Cần Giờ, TP.HCM: Không “cho phép” dân khiếu nại

Năm 2002, ông Lưu Tấn Thành nhận chuyển nhượng từ ông D. khoảng ba ha đất tại xã Long Hòa, huyện Cần Giờ để nuôi trồng thủy sản. Trong số này có hơn 7.000 m2 đất nằm trong dự án mở rộng và nâng cấp tuyến đường Rừng Sác. Giữa năm 2006, phần đất của ông bỗng dưng bị san lấp khi chưa có quyết định thu hồi đất. Cho rằng quyền sử dụng đất của mình đã bị xâm phạm, ông Thành nộp đơn khiếu nại đòi bồi thường.

Lúc đầu chịu giải quyết

Theo ông Thành thì vào năm 1986, Ban sản xuất xã Long Hòa cấp phần đất trên cho một người dân cư ngụ tại xã để nuôi trồng thủy sản. Năm 1992, người này chuyển nhượng phần đất trên cho ông D. (cùng trú tại xã Long Hòa). “Đơn xin phép sang nhượng” này có ý kiến xác nhận của Ban sản xuất xã và dấu mộc của UBND xã Long Hòa rằng đã “thuận theo đơn của đương sự”.

Đến năm 2002, ông D. ký với ông Thành giấy sang nhượng phần đất trên nhưng bị UBND xã Long Hòa từ chối xác nhận vì cho là đất công.

Cuối năm 2006, UBND huyện Cần Giờ trả lời khiếu nại yêu cầu bồi thường đất của ông Thành dưới dạng một công văn. Theo đó, phần đất này có nguồn gốc là đất công do UBND xã Long Hòa quản lý. Do nhu cầu mở rộng tuyến đường liên xã (nay là đường Rừng Sác) nên vào năm 1983, địa phương đã huy động lực lượng để đào đắp đường.

Quá trình đào đắp có để lại một con kênh và ông D. sử dụng nó để nuôi trồng thủy sản. Do ông D. chỉ là người tận dụng phần diện tích đất kênh nên việc chuyển nhượng giữa ông D. và ông Thành không được thừa nhận.

Tháng 4-2007, UBND huyện Cần Giờ đã ra quyết định bác đơn của ông Thành. Huyện này khẳng định UBND xã Long Hòa vẫn quản lý phần đất trên theo chế độ đất công, có đăng ký theo Chỉ thị 299/TTg và Chỉ thị 02/CT-UB.

Sau đó lại từ chối

Bốn tháng sau, UBND huyện Cần Giờ ra quyết định hủy bỏ quyết định giải quyết khiếu nại nói trên. Cùng ngày ban hành quyết định hủy bỏ này, UBND huyện Cần Giờ cũng có công văn thông báo “chấm dứt việc xem xét đơn khiếu nại” của ông Thành.

Theo lý giải của UBND huyện Cần Giờ, “công dân có quyền khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính... khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”.

Nếu “quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người bị khiếu nại” thì huyện không thụ lý, giải quyết. Cụ thể, số đất mà huyện cần thu hồi là đất công. Do ông Thành không có quyền sử dụng đất nên ông không có quyền khiếu nại và như thế thì huyện không phải cất công thụ lý, giải quyết.

Không bàn đến việc bên nào đúng, sai khi giải trình về nguồn gốc đất nhưng việc UBND huyện Cần Giờ cắt đứt đường khiếu nại của ông Thành là không ổn. Bản thân ông Thành đã xuất trình chứng cứ chứng minh nguồn gốc đất để cho rằng việc không được bồi thường đã xâm phạm đến quyền lợi của ông. Dù xác định nội dung giải trình của ông Thành không chính xác, UBND huyện Cần Giờ cũng phải giải quyết khiếu nại của ông bằng một quyết định hẳn hòi.

Theo luật sư Cổ Hiệp (Đoàn luật sư TP.HCM), cách làm này của UBND huyện Cần Giờ đã xâm phạm đến quyền khiếu nại của công dân. Bởi lẽ quyết định giải quyết khiếu nại đó sẽ là cơ sở để ông Thành có thể tiếp tục khiếu nại lên cơ quan hành chính cấp trên hoặc khởi kiện vụ án hành chính.

Ý kiến khác cho rằng ông Thành vẫn có thể gửi lại đơn khiếu nại tại UBND huyện Cần Giờ. Theo Điều 39 Luật Khiếu nại tố cáo (được sửa đổi bổ sung năm 2005), nếu UBND huyện Cần Giờ không chịu giải quyết khiếu nại trong thời hạn luật định, ông Thành có quyền khiếu nại tiếp lên UBND TP.HCM hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án.

THỤY CHÂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm