Cấm rượu bia sau 22 giờ: Để vợ không phải xách dao... chém chồng

Rất nhiều ý kiến cho rằng quy định này sẽ khó có thể áp dụng ở Việt Nam khi “văn hóa nhậu” đã ăn sâu vào mọi ngóc ngách của đời sống. Khó khả thi vì lấy đâu ra lực lượng để đi kiểm soát, kiểm tra để phạt các đối tượng vi phạm.
Theo TS. Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), Tổ trưởng Tổ Biên tập dự thảo Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia, mục đích của Luật này là dự phòng cấp 0 (dự phòng từ xa) trong việc nâng cao sức khỏe con người, phòng chống bệnh tật và giảm tác hại của việc lạm dụng rượu bia đối với sức khỏe của người uống bia rượu; góp phần vào an ninh trật tự, an toàn xã hội và đặc biệt là hạn chế các tai nạn giao thông do uống rượu, bia gây ra.
Bị vợ… xách dao chém vì ăn nhậu
Tại Việt Nam, bia, rượu là nguyên nhân gây ra những hậu quả ở mức báo động như: 70% số vụ tai nạn giao thông; 68% số vụ bạo lực gia đình; 38% số vụ gây rối trật tự an toàn xã hội. Bình quân mỗi năm, mỗi người dân Việt Nam uống 32 lít bia. Với đà tăng như hiện nay thì 10 năm nữa, con số sẽ là 56 lít bia cho mỗi người trong một năm. Riêng năm 2013, Việt Nam đã tiêu thụ khoảng trên 3 tỷ lít bia, tăng gấp 3,5 lần so với 9 năm trước đó. Như vậy việc cấm bán rượu bia là rất đúng và đáng lẽ phải được thực hiện từ rất lâu rồi mới phải
Không cần phải nghiên cứu đâu xa, chỉ cần đi qua các quán nhậu mọi người sẽ thấy mức độ tiêu thụ bia rượu ở nước ta là đang ở mức như thế nào. Các quán nhậu đông nghịt ngay từ giờ tan sở, và càng lúc càng đông kéo dài cho đến tận khuya.
Bản thân người viết bài này đã từng nhiều lần chứng kiến những cuộc nhậu “giải stress” sau khi tan sở của các cán bộ nhân viên ở một số công ty.
Tổ chức ăn nhậu ở các công ty hầu như khá thường xuyên. Việc vui vẻ giải stress sẽ là bình thường nếu việc ăn nhậu đó chỉ diễn ra vài lần trong một tháng và chỉ kéo dài vừa đủ để có thể lái xe về nhà. Nhưng hầu hết các cuộc nhậu tại Việt Nam đều là “không say không về”.

Cấm rượu bia sau 22 giờ: Để vợ không phải xách dao... chém chồng ảnh 1
Không say, không về 

Anh S. là lái xe ở KCX Tân Thuận mà người viết quen, đã có lần bị vợ cầm… dao rượt chém cũng chỉ vì quá bức xúc chuyện anh thường xuyên đi nhậu về khuya. Anh phân trần: “mình cũng đâu có muốn về trễ đâu, nhưng anh em chưa về, mình bỏ về trước vì… vợ kêu thì kỳ lắm. Với lại, công ty tổ chức ăn nhậu, mình không tham gia thì chẳng có ai chơi với mình đâu”.
Chị vợ anh, vừa bận chăm sóc ba đứa con (đứa lớn 13 tuổi, đứa nhỏ mới 6 tuổi) vừa phải bán hàng ngoài chợ nên hàng ngày trông mong chồng về sớm để phụ giúp được việc nào hay việc đó, nhưng… chồng “như bóng chim tăm cá”. Chị bảo: “tui chả muốn ngăn cản việc các ông ấy ăn nhậu với nhau đâu, nhưng cũng phải có mức độ thôi, ăn nhậu gì mà tuần nào cũng có, 7 ngày thì hết 4 ngày rưỡi chồng về nhà là có mùi rượu, mà có về sớm đâu. Đi làm từ 7h30 nhưng đến 11, 12 giờ đêm mới mò về. Lắm hôm còn về không nổi phải ngủ lại nhà bạn. Sức chịu đựng của tui cũng có giới hạn thôi chứ. Tức quá, nói không được tui chém ổng mà ổng có chừa đâu, vẫn không bỏ nhậu bữa nào”.

Chị còn kể tui gọi điện cả đến công ty gặp giám đốc dọa mà việc ăn nhậu của công ty ấy cũng chẳng thay đổi gì. Vợ chồng cứ như mặt trăng mặt trời suốt.

Thói quen có thể điều chỉnh 
Lý do cho các cuộc ăn nhậu rất đa dạng, xả stress, vì công việc làm ăn, tiếp đối tác, ăn mừng sinh nhật, khao lương, đón người mới, tiễn người cũ, giao lưu, xả stress sau một ngày làm việc căng thẳng...
Việc các ông chồng đi nhậu sau giờ làm đã trở thành điều rất nhiều bà vợ chấp nhận và coi đấy là bình thường. Thậm chí hình ảnh cả gia đình quây quần bên bữa cơm tối mỗi ngày trở thành ước mơ của nhiều gia đình.
Người viết bài này, sau nhiều phen “xông pha” cùng các ông ở nhiều các buổi nhậu đã nhận thấy rằng, thói quen tụ tập ăn nhậu sau giờ tan sở, đi thêm “tăng 2” karaoke để nhậu tiếp là có và rất phổ biến.
Luôn có tình trạng chuốc rượu hay khích nhau uống để chứng tỏ nam tính với những tiếng hô "trăm phần trăm" và "dô dô" để rồi nhiều người gục bên bàn nhậu vì say xỉn. Khi buổi nhậu đến cao trào, ai cũng ép nhau, mời nhau cụng ly, phải uống hết, không uống hết là không thật lòng…
Nhiều ông, điện thoại vợ gọi đến “hỏi han” thúc giục nhiều như những lần cụng ly.
Có ông, chị vợ gọi không được (vì chồng tắt máy nhằm mong nhậu cho yên thân) đã gọi cho hết lượt những người bạn chồng ngồi cùng bàn mà mình biết số điện thoại, gọi cho cả ông… giám đốc để đòi chồng. Nhưng rồi tất cả cũng chìm lấp vào những câu chuyện “chém gió” của mấy ông và tiếng cụng ly chan chát. Đến giữa buổi nhậu, người chồng đó đã quên hoàn toàn vợ con mình ở nhà đang nhấp nhổm trông đợi mình đến thế nào.
Buổi nhậu kéo dài đến 10 hoặc 11 giờ đêm và mọi người lại hào hứng đề xuất đi tiếp đâu đó “xả stress”. Quán karaoke thường được coi là một gợi ý tốt nhất. Đến đó, lại tiếp tục uống bia hoặc rượu. Những câu chuyện không đầu không cuối dường như không bao giờ kết thúc.
Khi cuộc vui tàn, thường thì đã 1, 2 giờ sáng. Giờ đó, các bà vợ đã ngủ gục trong chập chờn vì chờ chồng, trong mệt mỏi vì lo lắng, bất an khi chồng đi nhậu về khuya, chìm ngập trong bao nhiêu mối lo lắng cho chồng vì xe cộ… Cứ thế, ngày này qua ngày khác…
Nên cấm và cấm được
Như vậy, việc quy định không bán rượu bia sau 22 giờ là hoàn toàn thiết thực và mang lại nhiều lợi ích đối với cộng đồng, xã hội.
Cấm bán bia rượu sau 22 giờ và xử phạt người uống rượu bia sau 22 giờ ít nhất sẽ có tác động rất lớn đến những người nhậu nhẹt như trên. Việc ăn nhậu sẽ được chấm dứt sớm.
Ngay khi có quy định và chế tài, mặc nhiên mọi người sẽ tự động thích nghi.
Sẽ có nhiều người đàn ông về nhà sớm hơn với vợ con, cùng chăm sóc, dạy dỗ con, chia sẻ việc nhà với vợ, thay vì vui thú vui riêng ở ngoài như thế. Giao thông sẽ bớt nhiều những tai nạn không đáng có vì bia rượu.
Bớt “ngồi đồng” nhậu nhẹt, sức khỏe của nhiều người cũng sẽ được cải thiện đáng kể, giảm được nhiều chiếc “bụng bia” xấu xí.
Nhiều gia đình sẽ thường xuyên có những bữa cơm chung. Con cái được gần gũi, tiếp xúc với ba nhiều hơn, tình cha con sẽ gắn bó hơn.
Tình hình phức tạp do hậu quả bia rượu mang lại như tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông… sẽ giảm hẳn.

Khó như quy định đội mũ bảo hiểm mà đã thực hiện được, thì việc có ích như cấm bia rượu cũng sẽ thực hiện được rất nhanh nếu như có sự đồng lòng của cả xã hội.

L.THANH

 

Dự thảo Luật Phòng chống tác hại lạm dụng rượu bia của Bộ Y tế đề xuất cấm bán rượu bia từ 22h đến 6h sáng hôm sau, người uống rượu bia sau 22h cũng có thể bị xử phạt. Dự thảo cũng quy định các trường hợp dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú... không được uống rượu bia và quy định kiểm soát mỗi cá nhân chỉ được uống 2-3 lon bia hoặc 2-3 chén rượu. Đề xuất nhận được nhiều ý kiến trái chiều, phần lớn nghi ngờ về tính khả thi của dự thảo khi việc ăn nhậu ở nước ta gần như được tôn là “văn hóa”.

Các phương án về giờ cấm bán rượu bia

Phương án 1:

Không được bán rượu, bia trong khoảng thời gian sau 22h đến 6h sáng tại một số địa điểm theo danh mục và lộ trình quy định của Chính phủ phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và yêu cầu phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia.

Phương án 2:

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định việc cấm bán rượu, bia tại một số địa điểm trong khoảng thời gian phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và yêu cầu phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia.

Phương án 3:

Chưa quy định thời gian cấm bán rượu, bia trong dự thảo Luật.

Theo ông Quang, phương án 1 được tổ biên tập ưu tiên. Đây là phương án tối ưu, sẽ có tác dụng tích cực nhằm giảm lạm dụng rượu, bia nhưng cần nỗ lực cao trong tổ chức thực hiện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm