Cản đường xe ưu tiên, bị xử như thế nào?

Trên mạng xã hội vừa lan truyền một đoạn clip ghi lại cảnh xe cứu hỏa liên tục hú còi ưu tiên xin đường nhưng phía trước là một ô tô bốn chỗ vẫn cố tình phớt lờ. Phải mất một đoạn đường dài khoảng 4 km, xe cứu hỏa mới lách qua được chiếc ô tô để đi làm nhiệm vụ của mình. Sau khi xem clip, nhiều người đã tỏ ra bất bình trước hành động của tài xế ô tô bốn chỗ. 

Bạn Nguyễn Văn Nam bức xúc: "Trường hợp mà có cháy nhà xảy ra thì xe cứu hỏa đến nơi chắc nhà dân cháy xong rồi. Tôi không hiểu tài xế này đang suy nghĩ gì trong đầu nữa, sao người ta có thể bình chân như thế được. Sau clip này, các bác tài cần lưu ý hơn khi gặp xe ưu tiên".

Xe ô tô bốn chỗ cản trở xe PCCC quận 12. Ảnh cắt từ clip

Đại diện PCCC quận 12 xác nhận clip trên là do một chiến sĩ của phòng ghi lại khi trên đường đến nơi chữa cháy.

Theo đó, Cảnh sát PCCC quận 12 nhận tin báo có vụ cháy tại một biệt thự ở huyện Hóc Môn. PCCC quận 12 đã điều động sáu xe cùng hàng chục cán bộ đi dập lửa.

Khi đến đường Nguyễn Ảnh Thủ, đoàn xe gặp chiếc ô tô bốn chỗ biển số TP.HCM chạy phía trước. Tài xế lái xe cứu hỏa liên tục hú còi ưu tiên nhưng xe này vẫn không chịu nhường. Sau khoảng 4 km bám đuôi ô tô, xe cứu hỏa mới lách qua được và chạy đi Hóc Môn dập lửa. Rất may, đám cháy được khống chế nhanh và thiệt hại ít.

Trước sự việc trên, nhiều người dân đặt ra câu hỏi là: Đối với trường hợp cản trở xe ưu tiên thì bị xử lý như thế nào?

Luật sư Nguyễn Sa Linh, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết theo Điều 22 Luật Giao thông đường bộ về quyền ưu tiên của một số loại xe, quy định xe chữa cháy được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào.

Đối với hành vi không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ sẽ bị xử phạt hành chính. 

Cụ thể, đối với người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong hai tháng.

Trường hợp cản trở xe cứu thương, dẫn tới người bệnh không được đưa đi cấp cứu kịp thời và tử vong. Người có hành vi cản trở xe cứu thương trong trường hợp này có dấu hiệu vi phạm về quy định giao thông đường bộ và có thể hoặc sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Ở đây có thể áp dụng tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Khoản 5 Điều 260 BLHS năm 2015 quy định tội “vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ” có ghi: Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm