Cần Thơ: Xây tường chắn nhà người khác

Năm 2003, UBND TP Cần Thơ đã ra quyết định xử phạt hành chính bà NTKO (chủ nhà 216 đường 30-4, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) về hành vi xây dựng trái phép và buộc bà tháo dỡ công trình vi phạm. Hơn năm năm trôi qua, quyết định này vẫn chưa được thực hiện. Ông Lý Ngọc Lân (ngụ 216/2 đường 30-4) rất ấm ức vì sự chậm trễ đó đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của ông.

Một bức tường giá... 60 triệu đồng!

Năm 2003, TP Cần Thơ tiến hành mở rộng đường 30-4. Có nhà bị giải tỏa trắng trong dự án này, bà O. đã được đền bù, tái định cư.

Rắc rối xảy ra sau khi bà O. tháo dỡ nhà để dời sang nơi khác. Thấy nhà của ông Lân (nằm sau lưng nhà bà O.) “lòi” ra mặt tiền, bà O. liền huy động lực lượng xây một bức tường dài 4 m, cao gần 3 m để chắn gần hết căn nhà của ông Lân. Ông Lân bất bình: “May là bà O. còn chừa cho tôi một lối chui ra chui vào... Tôi đã gần 70 tuổi, không còn sức lao động, bà nhà thì luôn đau yếu. Chúng tôi định cho thuê mặt bằng kiếm chút đỉnh tiền đắp đổi qua ngày, vậy mà...”.

Sau khi xây xong bức tường, bà O. đã hét giá với ông Lân: “Ông phải bỏ ra 60 triệu đồng thì tôi mới phá tường!”. Muốn yên chuyện, ông Lân đã nhiều lần thương lượng nhưng bà O. nhất quyết không nhượng bộ.

Chính quyền bó tay?

Không còn cách nào khác, ông Lân đã nộp đơn khiếu nại đến UBND TP Cần Thơ. Ngày 24-7-2003, UBND TP Cần Thơ đã ban hành quyết định xử lý bà O. về hành vi xây dựng không có giấy phép trên đất không có quyền sử dụng. Không đồng ý, bà O. đã khiếu nại. Khi xem xét lại vụ việc, UBND TP Cần Thơ đã bác đơn khiếu nại của bà.

Tháng 5-2004, UBND quận Ninh Kiều ra quyết định cưỡng chế bà O. tháo dỡ bức tường. Nhưng cũng trong thời gian này, bà O. rời khỏi địa phương. Từ đó đến nay, UBND quận này đã nhiều lần mời bà O. đến làm việc nhưng bà không đến...

Luật sư Trần Nhật Long Huy (Đoàn luật sư tỉnh Bến Tre) cho rằng ông Lân nên tiếp tục gửi đơn đề nghị UBND quận Ninh Kiều tổ chức việc cưỡng chế bà O. tháo dỡ bức tường trên. Theo luật sư Huy, ông Lân không có quyền khởi kiện UBND quận Ninh Kiều ra tòa hành chính. Bởi lẽ theo nguyên tắc, công dân, tổ chức bị thiệt hại do quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính của nhân viên nhà nước gây ra mới có quyền phát đơn kiện án hành chính. Ông Lân tuy có thiệt hại nhưng thiệt hại ấy do bà O. gây ra, không phải do quyết định hành chính, hành vi hành chính gây ra.

Ngược lại, theo một thẩm phán thì ông Lân có quyền khởi kiện để yêu cầu UBND quận Ninh Kiều thực hiện quyết định hành chính. Đây sẽ là dạng kiện hành chính với hành vi hành chính là không thi hành quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

Dù quan điểm có khác nhau nhưng các chuyên gia pháp lý đều đồng tình “việc thi hành quyết định trên không có gì là quá sức của UBND quận”. Luật sư Huy khẳng định: “Nếu mời bà O. nhiều lần không được, UBND quận có thể niêm yết quyết định cưỡng chế rồi thực hiện tháo dỡ bức tường”.

Theo khoản 5 Điều 24 Nghị định 180 ngày 7-12-2007 của Chính phủ, trường hợp chủ đầu tư vắng mặt thì quyết định cưỡng chế phá dỡ vẫn phải được tổ chức thực hiện. Khoản 2 Điều 19 Nghị định này cũng cho phép chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành quyết định xử lý đối với chủ tịch UBND cấp huyện và những cán bộ dưới quyền được phân công quản lý trật tự xây dựng đô thị để xảy ra vi phạm, không xử lý kịp thời, dung túng, bao che cho hành vi vi phạm.

Đề nghị chủ tịch UBND quận Ninh Kiều (và cả chủ tịch UBND TP Cần Thơ) khẩn trương xem xét, xử lý dứt điểm vụ việc.

NGUYÊN TRƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm