Cách nào chấm dứt nạn bạo hành trẻ em?

Thỉnh thoảng, những thông tin không hay về nạn bạo hành trẻ em cứ xuất hiện trên mặt báo. Hết chuyện trẻ ở Đồng Nai bị bảo mẫu đánh đập lại đến chuyện một bé gái ở Bình Phước bị chính mẹ ruột cắt ngón tay và gân chân. Hết chuyện một bé trai bị cha dượng dùng roi điện quất liên tiếp vào người, gây thương tích 14% lại đến chuyện một bé gái ở Gia Lai bị người nuôi dưỡng hành hung dã man...

Vì sao nhiều người lớn nỡ hành hạ những trẻ nhỏ chưa đủ sức phản kháng và cũng không có khả năng tự bảo vệ mình? Vì sao nhiều người mẹ lại nhẫn tâm hành hạ đứa con dứt ruột đẻ ra?

Nhiều phụ huynh vẫn còn duy trì kiểu giáo dục “thương cho roi cho vọt”, đồng thời cho rằng “Con tôi thì tôi có quyền dạy sao cũng được!”. Nhiều người dân vẫn còn bàng quan, thờ ơ với cái xấu, cái ác đang diễn ra hàng ngày ở gần nhà. Rồi nhiều cán bộ cơ sở, chính quyền địa phương vì quá nhiều việc nên không thể quán xuyến, theo dõi để có thể kịp thời phát hiện những trường hợp ngược đãi, hành hạ trẻ em... Thế còn pháp luật, mặc dù mức phạt chưa nghiêm nên chưa đủ sức răn đe nhưng chẳng lẽ cứ phải tiếp tục đợi khi báo chí thông tin mới lăng xăng vào cuộc?

Theo phân tích của nhiều chuyên gia, tuy các quy định về việc bảo vệ trẻ em đã có từ lâu nhưng việc thực thi còn yếu. Chắc chắn các cơ quan chức năng thừa biết việc này nhưng tại sao không la lên để được tiếp sức, chung tay xử lý? Phía địa phương, thay vì đổ lỗi khách quan thì nên tính sao để có thể ngăn chặn, triệt tiêu các vi phạm? Là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới tham gia công ước quyền trẻ em, chúng ta không thể dễ dàng chấp nhận những thỏa hiệp vô tình, gây thiệt hại về nhiều mặt cho sự phát triển của trẻ nhỏ vốn luôn cần được bảo vệ ở mức tối đa.

Đã đến lúc cả cộng đồng phải tính ngay những biện pháp chủ động bảo vệ, chăm sóc các em cho tốt hơn, đừng để xảy ra những trường hợp thương tâm tương tự.

NGUYỄN THY MAI (Long An)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm