Cai nghiện game cho hàng trăm trẻ

Cứ đều đặn từ 7 đến 9 giờ tối, có một nhóm học trò đến bên góc vỉa hè trước trụ sở tổ bảo vệ dân phố thị trấn, xếp ghế ngay ngắn để nghe thầy Phước giảng bài.

Lớp học dưới ánh đèn đường

Dưới ánh đèn đường, đám trẻ say sưa như rót từng lời của thầy vào tai, thay cho những giờ chơi game thâu đêm, lê la quán xá lề đường để mưu sinh đánh giày, bán vé số, thèm nghe lời người lớn dạy bảo mà không có.

Giáo án thầy truyền thụ không phải là những phép toán hay công thức hóa học mà là những bài giảng về tình người, tác hại của game, ma túy, những mẩu chuyện nhỏ lồng ghép kiến thức pháp luật. Đó là những trải nghiệm của chính anh và kiến thức anh tích lũy từ nhiều năm.

Khi thấy con em ngoan hơn, không phờ phạc vì game nữa, nhiều phụ huynh đến cảm ơn anh thì họ ngạc nhiên vì “ông thầy bất đắc dĩ” này xuất thân là thợ sửa máy. Ngoài trẻ em lang thang, nghiện game, vi phạm pháp luật, anh thợ sửa máy này còn bỏ thời gian, công sức tổ chức nhóm học cho các em nhỏ ở địa phương. Lớp học lúc thì bên vỉa hè, góc đường, dưới tán cây, trong quán nước, cũng có khi trong trụ sở bảo vệ dân phố bất kể trời nắng hay mưa.

Trước đây, người dân địa phương đã quen với hình ảnh của một anh Phước thợ máy, anh Phước dân phố. Vậy mà hơn ba năm nay, ai cũng tò mò khi thấy anh suốt ngày lên lớp, mời họp phụ huynh. Người ta bàn tán: “Trời, cha Phước này đổi nghề rồi sao?”. Có người còn mỉa mai: “Chắc lại cái tật ăn cơm nhà, lo chuyện hàng xóm đây!”.

Cai nghiện game cho hàng trăm trẻ ảnh 1

Anh Phước (giữa) và các học trò tại “lớp học vỉa hè”. Ảnh: T.QUỐC

Những kỷ niệm khó quên

Ở huyện Cần Giuộc, nạn côn đồ xin đểu, học sinh đánh nhau, mê game bỏ học thường xuyên diễn ra. Nhiều năm làm bảo vệ dân phố, lại là một người cha, anh Phước nhận ra thực tế đáng lo ngại ấy. “Phải làm điều gì đó để cải thiện tình trạng này” - anh đã nhiều lần nhủ lòng như thế. Do đặc thù công việc, anh vẫn thường lân la ở các quán cà phê để nắm tình hình an ninh. Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ khó khăn hơn khi đối tượng tiếp cận là đám trẻ hành nghề đánh giày, bán vé số dạo hư hỏng do bươn chải sớm. “Đúng như người ta thường nói, không có đứa trẻ nào mới sinh ra đã hư hỏng mà phần nhiều là do môi trường sống. Các em phần lớn đều là trẻ bán vé số dạo, lang thang không gia đình, không được học hành như những trẻ đồng trang lứa. Thương tụi nhỏ, tôi cố làm sao để tụi nó chú ý đến mình, rồi dạy chúng từ từ theo kiểu mưa dầm thấm lâu. Với giao ước ban đầu nghe buồn cười, đứa nào lỡ chửi thề một lần sẽ bị đứa kế bên tát vào miệng một cái. Nếu đứa nào phát hiện tôi chửi thề thì có quyền tát tôi bao nhiêu cái cũng được. Có lẽ chính cái kiểu giáo dục… lạ đời như thế nên lâu dần đám trẻ lang thang đã ngoan hơn, không còn tái phạm” - anh Phước nhớ lại những ngày đầu tiên vào vai người thầy bất đắc dĩ cách đây tám năm.

Có một trường hợp làm anh nhớ mãi đó là em TCP, học sinh cá biệt lớp 8 Trường THCS Nguyễn Thị Bảy, bỏ học, ở lại lớp vì mê chơi game. Sau vài ngày dự lớp học đặc biệt của anh, P. đã quay lại lớp. Niềm vui của phụ huynh, giáo viên chưa được bao lâu thì khoảng một tuần sau, em lại “ngựa quen đường cũ”. Anh đã bỏ ra cả ngày đi lùng sục các quán Internet của thị trấn và bắt gặp P. đang say mê chơi game. Dù rất giận nhưng anh vẫn nhẹ nhàng đến bên cạnh, vỗ vai em P. nói chỉ một câu: “Nói dối là không tốt đâu con!”, rồi lặng lẽ trả tiền đưa P về. Học kỳ 1 năm học 2011-2012, P. đạt danh hiệu học sinh tiên tiến và không động đến game nữa.

Một kỷ niệm để đời nữa là nữ sinh tên KH học Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu thường xuyên trốn học, đánh nhau với bạn. Thời gian đầu, khi gặp anh KH tỏ thái độ rất xấc xược nhưng nhờ tấm lòng kiên trì của một người thầy, người cha, KH dần ý thức và học chăm hơn. Hai năm sau, vào ngày 20-11, anh bất ngờ nhận được một tấm thiệp nhỏ xinh xắn, bên trong có ghi dòng chữ: “Cảm ơn người thầy của cuộc đời con, KH”.

Dạy học không lương

Cô Nguyễn Thị Hồng Nga, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thị Bảy, nhớ lại: “Học sinh bỏ học phần lớn vì game luôn là bài toán nan giải của trường. Khi nghe tiếng anh Phước giỏi “trị” mấy đứa trẻ chưa ngoan, ban giám hiệu liền tìm cách liên hệ với anh. Thật bất ngờ, anh sẵn lòng giúp nhà trường ngay khi chúng tôi đề cập mà không đưa ra điều kiện nào”.

Thế là từ năm 2011 đến nay, người dân địa phương lại thấy anh Phước càng bận rộn hơn. Anh thường cất công lặn lội, sục sạo ở các quán Internet để tìm các em trốn học rồi đưa về nhà dù đêm hôm khuya khoắt. Đến nỗi một số chủ quán cũng phải lên tiếng: “Ông làm kiểu này, ai dám vô chơi tiệm tui nữa”.

Đến nay lớp học lề đường của anh mỗi ngày một đông, có hôm cao điểm lên đến 40 em. Ở đó có cả những trẻ em từng móc túi, đánh nhau, xin đểu bị lập danh sách đưa vào cơ sở giáo dưỡng. Hiện tại, nhờ anh và địa phương kết hợp giáo dục, trực tiếp đến các cơ sở xin việc mà phần lớn các em này đã nên người, có việc làm ổn định.

Và có lẽ chính sự đổi đời của hàng trăm số phận trẻ em đã truyền lửa cho anh tiếp tục làm nốt vai trò của một “thầy giáo bất đắc dĩ”.

Được gia đình và nhà trường tin tưởng, hiện nay tại các lớp 7A3, 7A6, 8A3, 9A3, Trường THCS Nguyễn Thị Bảy (có nhiều học sinh vi phạm, bỏ học - PV), cứ mỗi tuần có 2 tiết sinh hoạt lớp thì giáo viên đã ưu tiên dành hẳn một tiết cho anh Phước. Từ năm 2011 đến nay, anh Phước liên tiếp nhận hàng chục giấy khen từ cấp huyện đến tỉnh về “Mô hình phòng chống xâm hại trẻ em”.

Theo thống kê của Trường THCS Nguyễn Thị Bảy, hơn ba năm nay đã có trên 100 học sinh nghiện game, bỏ học đã được anh Phước giáo dục thành công.

Những đóng góp mang tính tự nguyện không vụ lợi của anh Lê Phát Phước thời gian qua có ý nghĩa rất lớn. Nhờ anh mà nhiều trẻ em nghiện game, bỏ học, vi phạm pháp luật đã thay đổi và nhận ra con đường trau dồi tri thức là đúng đắn. Đây cũng là mô hình “độc nhất vô nhị” của địa phương từ trước đến nay.

Ông TRẦN THANH PHONG, Bí thư Đảng ủy Thị trấn
Cần Giuộc, Long An

TẤN QUỐC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm