Cấp cứu trong mùa COVID-19- Bài 1:

Cấp cứu thời COVID

Lời tòa soạn:

Trong mùa COVID-19 này, việc gọi được xe cấp cứu không dễ khi các bệnh viện đều quá tải. Với những bệnh nhân đột quỵ, thời gian vàng trong cấp cứu rất quan trọng. Dưới đây là những kinh nghiệm quý báu được chia sẻ lại từ tác giả Dona Đỗ Ngọc, một người vừa chứng kiến và tham gia vào quá trình đưa người nhà đi cấp cứu đột quỵ. Được sự cho phép của chị, chúng tôi xin chia sẻ các bài viết hữu ích của chị đến bạn đọc


Sáng ấy (21-7), tôi đang ăn sáng thì chồng tôi từ ngoài sân vào, lắp bắp: “Hình như anh bị đột quỵ”. Tôi ngẩng phắt nhìn chồng, mặt anh tái dại, lấm tấm mồ hôi, nửa mặt trái ửng đỏ hơi sưng. Tôi hét lên: “Đúng rồi, đột quỵ. Nhanh lên, em đưa anh đến bệnh viện!”.

Chồng tôi lập cập kiếm bóp giấy tờ, tôi chạy lên nhà lấy tiền, chìa khoá xe rồi ba chân bốn cẳng lái ra đường. Taxi không chạy nữa, không dễ gọi cấp cứu lúc này, may nhà có xe và tôi có thể lái nhanh đến bệnh viện. Chợ Rẫy hay 115?

Tôi vào trang mạng Giúp nhau mùa dịch, gõ nhanh: “Xin giúp đỡ, chồng tôi bị đột quỵ, tôi có thể đưa anh đến BV nào tốt nhất, phù hợp nhất?”. Chỉ vài giây sau, những câu trả lời tấp cập “115”, “Chợ Rẫy”, “BV nào gần nhà”… Tôi thêm vững tâm quyết định đưa chồng đến BV 115, sau đó xoá luôn bài đăng để không bị phân tâm (cảm ơn và xin lỗi các bạn).

Điều chúng tôi sợ là gia đình không ai bệnh tật để phải đi bệnh viện lúc “đỉnh” COVID-19, nhưng nó đã xảy ra…

Tôi ngồi ghế lái, chồng tôi ngồi ghế sau. Đi chừng 1km, anh hổn hển: “Anh không còn cảm giác ở mặt trái nữa. Cánh tay trái anh hình như bị liệt”. Anh móc hết giấy tờ đưa tôi: “Thẻ ngân hàng của anh đây, pass (mật khẩu) là… Hai nơi còn nợ tiền anh. Anh sợ anh không qua khỏi, nếu có bề gì em lo cho con, giữ lại một phần cho tuổi già của mình…”.

Tôi quát: “Anh nói luyên thuyên gì thế. Mấy phút nữa đến bệnh viện, anh vào cấp cứu là ổn ngay, phỉ phui hay sao mà chưa gì đã trăng trối”. Tôi bật đèn khẩn cấp suốt đường đi, lòng như lửa đốt.

Đúng 15 phút di chuyển từ nhà, chúng tôi đến cổng BV115. Nhân viên gác barie (rào chắn) ngó ra, tôi hét lên “cấp cứu đột quỵ”. Barie mở ra, tôi lái xe vào sân BV, chúng tôi xuống xe nhanh chóng khai báo y tế và vào phòng chờ xét nghiệm COVID-19. Vài trường hợp vào cấp cứu sau đó với nhiều loại bệnh, nhưng phần nhiều là tai biến. Test (xét nghiệm) nhanh ra vài trường hợp dương tính, được đưa vào phòng áp lực âm. Rất may, vợ chồng tôi đều âm tính. Chồng tôi được đưa sang phòng cấp cứu, đo huyết áp, chụp CT, tim phổi… rồi cả hai được test PCR để xác định lần 2.

Chúng tôi làm thủ tục nhập viện, chỉ một người nuôi bệnh, không thay đổi người. Vậy là tôi không ra khỏi BV được nữa. Hễ ra, muốn vào thì phải làm lại quy trình test COVID-19 từ đầu và phải mất hơn 24 giờ mới có kết quả. Chúng tôi được đưa đến khu lưu bệnh tạm, thuộc khoa Tiêu hoá, để tiếp tục theo dõi, điều trị, trong khi chờ kết quả test COVID-19 lần 2 mới chính thức nhập Khoa Mạch máu - Thần kinh trên lầu 3.

Phòng chúng tôi có khoảng 10 giường bệnh, chỉ có 2 bệnh nhân, 2 thân nhân nuôi bệnh. Bệnh nhân cùng phòng chừng 62 tuổi. Chị vợ nói nhà vừa ăn tối xong, chị trên lầu xuống thì thấy chồng lảo đảo rồi khuỵu xuống đất. Chị chạy lại đỡ chồng và kêu cứu. Nhiều người hàng xóm chạy đến, xốc anh ra đường (khu nhà họ bị phong toả) băng qua rào chắn kêu taxi đến thẳng BV. Anh ngủ li bì, cả ngày chỉ một tư thế nằm ngửa, thỉnh thoảng hé mắt nhìn trần nhà, hoặc ra dấu với vợ anh muốn uống nước hay thay bỉm. Anh bị liệt nửa người trái. Còn chồng tôi lại tỉnh táo vào buổi chiều cho đến trưa hôm sau. Anh đi lại, nói cười, nói chuyện điện thoại với bạn bè vui vẻ, còn ngạc nhiên là miệng hết méo và tay đã cử động được.

Sáng ngày thứ hai, tôi đang đi lại trước hành lang phòng bệnh thì nghe tiếng phụ nữ khóc nức nở “Mẹ ơiiii!”. Vừa bước về phía tiếng khóc tôi bị một bác sĩ nam từ đầu dãy quát: “Đi vô mau, dịch bệnh thế này ai cho đi lại bên ngoài?”. Tôi vội quay lui, ngỡ ngàng, thì qua nay chúng tôi vẫn được đi ra vô ngày hai lần để nhận đồ tiếp tế cơ mà. Hồi sau hỏi dò thân nhân bệnh nhân các phòng kế bên, tôi được biết phòng đó có bệnh nhân nam vừa  tử vong. Con gái ông theo vô BV chăm cha, vợ ông ở nhà. Hình như lúc ông lâm chung, con gái đã video call cho mẹ nhìn thấy cha lần cuối. Họ không còn gặp nhau được nữa. Người ta nói thi thể ông sẽ được đưa xuống nhà xác bệnh viện và chắc là sẽ đưa thẳng đến lò thiêu. Chúng tôi bần thần nhìn nhau. Ngay cả hai cặp bệnh nhân-thân nhân chúng tôi đây, nếu một trong hai người dương tính, sẽ bị “bế” đi bệnh viện khác điều trị. Và chẳng may với bệnh nền là…đột quỵ, lại dương tính COVID-19, lúc ấy chỉ còn là may rủi.

Quá trưa ngày thứ hai, chúng tôi nhận kết quả âm tính COVID-19 lần 2 và chuyển lên Khoa Mạch máu - Thần kinh. Chồng tôi và anh bệnh nhân kia được đẩy lên lầu bằng băng ca. Anh còn ngượng nghịu: “Khoẻ mạnh thế này, đi lại tốt mà phải nằm cho cô y tá đẩy kỳ quá”.

Chồng tôi được đưa thẳng vào phòng hồi sức tích cực. Có chừng 10 bệnh nhân, hầu hết đều nằm bất động trên các giường bệnh với dây dợ, dịch truyền… Chồng tôi xanh mặt khi nhìn những bệnh nhân kia. Anh ngồi lên giường bệnh, nằm một chút và lấy điện thoại ra lướt mạng. Anh như lạc vào giữa những ca nặng. BS khám, cho thuốc, vẫn chưa phải truyền dịch. Chúng tôi ăn chiều, là hai ly mì tôm hứng nước sôi ở máy nước nóng góc phòng, một trong những món bạn tôi vừa tiếp tế buổi sáng cùng hai hộp cháo thịt rất ngon và một ít trái cây. Chúng tôi đã không chuẩn bị quần áo hay bất cứ vật dụng nào khác để đem theo vì phải tranh thủ “thời gian vàng” đối với cấp cứu đột quỵ. Khi tôi ở lại BV với chồng, bạn tôi phải đến lái xe của chúng tôi về nhà dùm. Sau đó, con tôi mang quần áo đến BV cho ba mẹ.

Sau khi ăn tối, cả hai đang lướt điện thoại thì chồng tôi hốt hoảng bấu vào cánh tay tôi, tôi nhìn anh và giật mình. Mặt trái anh rung bần bật, miệng ú ớ, tay trái sõng sượt, anh ngáp ngáp như không thở được. Tôi lao sang phòng bên gọi bác sĩ rồi lại chạy về vuốt vuốt xoa mặt chồng, lấy cái muỗng nhét vào giữa hai hàm răng để anh không cắn phải lưỡi.

Bác sĩ nói anh bị co giật (động kinh), hệ quả của việc xuất huyết não nhẹ đã thấy khi chụp MRI và CT. Họ tiêm cho anh thuốc chống co giật, vài phút sau cơn co giật lặng dần. Anh được cho uống thêm thuốc. Thêm một, hai cơn co giật nữa lúc nửa đêm khi tôi đang thiếp đi vì mệt quá thì nghe tiếng chồng ú ớ. Mở mắt ra thấy anh ngồi cuối giường ôm nửa mặt trái đang rung bần bật, không nói được, mắt trợn ngược. Cả phòng bệnh ngủ mê man hết, cả tôi. Chỉ mình anh thức với cơn co giật, không thể mở miệng cầu cứu. Một mũi tiêm và các cơn co giật sau ngắn dần. Tôi cho anh uống thuốc, vỗ về, ba đừng lo quá, so với mọi người đang nằm bất động kia, anh là nhẹ nhất.

Anh khóc. Anh sợ là anh sẽ ra đi. Anh gọi cho con trai út “Ba xin lỗi Leo là có thể ba không kịp nuôi Leo học xong đại học”. Tôi “quát”: Toàn nói xui không à. Đừng có đào ngũ sớm vậy chứ. Phải sống, phải trở về nuôi Leo học hết đại học và làm cho mẹ một ngôi nhà nhỏ xinh dưới chân đồi chứ!”.

(Bài 2: Phòng hồi sức cấp cứu mùa COVID-19)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

(PLO)- Để tránh vướng nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…