CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG PHÍA NAM - HỘI TIÊU CHUẨN VÀ BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG VIỆT NAM NGUYỄN NAM VINH:

Cần kiểm tra đột xuất các cây xăng

Thông tin lực lượng công an kinh tế TP Hà Nội bắt khẩn cấp một chủ cây xăng móc túi khách hàng hơn 120 triệu đồng/tháng vào chiều 27-7 đã làm cho nhiều người giật mình. Ông Nguyễn Nam Vinh, Chủ nhiệm Văn phòng phía Nam - Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, đề nghị các cơ quan chức năng cần kiểm tra thường xuyên và đột xuất các cây xăng để kịp thời ngăn chặn nạn gian lận.

Đã cảnh báo từ lâu

. Rất nhiều người lo ngại không chỉ có mỗi cây xăng trên mà còn có nhiều cây xăng khác trên cả nước đang ăn gian nhưng chưa bị phát hiện. Ông nghĩ sao về việc này?

+ Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu đối với sản xuất và đời sống. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu rất lớn của xã hội, nhiều doanh nghiệp cung ứng xăng dầu đã ra đời và từ chỗ cạnh tranh không lành mạnh đã áp dụng các thủ thuật gian dối như bán xăng dầu thiếu số lượng, hoặc bán các chủng loại xăng dầu không đúng cấp chất lượng.

Việc gian lận xăng dầu bằng con chip điện tử lần đầu tiên được phát hiện tại TP.HCM và Bình Dương nhưng địa phương kiên quyết xử lý mạnh tay với vi phạm này là tỉnh Bình Dương. Một doanh nghiệp khi bị phát hiện gian lận thì ngoài chuyện bị xử phạt còn được nêu tên để mọi người cảnh giác. Hành vi gian lận về chất lượng và số lượng của các chủ cây xăng đã được hội chúng tôi cảnh báo hơn 10 năm nay nhưng ngày càng diễn tiến phức tạp và người tiêu dùng ngày càng bị móc túi nhiều hơn.

Cần kiểm tra đột xuất các cây xăng ảnh 1

Khi đổ xăng, khách hàng chỉ nhìn vào đồng hồ nên rất khó biết đủ hay thiếu. Ảnh minh họa: THÁI HIẾU

. Ông có thể nói cụ thể hơn về những thiệt hại mà người tiêu dùng phải gánh chịu?

+ Năm 2006, hội chúng tôi có khảo sát về tình trạng thất thoát xăng dầu gây thiệt hại cho người tiêu dùng tại bốn tỉnh phía Nam và TP.HCM. Trong một đợt kiểm tra vào tháng 8-9, chúng tôi phát hiện tình trạng gian lận về đo lường (đong thiếu) lên đến 8%; tình trạng gian dối về chất lượng của các loại xăng là 38%. Tính chung cả hai thiệt hại (số lượng và chất lượng) thì người tiêu dùng đã bị móc túi gần 34 triệu USD/năm. Nếu tính cả lượng tiêu thụ trên toàn quốc thì số tiền mà người tiêu dùng bị móc túi là rất lớn.

Tại thời điểm này, các đơn vị sản xuất vẫn tiếp tục đưa ra thị trường loại xăng A83, tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh pha trộn thành A92 để bán với giá của xăng A92, gây thiệt thòi cho khách hàng. Đáng nói là có nhiều cơ quan như Tổng Công ty Petrolimex, Cục Quản lý hàng hóa, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã kiến nghị không sản xuất loại xăng này.

. Có thể người tiêu dùng không biết nhưng chắc chắn các cơ quan chức năng phải nắm rõ những chiêu lừa đảo của các chủ cây xăng…

+ Phổ biến nhất là việc đong đo thiếu thông qua việc tác động trực tiếp vào cột bơm xăng dầu. Năm 2002, cơ quan chức năng cũng đã thống kê có hơn chục thủ thuật ăn cắp ở các cột bơm xăng cơ học và các cột bơm xăng điện tử. Trong đó, thủ thuật gian dối bằng bo mạch điện tử là tinh vi và khó phát hiện hơn cả vì nó được kết nối với cột bơm xăng qua hệ thống dây chạy ngầm dưới đất đi vào nhà điều hành. Vụ vi phạm mới nhất được nêu ở trên là một điển hình cụ thể.

Phải chế tài thật nặng

. Nhiều khả năng Hà Nội sẽ xử lý hình sự chủ cây xăng trên. Nhưng trong một số vụ vi phạm khác, dường như các địa phương vẫn chưa quyết liệt xử lý. Có trường hợp bị phát hiện rồi bị phạt tiền nhưng sau đó họ có tái phạm hay không thì không ai kiểm tra…

+ Giả sử có nghi ngờ về chất lượng thì người tiêu dùng cũng bó tay vì chi phí kiểm định một chỉ số octane trong xăng từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng. Nói vậy để thấy rằng các cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm chủ yếu trong việc bảo vệ quyền lợi của người dân trước tình trạng gian lận xăng dầu.

Theo tôi, các cơ quan hữu quan không nên thanh tra, kiểm tra theo chu kỳ vì cứ sau mỗi đợt kiểm tra thì việc gian lận lại càng dữ dội hơn. Nên tổ chức kiểm tra thường xuyên và đột xuất để các cây xăng không biết mà đối phó.

Khi phát hiện vi phạm, người có thẩm quyền không nên xử phạt cho có vì sẽ gây ra việc xem thường kỷ cương phép nước. Thay vào đó phải áp dụng biện pháp chế tài thật nặng, rút giấy phép kinh doanh và khởi tố hình sự vì đây là hành vi trộm cắp có nhiều người bị thiệt hại.

. Còn việc bồi thường cho người tiêu dùng bị thiệt hại thì sao, thưa ông?

+ Cơ quan pháp luật cần phải xây dựng khung pháp lý để đền bù thiệt hại cho số đông người tiêu dùng gặp tổn thất do doanh nghiệp gây ra. Tiền đền bù này thì không thể trả lại cho từng khách hàng vì thiếu chứng từ. Nhưng nhà nước có thể dùng tiền đó khen thưởng xứng đáng cho cá nhân, đơn vị phát hiện ra hành vi gian lận và thành lập quỹ bảo vệ người tiêu dùng để sử dụng khi cần.

Hiện nay cách thức gian dối ngày càng tinh vi, khoa học hơn nên rất cần các nhà khoa học vào cuộc tìm ra những chương trình, thiết bị chống gian lận. Trước đây, Bộ Khoa học và Công nghệ từng phát động việc tạo ra hộp đen, con chip… nhằm ngăn chặn nạn ăn cắp xăng dầu nhưng rồi sự việc bị bỏ quên cho đến nay.

Trước mắt, để hạn chế việc gian dối về chất lượng, các cơ quan quản lý cần xem lại việc phân loại xăng có chỉ số octane quá gần, tạo khe hở cho hành vi gian lận thương mại. Rồi phải thành lập ngay đường dây nóng để người tiêu dùng kịp thời phản ánh vi phạm của các cây xăng.

. Xin cảm ơn ông.

THÁI HIẾU thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm