Cấm tiệt lái xe khi đã uống rượu, bia: Người dân nói gì?

Ngay sau khi thông tin trên được đăng tải, bài viết đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc.

Đồng tình

Bạn đọc Đồng Chinh phấn khởi: “Hoan hô Quốc hội! Với những hệ lụy của rượu bia hiện nay thì cấm tiệt là quá đúng. Ai muốn uống bia rượu khi đi giao tiếp này nọ thì cứ bắt grab, xe ôm mà về. Xã hội sẽ bình yên”.

Đồng tình với Quốc hội, bạn đọc NguoiMienTay cho rằng cấm lái xe khi đã uống rượu, bia như Quốc hội đã tán thành là quá tốt, thiết nghĩ rất nhiều người sẽ đồng ý. Cứ như nước ngoài, tập được tính văn minh, đi ăn nhậu là không lái xe, cứ kêu taxi mà đi. Như vậy an toàn cho bản thân và những người khác.

Với 374 ĐBQH đồng ý, Quốc hội đã cấm lái xe sau khi uống rượu, bia và các chất có cồn.

Lo ngại quy định sẽ không khả thi

Bên cạnh những ý kiến đồng tình thì nhiều còn băn khoăn với việc Quốc hội tán thành bổ sung quy định đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông vào Dự luật Phòng chống tác hại của rượu, bia.

“Cấm tiệt hết e là không khả thi. Mà không khả thi thì dễ dẫn đến hiện tượng lờn luật”, bạn đọc Bay Nen băn khoăn.

Nhiều bạn đọc cho rằng nên giữ nguyên quy định như hiện nay là cấm tiệt người lái xe ô tô uống rượu bia, với người điều khiển xe máy thì nồng độ cồn ngưỡng cho phép thì bị xử lý. Quan trọng nhất rà phải soát lại khâu thực thi pháp luật để đảm bảo quy định được áp dụng đúng người, không bỏ lọt. 

"Văn hóa nước ta còn giỗ quẩy, tiệc tùng, không có giọt bia rượu nào thì khó coi. Để thay đổi điều này không thể một sớm một chiều, phải có thời gian để chuyển đổi ý thức dần, ví dụ như mới đây có đám cưới không bia rượu ở Bình Phước. Do đó, tôi e là quy định cấm tiệt rượu bia ra đời ngay lúc này thì khó khả thi. Nên chăng chỉ nên cấm khi vượt quá nồng độ cồn cho phép đối với xe máy, cấm tiệt bia rượu đối với xe ô tô như quy định của Nghị định 46/2016 đang thực hiện lâu nay. Vấn đề là phải thực thi nghiêm pháp luật hiện có", là bình luận của bạn đọc Chân Trung.

Với biểu quyết của các địa biểu Quốc hội, trong tương lai, các tài xế tuyệt đối không được uống rượu bia  trước khi tham gia giao thông.

Cần phải thực thi pháp luật cho nghiêm trước đã

Bạn đọc Phạm Duy Tuấn nhìn nhận: "Quốc hội nên có giải pháp tốt cho vấn đề này, vì hiện nay pháp luật đã cấm người đi xe xe ô tô có uống bia rượu, cấm người đi xe máy có nồng độ cồn vượt quá ngưỡng cho phép nhưng không đủ tính răn đe cho số người vô ý thức, xem thường pháp luật...".

Bạn đọc Hoàng Thiên Vương cũng  phản ứng trước kết quả này: “Mấy vụ xe điên tông liên hoàn xưa giờ toàn là do ô tô, mà ô tô thì cấm tiệt nồng độ cồn  xưa giờ rồi mà vẫn xảy ra, vậy là do luật hay do người thi hành luật, mà cụ thể là cảnh sát giao thông?

Cấm tiệt như vậy ai đảm bảo là sẽ kéo giảm được, nếu không giảm mà còn xảy ra tình trạng oan sai thì các vị đại biểu có chịu trách nhiệm với người dân không. Ngày xưa với xe máy thay vì phải 0,25 mới bị phạt, nên dù có ăn trái cây lên men, dùng thuốc hoặc dung dịch súc miệng, hay một lý do khách quan nào đó cũng ko đến mức 0.25, bây giờ chỉ cần 0,001 là bị phạt... Vậy ai đảm bảo máy đo không có sai số. Người có bệnh về răng miệng dùng dung dịch sát khuẫn có chứa cồn cũng khỏi chạy xe, hoặc phải chạy vào bệnh viện xét nghiệm máu mỗi khi bị bắt…Rồi những người ăn phải trái cây lên men, uống chút rượu vang, hay ăn 1 muỗng cafe cơm rượu cũng bị giam xe và phạt tiền à?. Cái cần siết thì không siết, cái không cần thì xúm chụm vào chỉnh sửa...”

Bên cạnh đó, có một số bạn đọc cho rằng có thể khó thay đổi thói quen của một bộ phận cư dân trong một sớm một chiều nhưng pháp luật đôi khi phải dẫn đường, định hướng để ý thức của cộng đồng sẽ dần thay đổi theo hướng tốt hơn, phù hợp với một xã hội văn minh, an toàn hơn. 

Sáng nay 14-6, giải trình trước Quốc hội về dự án luật phòng chống tác hại của rượu, bia, Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Nguyễn Thúy Anh đã “tha thiết” đề cập đến quy định cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Tức là đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông.

Bà Nguyễn Thúy Anh cho biết thêm: “Về vấn đề này, UB Thường vụ Quốc hội đã thực hiện xin ý kiến các vị ĐBQH với hai phương án, trong đó phương án cấm người sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông là phương án 1. Nhưng các phương án này đều không đạt được trên 50% ĐBQH tán thành”.

Tuy nhiên, UB Thường vụ Quốc hội nhận thấy, trong tình hình ngày càng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông có liên quan đến việc sử dụng rượu, bia gây ra hậu quả rất nghiêm trọng thì việc quy định cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, tức là đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông là cần thiết.

Trước đề xuất của bà Anh, 77,27% ĐBQH đồng ý bổ sung quy định này vào Dự luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm