Cách cha mẹ giúp con tránh bị xâm hại

Trước nhiều vụ việc xâm hại trẻ em vừa qua, Pháp Luật TP.HCMđã nhận được nhiều câu hỏi của bạn đọc liên quan đến các kỹ năng cần thiết giúp trẻ tự bảo vệ và thoát khỏi các tình huống xâm hại.

Dưới đây là một số tình huống điển hình mà các em hay gặp, được các phụ huynh đưa ra. Báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thế Nhân, Giám đốc Trung tâm Phát triển cộng đồng và Công tác xã hội, để giải đáp những câu hỏi trên.

Dạy trẻ hét lớn, chạy khỏi nơi nguy hiểm

. Gần đây con tôi nói mỗi khi đi công viên chơi thường bị bác bảo vệ nói quần áo của con tôi bị bẩn và kêu con cởi quần áo ra để bác giũ bụi đất. Khi cởi quần áo cho con tôi, bác bảo vệ đã sờ vào các bộ phận nhạy cảm của con. Trước tình huống này, tôi nên dạy con những kỹ năng gì?

+ Ông Lê Thế Nhân: Trong tình huống này, phụ huynh nên hướng dẫn trẻ hét thật lớn với nội dung có thể là: “Bác không được cởi quần cháu!”, “Bác không được sờ vào… của cháu”… để được mọi người xung quanh giúp đỡ. Đồng thời, trẻ nên chạy khỏi nơi người thực hiện hành vi nguy hiểm hoặc tìm người giúp đỡ.

Riêng phụ huynh không chỉ hướng dẫn cho con các kỹ năng cần thiết để thoát khỏi hành vi xâm hại mà bản thân cũng cần hành động kịp thời như theo dõi hoạt động của con trong những lần đến công viên này. Qua đó có thể thu thập bằng chứng, ngăn chặn và tố giác hành vi xâm hại tới cơ quan công an.

. Con gái tôi 14 tuổi, thường xuyên theo dõi các diễn đàn trên mạng, gần đây tôi thấy con trò truyện bằng Viber với một người đàn ông. Mỗi lần nói chuyện, người này thường kêu con tôi mặc trang phục hở hang, rủ đi vũ trường… Tôi có ngăn cản, quản lý việc con sử dụng điện thoại, vi tính nhưng càng cấm con tôi càng lén liên hệ với người đó. Tôi phải làm sao?

+ Điều đầu tiên cha mẹ nên làm là tâm sự với con để hiểu mối quan hệ giữa con với người đàn ông đó. Cùng con thảo luận về những lợi ích và nguy cơ khi liên hệ với người này.

Phụ huynh cần thực sự kiên nhẫn, lắng nghe để con chủ động đồng ý cho tiếp cận các nội dung trò chuyện trên mạng. Từ đó cùng quyết định với con là nên ứng xử như thế nào với mối quan hệ đó.

Khi có các bằng chứng xác thực rằng người đàn ông kia đã có hành vi khiêu dâm, dụ dỗ/xâm hại thì hãy tố cáo ngay đến cơ quan công an. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng có thể yêu cầu các nhà mạng cung cấp dịch vụ cài đặt chế độ trẻ em cho các thiết bị truy cập Internet ở nhà.

Lắng nghe, thấu hiểu, tôn trọng và cùng con quyết định sẽ là điều cha mẹ nên làm thay cho việc cấm đoán, suy đoán, chỉ trích hay định kiến, áp đặt.

Một buổi tập huấn của Trung tâm Phát triển cộng đồng và Công tác xã hội về phòng, chống xâm hại trẻ em. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Bị xâm hại không phải lỗi của trẻ

. Con gái tôi 15 tuổi, hằng ngày con gái tôi đi xe buýt đến trường. Gần đây, trên xe buýt con tôi bị một người lạ sờ vào các bộ phận nhạy cảm nhưng sợ xấu hổ nên không dám kêu cứu và không dám đi xe buýt hoặc là đến những nơi có đám đông nữa. Tôi phải làm sao để cháu tự tin trở lại?

+ Cha mẹ, người lớn cần phải nói với trẻ rằng việc bị một ai đó xâm phạm thân thể, xâm hại mình không bao giờ là lỗi của mình. Người có hành vi xâm phạm, xâm hại đó mới là người đáng xấu hổ. Như trong trường hợp trên, người lớn cũng dạy cháu phải hét lớn, tìm sự giúp đỡ và tránh xa người đó.

Tiếp đến là nhờ mọi người nhường đường để tiến lên đầu xe buýt, gần hơn với tài xế và người soát vé, những người có trách nhiệm trên xe.

. Mỗi khi chỉ bài cho con tôi, thầy giáo của con gái tôi thường áp sát mặt mình lên má con tôi, tay sờ vào vai, lưng, mông. Con tôi rất sợ mỗi khi thầy làm như vậy nhưng không dám phản ứng. Cách nào để con tôi tránh được hành vi này của người thầy?

 + Sợ hãi là một tâm lý thường thấy ở trẻ nhỏ, đặc biệt là khi có sự mất cân bằng về vị trí, quyền lực. Cho nên việc con bạn quyết định không gây chú ý để tìm người giúp đỡ, ngăn chặn hành vi của thầy giáo thì càng làm cho tình trạng tiếp tục duy trì. Trẻ nên ứng xử bằng cách nói lớn rằng: “Thầy làm con nhột!”, “Thầy đừng nhéo con, đau quá!”...

Một mẫu câu gây chú ý mà phụ huynh có thể dạy cho trẻ như sau: Người cụ thể + “không có quyền” + hành vi cụ thể + tôi/con/em. Trong tình huống trên tại lớp học, trẻ có thể nói lớn lên là “Thầy không có quyền sờ vào mông con!”.

Ba điều phụ huynh không nên làm khi con bị xâm hại

- Lo sợ, xấu hổ để rồi im lặng, che giấu sự việc.

- Chỉ trích, đổ lỗi, cô lập trẻ.

- Đưa thông tin vụ việc với đầy đủ hình ảnh, thông tin cá nhân, tình huống bị xâm hại lên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội để bảo vệ quyền riêng tư của trẻ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm