Cấm sở, ngành tặng hoa: Nhiều tranh cãi

LTS: Bí thư đồng thời là chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản cấm các sở, ngành, cơ quan, đơn vị không được tặng lẵng hoa khi dự lễ, kỷ niệm, khai trương… để tránh lãng phí. Việc cấm này có hợp lý không khi mà việc tặng hoa đã trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống hằng ngày? Dưới đây là ý kiến của nhiều bạn đọc Pháp Luật TP.HCM về chuyện cấm này.

NGUYỄN THỊ THU NGÂN, nguyên giảng viên Trường CĐ Văn hóa Du lịch Sài Gòn:

Nên tiết kiệm để lo cho dân

Nhu cầu của mỗi người chúng tôi trước tiên là ăn ngon rồi mới tới mặc đẹp. Khi đã đáp ứng đủ cái ăn thì mới nghĩ tới cái nhu cầu làm đẹp. Nói về việc tặng hoa cho nhau, tôi lại nhớ hồi tôi mới ra trường. Lúc làm lễ tốt nghiệp ai cũng được người thân, bạn bè tặng nhau những đóa hoa và tôi cũng được tặng. Và lẽ tất nhiên là có qua thì phải có lại, đến lúc bạn tôi tốt nghiệp thì tôi cũng phải gom góp tiền mua hoa tặng lại. Tôi thấy tặng hoa chỉ vui được giây phút thôi, thay vào đó sao ta không để dành tiền mua một món quà thiết thực tặng cho nhau trong lúc ai cũng đang khó khăn.

Tôi rất tán thành việc cấm tặng lẵng hoa ở tỉnh Quảng Ngãi. Bởi lẽ đất nước mình còn nghèo, hãy dành kinh phí để chăm lo cho đời sống người dân trước rồi hãy chú trọng đến hình thức. Để thể hiện sự quan tâm với nhau trong những ngày kỷ niệm hay lễ lớn, các đơn vị hãy trực tiếp đến thăm hỏi nhau xem như đã là món quà quý nhất rồi.

Diễn viên LAN PHƯƠNG: Tôi không chọn tặng hoa

Tôi rất thích hoa, nếu có người tặng hoa đẹp tôi rất thích. Thế nhưng sau khoảnh khắc thích đó, với đặc thù công việc di chuyển nhiều, tôi lại không có thời gian chăm sóc hoa lâu nên chỉ một, hai ngày sau hoa lại hỏng. Mỗi lần bỏ một bó hoa tôi lại thấy xót công người tặng lẫn tiếc cho hoa. Từ đó, tôi thường không tặng hoa cho mọi người. Với những người thân, tôi thường chọn món quà nho nhỏ nào đó nhưng thân tình. Hoặc có thể một vài bông hoa nho nhỏ được bó lại cho những ai rất thích được nhận hoa. Tôi không thích nhận lẫn chọn tặng ai đó những lẵng hoa lớn, rườm rà theo công thức mà thích những bó hoa nhỏ, bó đơn giản thôi!

MC BÌNH MINH: Chọn hoa vừa phải

Tôi nhớ những ngày còn diễn ở Sân khấu kịch Phú Nhuận, mỗi lần diễn xong khán giả hâm mộ lên sân khấu tặng hoa cho tôi. Với người nghệ sĩ, điều đó vô cùng cảm động. Bởi đó là tấm lòng khán giả dành cho mình… Những lúc đó, sau khi nhận hoa tôi cám ơn khán giả hâm mộ và đặt hoa lên bàn thờ tổ ở sân khấu.

Những dịp bạn bè, đối tác khai trương hay khánh thành tôi vẫn mua hoa tặng với hàm ý chúc mừng sự thành công của họ. Tôi thường chọn hoa ở mức độ vừa phải, không quá đắt đỏ hay quá khủng. Tôi không muốn chọn hoa để thể hiện theo kiểu hoa càng to địa vị càng cao, càng nhiều tiền… Tôi nghĩ người được nhận luôn muốn lẵng hoa đẹp chứ không phải những lẵng hoa khổng lồ.

Ông TRẦN CÔNG KHANH, phường An Lạc, quận Bình Tân (TP.HCM):

Tặng hoa để thể hiện tấm lòng

Muốn thể hiện sự quan tâm lẫn nhau không chỉ thể hiện bằng lời nói mà đôi khi còn kèm theo một bó hoa để thấy được sự trang trọng và thành kính. Tôi dự các buổi khai trương của các doanh nghiệp và việc tặng lẵng hoa để chúc mừng được coi là một món quà đầy ý nghĩa. Khi khai trương, động thổ mà nhận được nhiều hoa thì rất có ý nghĩa, nó như sự khởi đầu may mắn cho việc kinh doanh sắp tới. Đồng ý là việc bỏ ra một số tiền tương đối để mua một lẵng hoa chỉ để ngắm vài giờ là hơi lãng phí nhưng điều này còn mang cả giá trị tinh thần nên thành ra cũng bình thường. Tôi thấy tặng hoa cho phái đẹp là thể hiện sự ga lăng, lãng mạn, còn tặng hoa cho đối tác là thể hiện sự quan tâm, chúc mừng.

Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Một văn hóa đẹp

Xã hội càng phát triển, con người ngày càng chú trọng đến hình thức nhiều hơn. Việc tặng quà cho nhau là thể hiện sự quan tâm lẫn nhau. Tuy nhiên, để tránh sự biến tướng trong cách tặng quà thì việc tặng hoa là  điều hợp lý nhất. Tôi thấy tặng hoa nhân một ngày trọng đại nào đó của cơ quan cũng hay, nó được xem là một văn hóa riêng cho sự quan tâm.

Ông BÙI THANH SƠN, chủ vườn hoa Thái Phiên, TP Đà Lạt, Lâm Đồng:

Nhiều người sẽ thất nghiệp

Hiện nay, nhu cầu thưởng thức và sử dụng hoa của người dân ngày càng cao. Để đáp ứng nhu cầu này, những người trồng hoa chúng tôi luôn phấn đấu để đáp ứng tốt nhu cầu ấy. Thật ra, nghề trồng hoa cũng giống như trồng lúa hay trồng các hoa màu khác. Cầu cao thì cung cũng sẽ cao và ngược lại. Nếu có nguồn tiêu thụ hoa cao, thu nhập của nhà vườn ổn định hơn thì sẽ góp phần phát triển kinh tế đất nước. Nếu tỉnh nào cũng có quy định cấm, hạn chế việc sử dụng hoa thì tôi nghĩ sẽ rất khó khăn cho chúng tôi. Và không những nông dân trồng hoa gặp khó khăn mà còn kéo theo những dịch vụ khác như kết hoa, mua bán hoa, giao hoa cũng rơi vào tình trạng tương tự.

TRẦN THU THỦY, chủ cửa hàng hoa trên đường Lạc Long Quân, quận 11, TP.HCM:

Tôi kinh doanh dịch vụ hoa tươi đã nhiều năm nay. Dịch vụ kết và bán lẵng hoa mang lại doanh thu cao nhất cho cửa hàng. Đa phần người dân đến đây đặt lẵng hoa để mừng khai trương, đám tang, lễ, tết… Nếu giờ Nhà nước quy định hạn chế việc tặng lẵng hoa thì việc kinh doanh của chúng tôi sẽ gặp khó khăn.

Tặng gì thay hoa?

Nghĩ buồn cười, trong tiếng Việt, hầu hết những gì gắn với hoa đều khơi lên suy luận nhiều chiều và từ đó, trong hầu hết trường hợp, nó dấy lên những tranh luận nhiều khi bất phân thắng bại. Tỉ như “hoa hậu”, “hoa lợi”, “hoa nguyệt” và... bán hoa!

Câu chuyện lẵng hoa trong dịp lễ lạt cũng vậy. Thực ra Quảng Ngãi không phải địa phương đầu tiên ra quyết định cấm các cơ quan, đơn vị gửi lẵng hoa chúc mừng khi được mời dự kỷ niệm ngày truyền thống, ngày thành lập... Cách đây 10 năm, có một vị lãnh đạo khi đến dự lễ khởi công một khu công nghiệp đã âm thầm đếm các lẵng hoa, rồi nhắc đến ngay phần mở đầu lời phát biểu: “Tôi đã đếm được cả thảy có 27 lẵng hoa chúc mừng (...), như vậy là lãng phí, nếu không tiết kiệm từ những chuyện nhỏ ấy thì làm sao đất nước tiến nhanh, tiến mạnh được. Tôi nhắc chung (...), lần sau mà tôi có đến dự, nếu thấy nhiều lẵng hoa như thế, tôi sẽ quay về luôn không dự đâu đó!”.

Địa phương sát nách Quảng Ngãi là tỉnh Quảng Nam cũng từng có đơn vị nhắc thẳng khách đến dự ngày lễ lớn của ngành mình: “Nếu có nhã ý gửi tặng hoa thì xin quy ra tiền mặt để chúng tôi hỗ trợ người nghèo”. Sau đó, họ thu được khoản tiền kha khá và tặng một số phụ nữ nghèo lấy vốn làm ăn. Nhưng theo báo chí, sau đó không thấy đơn vị nào học cách làm này nữa.

Có cơ sở trồng hoa lại nghĩ ra “lẵng hoa sinh thái”: Hoa và lá thuộc loại dễ sống và sống lâu, người được tặng chỉ cần tưới nước dinh dưỡng thì có thể nuôi lẵng hoa đến tận hai, ba năm. Tuy nhiên, ý tưởng này không được hưởng ứng rộng rãi.

Nhưng tôi không nghĩ rằng nên cấm toàn bộ việc dùng lẵng hoa để chúc mừng. Đóa hoa tuy chỉ rực rỡ trong vài ba tiếng nhưng vẻ đẹp không thể thay thế của nó là vĩnh viễn. Không có hoa thì không thể làm nên không khí vui tươi của lễ hội.

Có một cách tiết kiệm theo tôi khá hợp lý mà một số nơi đã làm. Đó là các lẵng hoa luân lưu: Chủ nhà chuẩn bị sẵn năm bảy lẵng hoa và băng chào mừng, khi khách đến chỉ cần gắn băng ghi tên khách, dẫn họ vào hội trường, chụp ảnh lưu niệm xong lại đem lẵng hoa đó ra dùng cho đơn vị đến sau. Xong hết, các lẵng hoa này tiếp tục dùng trang trí cho buổi lễ.

Còn với các đơn vị, tổ chức ngoài nhà nước, tiền là do họ tự kiếm được nên dĩ nhiên không thể cấm.

Chỉ nêu lý do chống lãng phí cũng chưa hẳn thuyết phục, vì trồng hoa, kinh doanh hoa là một ngành nghề mang lại nhiều công ăn việc làm và lợi nhuận cao. Hoa được tiêu thụ càng nhiều chứng tỏ xã hội ấy càng bình yên, vui tươi và giàu có.

Trong hoàn cảnh của ta, tôi nghĩ vận dụng câu “liệu cơm gắp mắm” là phù hợp.

HOÀNG XUÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm