy là vi phạm pháp luật. Việc bỏ chạy nhằm trốn tránh trách nhiệm, xóa dấu vết vi phạm, tức là thuộc trường hợp phạm tội quả tang. Điều đó đồng nghĩa với việc bất kỳ người dân nào cũng có quyền bắt giữ.

Trong trường hợp tài xế gây tai nạn cố tình bỏ chạy, có hành vi gây nguy hiểm trực tiếp đến người khác hoặc cố thủ trong xe, ngoài việc truy đuổi thì người dân có thể phá cửa, khống chế đối tượng.

Tuy nhiên, nếu trong quá trình truy đuổi mà gây tai nạn thì người truy đuổi sẽ phải chịu trách nhiệm theo pháp luật. Việc truy đuổi người vi phạm chỉ có thể được coi là một tình tiết để xem xét giảm nhẹ. Nếu tài xế không chống đối mà người dân cố tình đánh đập hoặc phá xe thì người đánh đập, phá xe có thể bị truy cứu về tội cố ý gây thương tích, giết người (tùy theo hậu quả gây ra) hoặc hủy hoại tài sản.

Luật sư NGUYỄN ANH THƠM (Đoàn Luật sư Hà Nội)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm