Cần hạn chế việc cảnh sát tiếp cận người dân

Tuy hành vi chạy lấn tuyến là vi phạm và phải bị xử phạt theo quy định nhưng có cần phải dùng những biện pháp ngăn chặn quá cứng rắn để có thể dẫn đến những nguy hại khác cho người vi phạm? Đặt vấn đề trên là do đã có nhiều vụ rượt đuổi người đi đường (đa số phạm lỗi không đội mũ bảo hiểm) gây ra thương tích, thậm chí là tử vong cho người vi phạm, người tham gia giao thông lẫn người thực thi công vụ.

Các xung đột giữa CSGT với người dân thường xuất phát từ chỗ CSGT có quyền tiếp xúc trực tiếp với dân. Vì chỉ có hai bên nên mới có chuyện xử lý theo ý chí, người nói thế này, người nói thế khác và các cơ quan thẩm quyền thì không có ngay căn cứ để phán quyết đúng, sai.

Hiện các tỉnh, thành đang nỗ lực hành động để cải thiện hình ảnh CSGT. Nào là mở lớp tập huấn kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho CSGT; khuyến khích người dân chụp ảnh, quay phim, cung cấp thông tin CSGT vi phạm. Rồi còn cấm CSGT mang điện thoại hoặc mang quá 100.000 đồng khi đi làm… Có vẻ như các biện pháp này chủ yếu “đánh” vào ý thức tự giác của CSGT nên kết quả được chăng hay chớ!

Dù biết không dễ thực hiện ngay cùng lúc nhưng đã đến thời điểm các cơ quan chức năng phải tính đến những giải pháp để CSGT “không dễ, không dám và không thể vi phạm”.

Muốn “không dễ, không dám”, ngành công an cần đưa ra những quy định ngăn chặn hữu hiệu (việc ban hành văn bản cấm đoán lực lượng CSGT cả nước truy đuổi người vi phạm giao thông là một ví dụ); tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ, đồng thời xử lý thật nghiêm (không loại trừ việc đào thải) các cá nhân vi phạm.

Muốn “không thể” thì hạn chế tối đa tình trạng “mặt đối mặt” giữa CSGT và người lái xe. Đây cũng là cách làm phổ biến của nhiều nước thông qua việc trang bị hệ thống camera rộng khắp để quan sát, phát hiện lỗi vi phạm của mọi hoạt động giao thông. Cùng với việc “phạt nguội” thì việc nộp phạt tại cơ quan chuyên trách sẽ giảm thiểu nguy cơ mãi lộ và các việc làm “chướng tai gai mắt” khác của CSGT.

HÀ THU (TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm