Cảnh sát giao thông kể chuyện ít ai biết khi làm nhiệm vụ

Sơ cứu vết thương, đưa người bị nạn đi cấp cứu, tìm mẹ cho trẻ lạc… là những việc làm được nhiều CSGT TP.HCM xem như việc thường ngày.

Luôn thủ sẵn bông băng thuốc đỏ

Gặp Trung úy Đồng Công Thành, Đội CSGT Tân Sơn Nhất (thuộc phòng PC08 Công an TP.HCM) sau sự việc đưa một bác trai lớn tuổi cấp cứu, anh Thành cười nói: “Tôi còn nợ vợ chồng bác một bữa cơm”.

Anh nhớ lại, hôm đó xảy ra vụ cháy rất lớn ở gần KCN Tân Bình, sau hơn 3 tiếng điều phối giao thông, anh Thành tiếp tục tuần tra ở khu vực xung quanh và phát hiện vụ va quẹt xe, nạn nhân là người đàn ông lớn tuổi, bị thương rất nặng ở phần đầu. Anh vội vã gọi taxi, bế nạn nhân lên xe đi cấp cứu.

Đội CSGT Tân Sơn Nhất đưa bé 14 tháng tuổi đi cấp cứu bằng xe đặc chủng. Ảnh: FB

Gọi điện báo rồi bàn giao vật dụng của nạn nhân cho người nhà xong anh Thành vội vã quay lại hiện trường. Không ngờ, vài ngày sau gia đình người gặp nạn gọi điện cảm ơn rối rít, còn viết hẳn một lá thư gần ba mặt giấy gửi lên cảm ơn và động viên trung úy Thành.

“Tôi nghĩ đơn giản đây là việc nên làm, là trách nhiệm thôi, không cần cám ơn”, anh chia sẻ.

Còn Thượng úy Nguyễn Lê Đức Huệ (Đội CSGT Nam Sài Gòn) cũng xem việc cứu người gặp tai nạn là tất nhiên. Có lần đang điều tiết giao thông dưới trời mưa tại ngã tư Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Thị Thập (quận 7), anh phát hiện người đàn ông đi xe máy rồi tự ngã. Anh vội chạy đến, đưa ông vào lề đường rồi lấy bông băng, thuốc đỏ sơ cứu cho nạn nhân.

“Chúng tôi thường xuyên phải xử lý tai nạn giao thông nên luôn mang theo bông băng thuốc đỏ để có thể dùng ngay khi cần”, anh nói.

Chưa bao giờ cần người dân báo đáp

Hơn 15 năm trong nghề, Đại úy Trần Thanh Tâm, Phó Đội trưởng Đội CSGT Bàn Cờ trăn trở: “Nhiệm vụ của CSGT không phải là xử phạt vi phạm của người dân là xong, điều quan trọng hơn là bảo vệ cho họ, đó là trách nhiệm”.

Một lần có hai mẹ con người dân vào trụ sở Đội CSGT Bàn Cờ nhờ giúp đỡ vì có một tài xế xe ôm công nghệ cứ theo đuôi mẹ con chị. Một mặt Đại úy Tâm liên lạc với công an phường để phối hợp theo dõi đối tượng, mặt khác anh cử hai CSGT dùng ô tô đặc chủng đưa hai mẹ con chị này về tận nhà.

Đại úy Trần Thanh Tâm đưa hai mẹ con bị xe ôm công nghệ theo dõi về nhà bằng ô tô đặc chủng. Ảnh: HK

Có lúc các CSGT còn phải kiêm luôn nhân viên y tế. Như một lần anh Tâm đang làm việc ở ngã tư Nguyễn Đình Chiểu – Lý Thái Tổ (quận 3) thì phát hiện hai mẹ con,đứa bé ngồi sau có biểu hiện động kinh, thân thể giật mạnh, tay bám chặt áo mẹ còn người phụ nữ quýnh quáng không biết phải làm gì. Anh Tâm cùng đồng đội chạy đến tìm vật mềm nhét vào miệng cháu để tránh cháu cắn lưỡi rồi gọi nhanh xe cấp cứu, đưa hai mẹ con vào viện.

Cũng như nhiều CSGT khác khi giúp người đi đường, với Đại úy Tâm, anh cũng xem đó như là trách nhiệm của mình nên thấy rất ngại khi được cảm ơn, đền đáp.

Theo lãnh đạo Phòng PC08 Công an TP.HCM, trong các nhiệm vụ được giao thì việc đảm bảo trật tự giao thông là nhiệm vụ ưu tiên của lực lượng CSGT. Tuy nhiên, tham gia giúp đỡ người dân cũng được CSGT chú trọng bởi lẽ đó là cử chỉ đẹp, xuất phát từ cái tâm của mỗi cán bộ chiến sĩ, là trách nhiệm của người công an nhân dân với ý thức phục vụ nhân dân.

“May mắn, những việc làm của lực lượng CSGT luôn nhận được sự đồng tình và ủng hộ nhiều từ phía người dân. Vì thế, người người dân gặp khó khăn đừng ngần ngại gọi cho CSGT”, vị này nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm