Bộn bề nỗi lo viện phí tăng

Gây thêm khó khăn cho người lao động

Vợ chồng chúng tôi từ ngoài quê vào TP.HCM thuê phòng trọ để ở và đi làm công nhân được hai năm nay. Mới đây, vợ tôi phát hiện trên ngực của mình có hai cục bướu mỗi ngày một lớn thêm. Được mọi người góp ý, vợ chồng tôi cố gắng tiện tặn, dành dụm một ít tiền và mượn thêm một ít để đến BV Ung bướu TP.HCM khám, điều trị. Tại đây, bác sĩ cho biết đó là bướu lành và khuyên nên chữa trị càng sớm càng tốt. Khi biết chúng tôi ở Bình Định vào, bác sĩ đã sắp xếp cho vợ tôi được mổ trước bướu lớn…

Tính ra chúng tôi đã bỏ ra khoản chi phí gần 5 triệu đồng. Chưa kể những khoản tiền phát sinh trong thời gian vợ tôi điều trị ở nhà vì vợ tôi phải uống thuốc đều đặn theo toa của bác sĩ để bướu còn lại sẽ tự tiêu dần. Phần tôi đang cố gắng làm thêm để lỡ bệnh của vợ không khỏi thì phải mổ thêm lần nữa.

Có nhiều lý do được nhà nước đưa ra để đòi tăng viện phí. Do không rành rẽ nên vợ chồng tôi cũng không biết các lý do ấy có chính đáng hay không. Chỉ biết rằng khi trong nhà có người bệnh thì nguồn thu nhập của gia đình vốn thấp lại càng bèo bọt, lắm lúc lo không nổi miếng ăn. Trường hợp đã tính hết nước hết cái rồi và vẫn quyết định tăng viện phí thì đề nghị nhà nước cố gắng trợ giúp những người có thu nhập thấp như chúng tôi vượt qua khó khăn.

HỒ THANH TỨ (27/6B Quang Trung, quận Gò Vấp)

Vừa rồi, em tôi mắc bệnh hiểm nghèo, phải điều trị tại BV Bình Dân (TP.HCM) gần 20 ngày. Sau đợt điều trị, gia đình phải đóng hơn 5 triệu đồng trong tổng số tiền gần 30 triệu đồng theo hóa đơn đã ghi. Do phần còn lại được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả nên chúng tôi đã không phải vay nợ. Từ đó cả nhà mới thấm thía giá trị của việc tham gia BHYT tự nguyện.

Bộn bề nỗi lo viện phí tăng ảnh 1

Bệnh nhân đang điều trị tại khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy. Ảnh: MINH HIẾU

Qua tìm hiểu, tôi đồng tình với việc tăng viện phí vì theo giá cả cũ thì mức thu đã quá lạc hậu khiến các cơ quan y tế khó lòng phục vụ tốt cho bệnh nhân. Tuy nhiên, mức tăng phải được tính toán sát sao để phù hợp với thu nhập thực tế của mọi người. Mặt khác, các cơ quan hữu quan không được làm cho chương trình BHYT toàn dân mất đi sự hấp dẫn khi mà người bệnh dù có thẻ BHYT vẫn bị thu phí quá cao.

DƯƠNG HỮU NHÂN (Lô T cư xá Vĩnh Hội, quận 4, TP.HCM)

Chỉ nên tăng từ từ

Thông tin viện phí sẽ tăng 7-10 lần so với trước đang làm những người có thu nhập thấp như chúng tôi lo lắng. Theo lý giải của Bộ Y tế thì việc tăng viện phí này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến người dân vì đã có BHYT và các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Nhưng khi tăng viện phí thì đồng thời các dịch vụ khác cũng tăng như: phí khám, chữa bệnh, phí mua thẻ BHYT…

Do vậy, có lẽ chỉ nên tăng 2-3 lần là phù hợp với sức chịu đựng của số đông. Thêm một vấn đề đáng quan tâm là tới đây, chất lượng phục vụ cũng như trang thiết bị của bệnh viện có được nâng cao hay vẫn như cũ và bệnh nhân có còn phải chịu cảnh 2-3 người một giường bệnh nữa hay không?

NGUYỄN THỊ BÍCH (Phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM)

Nên giữ mức thu như hiện nay

Theo quy định hiện hành, mỗi người tham gia BHYT tự nguyện phải tốn 350.000 đồng/năm. Nhà tôi có bảy người, vị chi hằng năm gia đình tôi mất gần 2,5 triệu đồng để chăm lo bệnh tật. Với số tiền này, tôi thấy gia đình mình vẫn có thể xoay xở được. Nhưng đối với một gia đình nghèo hơn thì việc tự dưng phải bỏ ra bằng ấy tiền để đề phòng bệnh tật thì e hơi hoang phí. Bởi vì nếu có bệnh thì họ sẽ ra tiệm thuốc Tây khai bệnh rồi mua thuốc về uống, chỉ mất vài trăm ngàn đồng là xong. Với tâm lý ngại tốn kém nhiều trong một lần như trên, tôi chắc chắn còn nhiều nhà vẫn chưa quan tâm tới BHYT.

Sắp tới, nếu nhà nước tăng phí tham gia BHYT hay viện phí thì có thể gia đình tôi sẽ không tham gia BHYT cho tất cả thành viên. Thay vào đó, chúng tôi sẽ ưu tiên cho hai người già (cha mẹ) rồi đến người hay bệnh. Nói vậy để thấy nếu các mức phí được điều chỉnh không hợp lý thì BHYT không còn giữ được tinh thần chia sẻ của bảo hiểm (người mạnh chia cho người yếu) và điều này sẽ dẫn đến nguy cơ bội chi quỹ BHYT mà nhà nước phải đau đầu tính toán để bảo tồn quỹ hằng năm.

Đành rằng viện phí tại Việt Nam vẫn còn thấp so với mặt bằng thế giới nhưng với thu nhập người dân và giá cả thị trường thì viện phí hiện nay là phù hợp. Cơ quan BHYT Việt Nam cần xem xét lại cơ cấu tổ chức, quản lý của mình để tiết kiệm hơn là đi tăng giá bảo hiểm.

NGÔ KẾ TỰU (Hẻm 51 đường Phạm Văn Chiêu, phường 14, quận Gò Vấp, TP.HCM) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm