Các trò lừa trên mạng dịp cuối năm

Mặc dù công an và các cơ quan chức năng luôn cảnh báo nhưng thời gian qua vẫn có nhiều người bị lừa chuyển tiền sau khi làm quen qua Facebook, Zalo, Viber… Mới đây, chị Lê Hoàng Yến (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) thoát cú lừa cũ rích của bọn này.

Theo chị Yến, đầu tháng 11-2016, chị kết bạn với một tài khoản Facebook có tên Johnson Chirst và người này giới thiệu là đang ở nước ngoài. Sau nhiều lần trò chuyện, người này cho biết đang làm ở lĩnh vực dầu khí, sắp sang Việt Nam đầu tư. Hai người hẹn hò và người này thông báo ngày mình xuống sân bay Tân Sơn Nhất, mong chị Yến ra sân bay đón.

Đến ngày hẹn, Johnson Chirst nhắn qua Facebook cho chị, thông báo là đang bị công an sân bay bắt giữ, nhờ chị Yến chuyển 111 triệu đồng vào một tài khoản để “trao đổi với công an”. Tuy nhiên, những tin nhắn mà Johnson Chirst gửi cho chị có cấu trúc câu được dịch từ Internet cùng với sự cảnh giác, chị nhận ra mình đang bị lừa nên “vuốt”: “Đã nhờ bạn gửi tiền rồi” và ngưng nói chuyện.

Công an liên tục cảnh báo nạn “mê trai thích quà”  sẽ nở rộ vào dịp cuối năm. (Ảnh minh họa)

“Hàng, quà bị kẹt tại sân bay, trong thùng hàng có nhiều quà, tiền…, em đóng tiền cho nhân viên hải quan, công an, nhân viên chuyển phát nhanh để lấy ra”… là những “chiêu” cũ rích, đã được công an, cơ quan chức năng cảnh báo nhưng lắm người ham quà, hám lợi vẫn bị lừa.

Ngoài Facebook, hiện kẻ lừa đảo còn lấy thông tin thẻ ngân hàng cùng thông tin cá nhân của chủ thẻ để làm chuyện mờ ám, mua hàng qua mạng bằng thẻ của nạn nhân...

Ngày 25-11, chị Trần Huệ Linh (ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) nhận tin thông báo trúng thưởng từ tài khoản có biểu tượng Zalo. Tin nhắn ghi rõ chị là người may mắn trúng giải nhất “Quà tặng vàng - Tháng tri ân khách hàng” quý IV-2016 từ hệ thống zaloap. Vẫn “chiêu” cũ, kẻ lừa gửi cho chị mã số trúng thưởng với trị giá hàng trăm triệu đồng, xe máy SH… và hướng dẫn chị truy cập đường link để nhận thưởng. Kẻ lừa không yêu cầu nạp thẻ, chuyển tiền mà chỉ “xin” thông tin cá nhân, số chứng minh nhân dân, ngày cấp số tài khoản ATM, số thẻ (dãy số nổi được in trên thẻ), số dư tài khoản… “Điền lỡ dở, tôi kịp ngưng thì hôm sau khoản Zalo của tôi lại thành nơi phát tán… tin nhắn trúng thưởng cho kẻ lừa vì dính virus!” - chị than.

“Tội phạm công nghệ cao sử dụng Zalo, Facebook, Viber… để lừa đảo. Người dân hạn chế tối đa việc cung cấp thông tin ngân hàng, thông tin cá nhân qua các trang mạng. Nhận những tin nhắn trời ơi như vậy thì xóa ngay cho… rảnh nợ” - một công an quận 3, TP.HCM nói.

Với trường hợp chị Yến, Trung tá Lý Văn Cẩn, Phó Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an quận 12, cho là kẻ lừa không tinh vi.

“Lừa đảo sử dụng công nghệ cao rất phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi và gây khó khăn cho công tác điều tra. Đặc biệt dịp Noel, tết sắp đến nên chị em cần cảnh giác với “những món quà bị kẹt ở hải quan, cửa khẩu…”, những thông tin trúng thưởng cuối năm qua các trang mạng” - một công an cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm