Cẩn thận khi mua hàng trả góp

Hiện nay, việc mua hàng trả góp ngày càng trở nên phổ biến và không chỉ dành riêng cho người có thu nhập thấp mà cả những người có thu nhập cao. Đáp ứng nhu cầu này, nhiều đơn vị kinh doanh đã linh động đưa ra nhiều phương thức thanh toán để người tiêu dùng lựa chọn với hàng loạt mặt hàng như:  ôtô, căn hộ chung cư, xe máy, laptop, máy giặt, máy lạnh, tủ lạnh… Tuy nhiên, khi mua hàng trả góp, người tiêu dùng nên thận trọng…

Sau nhiều lần điện thoại đến công ty bán hàng để yêu cầu công ty phải có trách nhiệm đối với sản phẩm bị hư đã bán cho khách hàng nhưng không được giải quyết thỏa đáng, anh Nguyễn Hữu Huân (phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM) đã quyết định đưa vụ việc khiếu nại đến cơ quan chức năng nhờ can thiệp nhằm đòi lại quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, đồng thời cũng gióng lên lời cảnh báo đối với những đơn vị kinh doanh làm ăn gian dối.

Cẩn thận khi mua hàng trả góp ảnh 1

Xe máy trả góp là một trong những mặt hàng người tiêu dùng khiếu nại nhiều nhất trong thời gian qua. Ảnh minh họa

Theo lời của anh Huân, sau khi tìm hiểu kỹ một số điểm bán hàng trên thị trường, anh quyết định mua một tủ lạnh hiệu DAEWOO (180L không đóng tuyết) tại Công ty TNHH H.A. (phường 17, quận Gò Vấp) trả góp với giá 5.890.000 đồng (giá thị trường 3.530.000 đồng - 3.780.000 đồng). Để sở hữu chiếc tủ lạnh nói trên, anh Huân trả trước cho công ty 1.490.000 đồng, số tiền còn lại 4.400.000 đồng anh trả góp trong thời gian 40 tuần (mỗi tuần 110.000 đồng), kèm với những điều khoản ghi trong hợp đồng có nhiều bất lợi cho người mua hàng như: Nếu bên B nộp tiền chậm thì phải chịu phạt 0,2%/ngày/số tiền nộp chậm. Nếu quá hạn thanh toán 20 ngày liên tiếp thì bên A được quyền thu hồi hàng, truy thu bên B cả vốn lẫn lãi cùng các chi phí phát sinh như: Phí thuế VAT (10% trên tổng giá trị hợp đồng), phí khấu hao sản phẩm (10% - 50% trên tổng giá trị hợp đồng); Phí vận chuyển lắp đặt (trên 5% tổng giá trị hợp đồng)...

Với những điều khoản khắt khe như vậy, anh Huân đã cố gắng đóng tiền đúng thời hạn như đã cam kết. Thế nhưng, phần trục trặc không phải từ phía anh Huân mà do chiếc tủ lạnh anh mới mua về, sử dụng chưa được 4 tháng bỗng tự dưng kêu to với những tiếng động lạ thường. Anh đã gọi điện yêu cầu công ty xuống xem xét và khắc phục sự cố.

Sau một tháng sửa chữa, tủ lạnh cũng đã hoạt động trở lại nhưng lần này sử dụng chưa được một tháng thì "bệnh cũ lại tái phát", anh đã liên tục gọi điện đến công ty bán hàng thông báo tình trạng "bệnh" của sản phẩm nhưng công ty cứ lờ đi và "quên" luôn việc thu tiền trả góp hàng tháng của khách hàng (anh Huân đã góp được 18 tuần).

Sợ mất tiền, lại "rước" vào nhà chiếc tủ lạnh xài không được, anh thoả thuận với phía đơn vị bán hàng là anh chấp nhận chịu mất 50% số tiền đã đóng (gần 1,5 triệu đồng) để lấy tiền mua lại sản phẩm khác hoặc công ty sửa chữa lại sản phẩm đã bị sự cố. Thế nhưng, anh Huân té ngửa khi nghe công ty thông báo là khi nào anh trả đủ tiền góp hàng tuần còn lại (còn 22 tuần) thì anh mới được mang máy (đã sửa) về nhà. Tất nhiên, anh không thể chấp nhận lời đề nghị khó hiểu từ phía công ty.

Còn với trường hợp chị Nguyễn Thu Thanh (phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM) mua chiếc Attila trả góp tại một cửa hàng đường Hoàng Văn Thụ với giá 29,5 triệu đồng. Nhân viên cửa hàng tư vấn cho chị Thanh mua trả góp với lãi suất 2%/tháng chị phải đóng trước 14,3 triệu đồng, số tiền còn lại trả góp trong 9 tháng. Chị Thanh cho rằng, theo như lời nhân viên tư vấn thì chị hiểu số tiền đóng hàng tháng sẽ giảm dần theo tiền gốc, trong khi đó hợp đồng lại ghi số tiền chị đóng mỗi tháng đều như nhau.

Còn trường hợp của chị Nguyễn Đà Trang (ngụ phường 11, quận 5) cũng mua một chiếc xe máy Honda Wave trả góp. Sau khi đặt cọc tiền và trả góp trong thời gian 12 tháng thì phía cửa hàng hứa sẽ đưa bản sao giấy đăng ký xe (có công chứng) cho chị để sử dụng xe đi lại. Khi nào thanh toán đủ thì giấy tờ gốc sẽ được giao đầy đủ. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng mua xe, cửa hàng vẫn không giải quyết giấy tờ xe cho khách hàng. Chị cũng đã rất nhiều lần liên hệ với cửa hàng về việc này nhưng họ cứ hẹn lần hẹn lữa…

Theo tiến sĩ Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý qạnh tranh (Bộ Công thương) thì "một trong tám quyền cơ bản của người tiêu dùng là quyền được thông tin đầy đủ". Thế nhưng, thực tế hiện nay thì nhiều trường hợp khách hàng không được đơn vị bán hàng thông tin đầy đủ. Khi người tiêu dùng khiếu nại thì không nhận được giải quyết thấu đáo từ phía đơn vị bán hàng. Trong thời gian qua, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng tại TP.HCM cũng đã tiếp nhận, giải quyết rất nhiều khiếu nại như vậy của người tiêu dùng liên quan đến việc mua hàng trả góp.

Theo K.Ngân (CAND)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm